1. Phút 89 trong cuộc so tài giữa Italy và Xứ Wales, HLV Roberto Mancini thực hiện một trong những pha thay người kỳ lạ nhất. Ông tung thủ môn dự bị Salvatore Sirigu vào sân thế chỗ Gianluigi Donnarumma.
Thủ môn là vị trí hiếm khi bị thay thế. Thay trong trận đấu càng hiếm hơn nữa. Trừ trường hợp bất khả kháng (chấn thương) hay thay đổi chiến thuật (vào sân bắt luân lưu 11m), các HLV không bao giờ đổi người gác đền.
Trong trận đấu ở Olympico đêm qua, Donnarumma không chấn thương. Italy cũng không cần điều chỉnh khi thế cục đã an bài, nhưng Mancini vẫn thay thủ môn. Sự điều chỉnh không mang tính chiến thuật, mà có ý nghĩa động viên Sirigu.
2. Salvatore Sirigu là một trong những người gác đền kém may mắn nhất bóng đá Italy. Thủ môn gốc Nouro có sự nghiệp suôn sẻ với 409 trận cấp CLB, đỉnh cao là 4 mùa bắt chính cho Paris Saint-Germain, 6 mùa giải là thủ môn số một của Palermo và Torino. Ba phần tư sự nghiệp, Sirigu là lựa chọn hàng đầu của những CLB mà anh khoác áo.
Song trớ trêu thay, cuộc phiêu lưu của Sirigu trong màu áo thiên thanh mãi là câu chuyện dang dở. Anh đạt độ chín sự nghiệp khi Gianluigi Buffon đang có vị thế không thể lay chuyển. Buffon chia tay đội tuyển, đến lượt một Gianluigi khác (Donnarumma) bước ra ánh sáng.
Sirigu dành cả thanh xuân để chờ đợi được bay nhảy trong cầu môn Italy, nhưng đi gần hết sự nghiệp, vị trí của thủ môn Torino vẫn chỉ là băng ghế dự bị.
27 trận trong 11 năm, Sirigu chưa bao giờ có tên trong hàng ngũ ngôi sao "Azzurri". Vị trí thủ môn số hai càng nghiệt ngã hơn trong bóng đá, với cơ hội ra sân gần như bằng không.
Tuy nhiên, HLV Mancini không bỏ rơi Sirigu. 4 phút góp mặt ở trận gặp Xứ Wales, Sirigu đã có kỳ EURO thứ ba được góp mặt trong sự nghiệp (nhiều khả năng là kỳ EURO cuối cùng). Anh là cầu thủ thứ 25 trong số 26 cái tên được tạo điều kiện thi đấu.
"Những phút ngắn ngủi góp mặt không giúp Sirigu tạo dấu ấn, nhưng ít nhất, anh cũng cho thế hệ tương lai của Italy thấy sự hiện diện của mình", GiveMeSport nhận định.
Người thấu hiểu nhất nỗi buồn của cầu thủ dự bị chính là HLV Roberto Mancini. Theo cây bút Nicky Bandini, Mancini từng tham dự World Cup 1990 mà không được thi đấu dù chỉ một giây. Đến lúc này, Mancini vẫn gọi đó là tiếc nuối lớn nhất trong sự nghiệp của ông.
Cựu chiến lược gia Inter nhìn thấy khát khao trong ánh mắt học trò, như chính ông ở ghế dự bị 31 năm trước. HLV Mancini không thể đảo ngược quá khứ, nhưng ông không để học trò phải nếm lại nỗi đau của mình.
3. Italy có 26 cầu thủ dự EURO, nhưng chỉ được xếp 11 cái tên đá chính. 15 cầu thủ còn lại có rất ít cơ hội. HLV kỳ cựu Carlo Ancelotti từng nói việc khó khăn nhất của các chiến lược gia là giúp cho các cầu thủ dự bị luôn hạnh phúc, để họ cảm thấy mình là một phần của tập thể. Điều này đòi hỏi HLV phải đắc nhân tâm và cư xử khéo léo.
Nhưng đến lúc này, 25/26 cầu thủ Italy đã được ra sân - một kỷ lục ở các kỳ EURO. Trong trận gặp Xứ Wales, Italy tung vào sân toàn bộ đội hình dự bị. Dù ít hay nhiều, Alessandro Bastoni, Francesco Acerbi, Matteo Pessina, Bryan Cristante, Gaetano Castrovilli đều đã hít thở bầu không khí EURO.
Đáng nói hơn, dù đá với đội hình nào, Italy đều áp đảo đối thủ. Đội bóng của Mancini không có ngôi sao. Trong lối đá của Italy, rất khó chỉ ra ai là người phục vụ, ai là trung tâm của các đường bóng. Tất cả đều có nhiệm vụ riêng biệt. Dù tấn công hay phòng ngự, Italy đều có đủ 11 cầu thủ, di chuyển cả khối nhịp nhàng.
30 trận bất bại, 11 chiến thắng liên tiếp và không thủng lưới, Italy phá kỷ lục tồn tại gần 90 năm bằng một đội hình bình dân, nhưng bảo bọc nhau như một gia đình. Sự gắn kết của Italy được tạo nên từ mối quan hệ bình đẳng, bao dung giữa cầu thủ và HLV, chứ không chỉ dựa trên yếu tố chiến thuật thuần túy.
Muốn thắng Italy, các đối thủ sẽ phải bẻ gẫy mối liên kết bền chặt này - thách thức không đơn giản ngay cả với những đội tuyển hàng đầu thế giới hiện tại.
Bình luận