Hội thảo về "Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên Việt Nam hiện nay"do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 16/11 ở Hà Nội khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cận kề. Theo đại biểu, hội thảo này rất có ý nghĩa, bởi nói về giáo viên không chỉ theo hướng tôn vinh thầy cô, mà còn nhìn thẳng vào khó khăn họ gặp phải để tìm cách khắc phục.
TS Phạm Thị Kim Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho hay nghiên cứu từ một số nước châu Âu, Mỹ và ở Australia cho biết khoảng 1/3 giáo viên bỏ nghề sau những năm đầu đi dạy.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu Nguyễn Trọng Bình, Vũ Trọng Rỹ về đề tài “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” đưa ra con số đáng suy ngẫm: “Ít nhất một nửa giáo viên hiện nay không muốn làm nghề dạy học. Họ hối hận vì chọn nghề giáo".
Trong nghiên cứu mới đây của TS Kim Anh và đồng nghiệp, khi điều tra sinh viên sư phạm sau khi thực tập tại trường THPT, hơn 50% muốn đổi nghề nếu có cơ hội. Lý do chung của các em là giáo viên nhiều áp lực, cánh cửa vào nghề quá chật hẹp, vất vả và tốn kém.
"Bệnh thành tích giáo dục khiến thầy không ra thầy, trò không ra trò"
TS Kim Anh nói áp lực đổ lên vai giáo viên với các cuộc thi ngày càng “bội thực” khiến họ “phát điên rồ”. Không những thế, họ còn phải hướng dẫn học sinh tham gia những cuộc thi mang tính “núp bóng học trò” như giải Toán tiếng Anh trên mạng, giao thông thông minh, ý tưởng trẻ thơ...
Bà Kim Anh dẫn lời của thầy Nguyễn Văn Chi - người có 37 năm trong nghề tại TP.HCM - nói rằng ông có đầy đủ danh hiệu từ chiến sĩ thi đua cấp tỉnh đến bằng khen cấp cao nhưng tất cả chỉ là hình thức. Hết thi đua rồi bỏ.
Nữ giáo viên cho hay chính "bệnh thành tích" là nguyên nhân dẫn đến “thầy không ra thầy - trò không ra trò”, thậm chí thầy phải đồng lõa với cái xấu trong nghề. Vì vậy, những câu chuyện xót xa mới xuất hiện như phụ huynh xin cho con ở lại lớp vì học kém cũng không được. Bởi lẽ, giáo viên bị ép duy trì sĩ số, phải đảm bảo tỷ lệ lên lớp và đỗ tốt nghiệp 100%.
Không những thế, giáo viên phải chịu áp lực từ phía phụ huynh, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh. Họ được phụ huynh ủy thác và chịu trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ với quan điểm “trăm sự nhờ thầy cô”. Nhưng nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra với con em họ (bị đánh, phạt), giáo viên sẽ bị chỉ trích, lên án, thậm chí bị đánh hay“ném đá” dữ dội từ gia đình, xã hội. Không ít người bị kỷ luật hoặc thôi việc.
Do đó, hầu hết giáo viên phải cố kìm nén, không dám kỷ luật nghiêm khắc với một số học trò được coi như “ông trời con”. “Đau đớn nhất là có giáo viên nói vì luật không đứng bên tôi, phụ huynh không đứng bên tôi, ngành giáo dục cũng không đứng bên tôi”, TS Kim Anh phát biểu.
Nữ tiến sĩ cũng cho hay hiện nay, giáo viên không còn quyền lực như đuổi học sinh ra khỏi lớp, bị tước mất hết công cụ để giáo dục học sinh, chứ đừng nói đến trách phạt, kỷ luật hay dùng đòn roi, quát mắng.
Ngoài việc phê bình vào sổ ghi đầu bài, hạ hạnh kiểm, không còn biện pháp nào khác. Nhưng điều đó cũng không còn quan trọng hay kinh khủng, đáng xấu hổ nữa, vì cuối năm, học sinh vẫn được cho lên lớp, ra trường với bằng tốt nghiệp.
Về đời sống, một sinh viên sư phạm tốt nghiệp đại học có mức lương trung bình trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân theo lương và phụ cấp là 3-3,5 triệu đồng/tháng. Giáo viên có thâm niên công tác từ 13 năm trở lên, lương và phụ cấp khoảng 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Tính trung bình, lương thầy cô không đến 70 triệu đồng/năm. Đồng lương không nuôi sống bản thân nhưng giáo viên không được tổ chức dạy thêm để tăng thu nhập.
Bà Kim Anh cho rằng xã hội đòi hỏi giáo viên phải sống thanh bạch như các cụ đồ ngày xưa, nhưng họ cũng là người, cần có cuộc sống đầy đủ.
Nghề giáo xếp cùng phi công, chữa cháy
PGS.TS Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam , Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - cho hay áp lực không chỉ đè lên giáo viên mà cả học sinh.
Ông dẫn lại nghiên cứu của ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết 280 trong số 1.043 học sinh (gần 27%) có hành vi tự hủy hoại bản thân. Đáng nói, xu hướng này tập trung ở những em có học lực khá, giỏi. Nhóm tác giả đã nghiên cứu thực tế trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS ở TP.HCM và Bình Dương trong 2 năm qua.
Theo Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam , giáo viên có tâm lý vững không gặp nhiều áp lực, giải quyết vấn đề nhanh nhưng đó chỉ là số ít.
“Một tổ chức ở Mỹ chọn 8 nghề áp lực nhất, trong đó giáo viên đứng cùng phi công, chữa cháy, y tế”, PGS Kiều nói.
Nêu giải pháp để giải tỏa áp lực cho nghề giáo, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - cho rằng mỗi nhà giáo phải biết lãnh đạo chính mình để tự vượt qua áp lực, nghịch cảnh của cuộc sống.
Ông đề xuất việc tôn vinh, đãi ngộ nhà giáo phải đúng như Nghị quyết 29/TW, cơ quan liên quan phải chấp hành, chứ không thể từ chối việc trả lương giáo viên cao nhất trong bộ máy hành chính sự nghiệp.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT phải sửa ngay điều 29 và 32 của dự thảo Luật xử phạt hành chính trong giáo dục. Không thể biến nhà trường thành đồn cảnh sát, không thể biến thầy cô thành đối tượng xử phạt hành chính.
Cô Dương Thị Phương Thảo, trường THCS Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội, cho hay cô và đồng nghiệp đã trải qua nhiều áp lực trong nghề giáo.
Cô Thảo có 14 năm dạy học, vào biên chế sau 5 năm đứng lớp, nhưng mức lương hiện tại là 4,7 triệu đồng.
“Xin hỏi với mức lương này, tôi sống như thế nào ở thủ đô? Tôi may mắn được gia đình hỗ trợ mới có thể bám trụ nghề. Không ít giáo viên không có sự ủng hộ của gia đình sẽ phải suy nghĩ về việc mình có thực sự tâm huyết với nghề không", nữ giáo viên nêu quan điểm.
Bình luận