Giới chức Trung Quốc đang đối diện với các áp lực lớn về đối ngoại khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ khó bỏ rơi đồng minh địa chính trị Nga trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Hoàn cảnh của Trung Quốc trong quan hệ với Nga
Một mặt, Bắc Kinh và Moskva rất thân thiết ở cấp cao nhất trong nhiều năm. Nga là nhà cung cấp các vật liệu thô cho Trung Quốc. Nga còn đóng vai trò một đồng minh địa chính trị cho Trung Quốc khi nước này đối chọi với hàng loạt đòn đánh từ nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 1/2021 đã dùng một công thức nổi tiếng để mô tả quan hệ giữa hai nước: Hợp tác chiến lược Trung-Nga không có giới hạn, không có vùng cấm, và không có trần.
Một năm sau đó, Trung Quốc và Nga củng cố đường lối chính trị này bằng một thông cáo chung được thông qua trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin. Trong chuyến công du đó của ông Putin, lần đầu tiên Trung Quốc gắn kết bản thân với nhu cầu của Nga muốn ngừng sự mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như cùng Nga kêu gọi tổ chức này “từ bỏ cách tiếp cận theo tư tưởng ý thức hệ thời Chiến tranh Lạnh, để tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích của các nước khác, sự đa dạng của các nền tảng về văn minh, văn hóa, và lịch sử của các nước, cũng như thực hiện một thái độ công bằng, khách quan đối với sự phát triển hòa bình của các quốc gia khác”.
Nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng có những lo ngại. Tình trạng bất ổn định mới xuất hiện ở châu Âu do hoạt động giao tranh, các lệnh trừng phạt của phương Tây, và các biện pháp trả đũa của Nga đã tạo ra các vấn đề cho nền kinh tế Trung Quốc như giá nhiên liệu gia tăng và khả năng các công ty Trung Quốc bị trừng phạt gián tiếp thông qua các lệnh trừng phạt áp lên Nga. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng băn khoăn về khả năng liệu Nga kết thúc sớm được chiến dịch quân sự của họ và vẫn duy trì được sức mạnh của mình, không rơi vào trạng thái suy yếu.
Quan điểm từ giới chuyên gia của Trung Quốc
Hiện trong giới chuyên gia của Trung Quốc đang có những tranh cãi nội bộ, được thể hiện qua các ấn phẩm khác nhau và các cuộc liên lạc riêng với các nhân vật này.
Nhìn tổng thể, các cây bút của Trung Quốc cho rằng xung đột hiện nay ở Ukraine là do Mỹ duy trì chính sách khiêu khích trong nhiều năm, rằng chính Mỹ đã châm ngòi cho xung đột này.
Nhưng mặt khác, họ cũng có ý kiến cho rằng Trung Quốc đã đúng khi không chọn bên, phản đối “trò chơi có tổng bằng 0”, kêu gọi giải quyết vấn đề một cách hòa bình, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, tuân thủ mục đích và nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc .
Hồ Tích Tiến – cựu Tổng Biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, người nổi tiếng với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, mới đây cũng bất ngờ đưa ra một số đề xuất rất mềm mỏng. Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Weibo (của Trung Quốc) vào ngày 4/3, ông này mong nước Nga sẽ “tiếp đất một cách nhẹ nhàng” và khôi phục lại môi trường chiến lược an ninh ở phía Tây. Nhưng đồng thời ông phản đối các nỗ lực “Nga hóa” chính sách đối ngoại của Trung Quốc, tức là không làm tương tự như Nga. Theo ông này, sức mạnh của Trung Quốc không nằm ở quân sự (trái với Nga) mà là ở kinh tế. Do vậy, ông nói Trung Quốc nên hành động ôn hòa hơn, trong thời gian dài hơn, sử dụng các biện pháp ngoại giao để làm cho Mỹ xích lại gần Trung Quốc hơn nữa về mặt kinh tế, thu được lợi thế cạnh tranh.
Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải trên website Đài truyền hình Phượng Hoàng vào cuối tháng 2/2022, Feng Yujun – Phó Viện trưởng Viện Quốc tế học thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) bình luận rằng dựa theo lịch sử thì nguyên tắc chính chi phối hướng phát triển của Nga luôn là mâu thuẫn giữa mong muốn khôi phục vị trí đại cường với tình trạng thiếu hụt sức mạnh trên thực tế.
Quan điểm chính thống từ giới chức Trung Quốc
Tất nhiên các nhận xét trên thể hiện quan điểm cá nhân của các chuyên gia, không liên quan trực tiếp đến đường lối chính thức của Trung Quốc, mặc dù các nhà bình luận đó có mối liên hệ với hệ thống chính quyền Trung Quốc.
Còn quan điểm chính thức của Trung Quốc thì được thể hiện qua các tuyên bố của Bộ Ngoại giao và các nhà ngoại giao của nước này.
Có lẽ rõ nhất là bài viết của Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Tần Cương, được đăng tải trên tờ Washington Post vào ngày 15/3/2022. Ông này bác bỏ thông tin của truyền thông Mỹ cho rằng Trung Quốc biết trước cuộc tấn công của Nga và thậm chí đã đề nghị Moskva lùi ngày tấn công đến khi Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh kết thúc. Ông Tần cũng nhận xét rằng Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn của cả Nga và Ukraine, đồng thời có hơn 6.000 công dân Trung Quốc đang sống ở Ukraine, hàm ý chiến dịch quân sự của Nga là bất lợi cho lợi ích của Trung Quốc.
Đại sứ Tần Cương còn nói rằng nếu biết trước về chiến dịch quân sự của Nga, Trung Quốc sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn cản xung đột vũ trang. Ông này cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc ủng hộ hòa đàm, chấm dứt chiến tranh và duy trì ổn định khu vực và toàn cầu.
Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, cũng xác nhận quan điểm trên trong cuộc gặp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 18/3/2022. Khi ấy, ông Tập tuyên bố: “Trung Quốc không muốn chứng kiến tình hình Ukraine đến nông nỗi này. Trung Quốc ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh”.
Ông Tập bác bỏ các nỗ lực của Mỹ muốn Trung Quốc gây áp lực đơn phương lên Nga, kêu gọi tất cả các nước ủng hộ Nga và Ukraine đàm phán hiệu quả nhằm đạt được hòa bình. Ông cũng kêu gọi Mỹ bước vào đối thoại với Nga để giải quyết các vấn đề cốt lõi trong cuộc khủng hoảng Ukraine, giảm nhẹ các quan ngại an ninh cho cả Nga lẫn Ukraine.
Ngày 17/3, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố, quyết định của chính phủ Mỹ về mở rộng NATO sang phía Đông có liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Theo ông Triệu, chìa khóa giải quyết khủng hoảng này nằm trong tay Mỹ và NATO. Hai ngày sau đó, ông Triệu kêu gọi Mỹ nghĩ sâu sắc về vai trò của họ trong sự phát triển của khủng hoảng Ukraine và thực hiện nỗ lực cụ thể để tháo ngòi căng thẳng tại đó. Ngày 19/3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng cũng chỉ trích gay gắt “não trạng” của khối quân sự NATO và sự tiếp tục tồn tại của tổ chức này ngay cả khi Liên Xô đã sụp đổ. Vị thứ trưởng này còn phê phán các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Nga mà không có sự đồng ý của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc …
Điểm lớn chung: Trung Quốc vẫn ủng hộ Nga đến mức cao nhất có thể
Có thể tóm tắt các quan điểm chính thức của Trung Quốc như sau: Trung Quốc phản đối hành động quân sự và ủng hộ giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng hành động quân sự của Nga là do chính sách “khiêu khích” của Mỹ, trước tiên là do việc mở rộng NATO. Trung Quốc xem hành động của Nga có phần thái quá, nhưng Nga vẫn là đối tác quan trọng và mọi giải pháp hòa bình phải tính đến các quan ngại chính đáng của Nga.
Nhìn tổng thể, Bắc Kinh dường như chưa thể hiện quan điểm cuối cùng của mình, họ còn phải quan sát tình hình Ukraine diễn biến ra sao. Tuy nhiên vẫn có một số điểm chính tương đối rõ về quan điểm của họ.
Nga vẫn là đối tác rất quan trọng đối với Trung Quốc trong cuộc đối đầu với Mỹ. Trung Quốc hiểu rằng cuộc đối đầu với Mỹ là nghiêm túc và kéo dài. Do vậy Trung Quốc đã khá hờ hững trước lời kêu gọi của Mỹ hãy gây áp lực lên Nga để buộc Nga dừng chiến dich quân sự ở Ukraine. Qua thực tế, Trung Quốc có thể nhận định rằng nếu Nga bị hạ, thì sau đó Mỹ hoàn toàn có thể sẽ gia tăng gấp đôi các nỗ lực cô lập Trung Quốc
Trung Quốc sẽ không được lợi từ một nước Nga suy yếu. Khả năng cao là Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ ở mức có thể cho Nga trong lúc bản thân họ vẫn cố gắng tránh các tác dụng phụ từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Hợp tác trong tương lai của Trung Quốc với Nga được dự báo sẽ phụ thuộc nhiều vào các lợi ích địa chính trị hơn là tầm nhìn chung về trật tự thế giới.
Bình luận