Việc bị bắt gặp khi tự nói chuyện một mình, đặc biệt là khi bạn gọi tên chính mình, thường khiến cho người nói cảm thấy xấu hổ
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi nó làm cho bạn trông như đang bị ảo giác. Đây là việc cũng dễ hiểu bởi lẽ, mục đích của việc nói to ra thành tiếng thường là khi cần giao tiếp với người khác.
Nhưng có rất nhiều người trong chúng ta vẫn thường hay tự nói chuyện với chính mình, liệu điều đó có phải là bình thường hay thậm chí lành mạnh không?
Tại đây, trong một đoạn được đăng tải trên tạp chí The Conversation, một nhà tâm lý học đã đưa ra những phát hiện đáng kinh ngạc về việc nói chuyện một mình, bao gồm cả việc nói to ra ngoài và nói thầm trong đầu.
Paloma Mari-Beffa, thuộc Đại học Bangor nói rằng, việc nói chuyện một mình là điều hết sức bình thường, đồng thời, nó còn giúp bạn kiểm soát được chính mình. Trong khi đó, việc nói to một mình có thể là dấu hiệu cho thấy, bạn có khả năng nhận thức cao, chứ không phải là bệnh tâm thần.
Hầu như chúng ta đều thường xuyên nói thầm trong đầu. Chúng ta thường tham gia vào các cuộc đối thoại sâu sắc, siêu việt vào lúc 3 giờ sáng, với không ai khác ngoài chính những suy nghĩ của mình để tìm câu trả lời. Độc thoại nội tâm thực sự lành mạnh, chúng có một vai trò đặc biệt trong việc giữ cho đầu óc của chúng ta thoải mái.
Nó giúp chúng ta tổ chức các ý nghĩ, lên kế hoạch hành động, củng cố trí nhớ và điều chỉnh cảm xúc. Nói cách khác, nó giúp chúng ta kiểm soát bản thân. Nói to là sự mở rộng hơn của việc nói thầm trong đầu, nó xuất hiện khi có một động cơ mệnh lệnh nhất định nào đó vô tình được kích hoạt.
Nhà tâm lý học người Thụy Sĩ, Jean Piaget đã quan sát thấy rằng, những đứa trẻ bắt đầu kiểm soát hành động của mình ngay từ khi tập nói.
Khi chạm vào một vật nóng, trẻ mới biết đi thường nói to "nóng, nóng" và đi ra chỗ khác. Loại hành vi này có thể tiếp tục vào giai đoạn trưởng thành.
Trong một nghiên cứu tìm kiếm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng, não của chúng ta có thể vận hành khá giống loài khỉ nếu như chúng ta dừng việc tự nói chuyện một mình lại – dù cho việc nói chuyện đó là nói to ra ngoài hay nói thầm trong đầu.
Trong thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia nói to và lặp đi lặp lại những âm thanh vô nghĩa khi đang làm một nhiệm vụ thị giác và thính giác.
Bởi vì chúng ta không thể nói 2 thứ cùng một lúc, nên việc lẩm bẩm những âm thanh vô nghĩa khiến cho những người tham gia không biết được mình nên làm gì trong mỗi nhiệm vụ.
Nghiên cứu này cho thấy rằng, nói chuyện một mình có lẽ không phải là cách duy nhất để kiểm soát hành vi, nhưng đó là cách mà hầu hết chúng ta đều thích và sử dụng một cách mặc định.
Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta luôn có thể kiểm soát được những gì chúng ta nói. Thật vậy, có rất nhiều tình huống trong đó, cuộc độc thoại nội tâm của chúng ta trở nên có vấn đề.
Khi tự nói chuyện một mình vào lúc 3 giờ sáng, chúng ta thường cố gắng ngừng suy nghĩ để quay trở lại vào giấc ngủ. Nhưng việc tự bảo mình không nghĩ nữa chỉ càng khiến cho chúng ta suy nghĩ mông lung thêm, khơi dậy tất cả các loại suy nghĩ - kể cả độc thoại - một cách gần như ngẫu nhiên.
Loại kích thích tinh thần này rất khó kiểm soát, nhưng chúng sẽ hoàn toàn bị trấn áp khi chúng ta chú tâm vào một cái gì đó.
Ví dụ, đọc một quyển sách có thể giúp chúng ta hạn chế việc nói chuyện một mình một cách hiệu quả, làm cho nó trở thành hoạt động yêu thích để thư giãn tâm trí của chúng ta trước khi ngủ.
Nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những bệnh nhân bị lo lắng hoặc trầm cảm sẽ kích hoạt những suy nghĩ "ngẫu nhiên" ngay cả khi họ đang cố gắng thực hiện một số công việc không liên quan.
Sức khoẻ tinh thần của chúng ta dường như phụ thuộc vào cả khả năng kích hoạt suy nghĩ liên quan đến sự việc hiện tại và ngăn chặn những thứ không liên quan.
Không hề ngạc nhiên khi một số kỹ thuật lâm sàng, chẳng hạn như chánh niệm, được thực hiện nhằm mục đích hạn chế việc suy nghĩ và giảm căng thẳng.
Khi suy nghĩ của chúng ta hoàn toàn mất kiểm soát, chúng ta sẽ bước vào một trạng thái mơ màng với những cuộc nói chuyện không mạch lạc và không phù hợp với ngữ cảnh, có thể được mô tả như là bệnh tâm thần.
Video: Mối liên hệ giữa nắng nóng và bệnh tâm thần - Bác sỹ nói gì?
Bình luận