Theo thông tin từ BHXH tỉnh Hà Tĩnh, tính đến tháng 9/2022 đã có 50.152 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó một số đơn vị đạt cao, đã hoàn thành kế hoạch giao như thị xã Hồng Lĩnh 2.558 người, Vũ Quang 1.595 người, Nghi Xuân 4.407 người tham gia.
Sau hơn 4 năm triển khai, BHXH tự nguyện là một trong những chính sách của Đảng và Nhà nước mở rộng cánh cửa tham gia mạng lưới an sinh xã hội cho người lao động tự do.
Tham gia BHXH tự nguyện đồng nghĩa với việc người lao động tự do có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già, khi hưởng chế độ lương hưu được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe với mức quyền lợi lên tới 95% chi phí do quỹ BHYT chi trả, được nhà nước điều chỉnh lương hưu theo chỉ số giá tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Hằng (trú xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) phấn khởi cho biết, gia đình có 4 cháu đang tuổi ăn học, hai bố mẹ lại làm ruộng, cuộc sống rất vất vả nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng kiếm tiền để đóng BHXH tự nguyện, xem như của để giành lúc về già.
“Giờ còn trẻ, còn khỏe, còn làm ra tiền không lo nhưng sau này khi không còn sức lao động nữa mà vẫn có lương, có đồng ra đồng vào, chi tiêu không phụ thuộc con cháu cuộc sống mới thoải mái được”, chị Hằng nói.
Với sự đổi mới trong công tác truyền thông, việc phối hợp với các hội đoàn thể các tổ chức dịch vụ thu thực hiện tuyên truyền sâu rộng chính sách BHXH, BHYT đến với người lao động, người dân đã tạo sự lan tỏa trong nhân dân.
Đặc biệt, Nghị quyết số 177/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ 20% mức đóng hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn đối với người tham gia BHXH tự nguyện từ 1/1/2020 tác động vô cùng tích cực đến ý thức, tâm lý người dân. Nhờ chính sách hỗ trợ này mà con số tăng lên rất nhiều, chỉ riêng trong năm 2020 đã tăng thêm 16.000 người.
Để có những thành quả như hôm nay không thể không kể đến vai trò của các Tổ chức dịch vụ Thu, đặc biệt là nhân viên thu tại các xã phương, thị trấn. Sự năng động, sáng tạo và sâu sát của các nhân viên thu – những cánh tay nối dài của ngành BHXH giúp cơ quan BHXH đưa chính sách an sinh xã hội đến người dân, người lao động.
Bà Trần Thị Hạnh, Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trần phú, thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHYT tự đóng không chỉ đơn thuần là tìm đến nhà vận động, gặp người dân nhiều hay ít lần, mà quan trọng hơn cả là thông qua tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người dân, làm họ tin tưởng, cảm thấy thoải mái, yên tâm và tự nguyện tham gia.
Muốn vậy, người làm đại lý thu phải gần gũi với bà con, nắm bắt, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các gia đình, từ đó tuyên truyền theo phương châm "mưa dầm thấm lâu", có những dẫn chứng phù hợp bằng người thực, việc thực tại địa bàn thôn, xóm, thì đối tượng mới hiểu được lợi ích, ý nghĩa thiết thực và nhiệt tình tham gia BHXH, BHYT”.
Đến thời điểm hết tháng 9/2022 toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có hơn 50.152 người tham gia tăng 9.554 người so với năm 2021, hoàn thành 93,5% kế hoạch trong năm.
Bình luận