• Zalo

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung

Tin nhanh 24hThứ Bảy, 09/07/2022 18:09:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hà Giang vừa khánh thành công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Căng Bắc Mê giai đoạn 1 với sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Bắc Mê, đơn vị quản lý di tích và các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức, tìm kiếm, sưu tầm hiện vật, tài liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền tại khu di tích, đưa khu di tích lịch sử văn hóa Căng Bắc Mê trở thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa tiêu biểu trong và ngoài nước.

Được biết, dự án này được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 20 tỷ đồng gồm những tiểu dự án như: Tu bổ tổng thể, mở rộng cảnh quan ra xung quanh; Cải tạo nhà dừng chân, bia tưởng niệm, khu vực nhà giam; Xây dựng mới nhà trưng bày tại khu di tích; Lắp các trụ lăng kính giới thiệu về di tích...

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, cùng với việc thiết lập bộ máy cai trị hà khắc ở vùng Đông Bắc, thực dân Pháp đã cho xây dựng thêm đồn bốt, trại lính ở khắp nơi, trong đó có trại lính Khố xanh ở Bắc Mê, Hà Giang.

Ngày 15/02/1909, Tiểu đoàn trưởng - Tư lệnh Đạo quan binh 3 (Hà Giang) đã gửi công văn số 229 tới Thống sứ Bắc Kỳ trình bày về việc cần thiết phải xây trại lính Khố xanh ở Bắc Mê thuộc Đạo quan binh 3 để kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông giữa 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Cao Bằng vì nơi đây có địa thế khá thuận lợi cho việc quan sát, khống chế cả một vùng rộng lớn. 

Ban đầu ở trại lính này chỉ có 1 đội lính Khố xanh đóng quân và một số cai đội người địa phương dưới sự chỉ huy của một viên sĩ quan Pháp. Trại lính này được sử dụng làm nơi ở và đóng quân đội Pháp và bộ máy tay sai cho đến tận năm 1940.

Ngày 21/1/1940, Tổng thống Pháp Albert Lebrun đã ban hành Sắc lệnh thực hiện trên toàn cõi Đông Dương việc quản thúc hay trục xuất khỏi nơi cư trú hoặc giam giữ trong các trại tập trung những “phần tử nguy hiểm” cho việc phòng vệ quốc gia và cho an ninh chung, thực chất là để quản thúc các cựu tù chính trị đã được tha bổng trong thời kỳ trước...

Thi hành Sắc lệnh này, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam đã cho mở rộng và xây dựng mới nhiều loại hình nhà tù với số lượng lớn. Ngoài những nhà tù, trại giam đã có từ trước và nổi tiếng tàn bạo như: Hỏa Lò, Sơn La (Bắc Kỳ), Buôn Mê Thuật, Nha Trang, Lao Bảo (Trung Kỳ), Khám Lớn (Nam Kỳ), nhà tù Côn Đảo…, chính quyền Pháp thiết lập một loạt các trại an trí gọi là các “căng” đặc biệt cho những người lao động (camp spécial des travailleurs), trong đó căng Bắc Mê được thành lập theo Nghị định ngày 20/11/1940 của quyền Thống sứ Bắc Kỳ Rivoal về việc cải dụng trại lính Khố xanh Bắc Mê (Đạo quan binh 3) thành trại giam giữ các phần tử nguy hiểm cho việc phòng vệ quốc gia và an ninh chung.

Từ năm 1940 đến 1942, thực dân Pháp đã hai lần đưa tù nhân chính trị từ các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Phú Thọ… và các tù nhân chính trị trước đây đã được tha bổng nhưng bị quy là “những phần tử nguy hiểm” cho việc phòng vệ và an ninh chung lên đây để giam giữ.

Số lượng tù nhân bị giam giữ ở đây tính đến cuối năm 1942 là 300 người. Trong đó có nhiều đồng chí là Đảng viên Đảng Cộng sản như: Xuân Thủy, Trần Cung (tức Nguyễn Ngọc Cư), Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu, Lê Giản…Trong số các chính trị phạm còn số một số đồng chí là nữ như: Nguyễn Thị Thoa, Trần Thị Khánh, Nguyễn Thị Sửu, Lê Thị Sói, Hoàng Vọng Bình, Nguyễn Thị Mỳ...

Mặc cho gông cùm khổ cực, khí hậu khắc nghiệt, các tù chính trị vẫn tìm cách vận động đấu tranh, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt trong Căng, dạy văn hóa, bồi dưỡng cho nhau về tinh thần yêu nước và tư tưởng đấu tranh cách mạng. Cuối năm 1942, lo sợ phong trào cách mạng đang lan rộng ở các tỉnh biên giới và đấu tranh của tù chính trị trong Căng, sợ sự ảnh hưởng của tù nhân đến người dân xung quanh Căng, thực dân Pháp đã giải tán Căng Bắc Mê.

Qua dòng chảy của thời gian, di tích Căng Bắc Mê hiện không còn nguyên vẹn như xưa, nơi đây chỉ còn lưu lại những dấu tích nhuốm đầy rêu phong của móng và hàng gạch xưa - bằng chứng duy nhất còn lại ghi dấu tội ác của thực dân Pháp; ý chí cách mạng kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người Cộng sản trong nhà tù đế quốc.

Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, năm 1992, Căng Bắc Mê đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 97-QĐ, ngày 21/1/1992.

Một số hình ảnh tại buổi lễ khánh thành:

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung - 1

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh tại lễ khánh thành.

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung - 2

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (đứng giữa, hàng trên), Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh (ngoài cùng, bên trái), Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn. (bên trái, hàng thứ 2)

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung - 3

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại lễ khánh thành.

Một số hình ảnh nơi giam giữ những chiến sĩ Cộng sản kiên trung:

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung - 4

Khu nhà giam Căng Bắc Mê.

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung - 5

Theo thời gian, những bức tường đã không còn nguyên vẹn.

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung - 6

Một góc nhà giam tại khu di tích.

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung - 7

Hình ảnh các Chiến sĩ Cách mạng phải lao động khổ sai.

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung - 8

Khu nhà giam trong di tích trong quá trình tu bổ. 

Hà Giang khánh thành tôn tạo di tích nhà giam những chiến sỹ Cộng sản kiên trung - 9

Chân dung các Chiến sĩ yêu nước và Cách mạng bị thực dân Pháp giam cầm tại Căng Bắc Mê.

Đàm Linh
Bình luận
vtcnews.vn