Những shophouse với vẻ ngoài hào nhoáng, đầy màu sắc nằm dọc một số khu phố cổ của Singapore không phải là điều đầu tiên người ta nghĩ đến khi nhắc tới đảo quốc này. Singapore vốn nổi tiếng với những kiến trúc hiện đại, thiết kế xanh hơn.
Nhưng ở một đất nước khan hiếm đất đai và nhà ở công cộng có thể có giá hơn đến gần 1 triệu SGD, những căn shophouse hai, ba tầng đó có thể có giá hàng chục triệu. Thậm chí chúng còn có tuổi đời khá cao, vốn là những căn nhà được xây từ thời thuộc địa. Có căn được xây từ những năm 1840 và đang nằm trong chương trình bảo tồn của chính phủ.
Theo CNBC, từ vợ tỷ phú Jack Ma đến siêu sao Thành Long, cũng như ông trùm Tây Ban Nha Ricardo Portabella Peralta, giới siêu giàu trên khắp thế giới đều muốn săn đón loại mặt hàng bất động sản đặc biệt này. Nhà sáng lập Bridgewater, tỷ phú Ray Dalio gần đây cũng được xác định đã mua hai căn shophouse dọc Phố Club của Singapore.
Báo cáo của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank cho thấy, doanh số bán nhà phố thương mại trong quý đầu tiên của năm nay đã tăng 52,2% so với quý trước, lên 169,1 triệu đô la Singapore (hơn 3 nghìn tỷ đồng). Theo công ty, sự hứng thú từ các cá nhân có tài sản cao là động lực tăng trưởng chính của mặt hàng này.
Giám đốc điều hành thị trường vốn của Knight Frank, Mary Sai cho biết, những căn nhà phố thương mại đắt nhất dọc các con phố Telok Ayer, Boat Quay và Stanley Street có thể có giá hơn 53.000 SGD (hơn 1 tỷ đồng) mỗi mét vuông. Con số này cao gấp đôi so với Đại lộ Upper Fifth của Manhattan, nơi cho thuê cửa hàng bán lẻ đắt nhất thế giới.
Một trong những thương vụ mua bán shophouse lớn nhất năm ngoái trị giá lên tới 80 triệu SGD cho 6 căn nhà liền kề, do một nhà đầu tư Trung Quốc mua.
Mua nhà để sưu tập
Theo CNBC, các chuyên gia bất động sản cho hay luôn có rất nhiều người quan tâm đến dạng shophouse này như một loại tài sản thay thế hoặc thậm chí là đồ sưu tầm, đặc biệt trong những năm gần đây.
“Đây là một trong những viên ngọc quý hữu hạn của Singapore, chúng ta chỉ có 6.000 căn lẻ. Những căn nhà được bảo tồn sẽ không thể có bản sao", Sebestian Soh, giám đốc công ty đầu tư và bất động sản Meir Collective, cho biết.
Ông nói, không có công nghệ nào có thể tái tạo hoàn toàn phào chỉ hay các yếu tố thiết kế phức tạp, đồng thời cho biết thêm rằng không ít nhà đầu tư coi đây là món hàng sưu tập.
Thật vậy, được xây dựng từ những năm 1840 đến những năm 1960 trong thời kỳ thuộc địa, chỉ có khoảng 6.500 căn nhà phố kiểu này được công nhận là tòa nhà bảo tồn. Ông Sai nói thêm rằng chúng có thể được sử dụng hoặc cho thuê cho nhiều mục đích khác nhau - từ quán ăn, cửa hàng bán lẻ nhỏ cho đến văn phòng gia đình, rất linh hoạt.
Điều đặc biệt là, sức hấp dẫn của shophouse thương mại đang ngày càng tăng sau loạt biện pháp hạ nhiệt tài sản đưa ra vào tháng 4 năm ngoái của chính phủ Singapore. Loạt biện pháp đó bao gồm các khoản thuế bổ sung đối với người dân địa phương mua ngôi nhà thứ hai và thuế đối với người nước ngoài muốn mua bất kỳ tài sản dân cư nào.
Shophouse, phần lớn được phân loại là bất động sản thương mại, được miễn các khoản thuế này.
Loyalle Chin, chuyên gia về shophouse cho biết: “Ngày nay, chỉ những người có tài sản ròng cực cao mới đủ khả năng mua shophouse". Theo ông, "cực cao" ở đây là tài sản trên 30 triệu USD và nhận xét thêm rằng tài sản bảo tồn đang là cơn sốt bất động sản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bình luận