Giả “điên” nhịn ăn, phóng uế bừa bãi
Năm 2013, theo điều tra viên của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa, tội phạm Đỗ Xuân Hùng (Hùng “Máu”) phạm tội cưỡng đoạt tài sản đã bị bắt giữ. Sau đó, hắn liên tục kêu đau đầu, "cảm giác" như có người đe dọa giết và khẳng định bị tâm thần.
Hắn còn suốt ngày đêm gào khóc, kêu la, ăn rất ít, có đêm hầu như không ngủ, rồi phóng uế rồi bốc chất bẩn bôi khắp phòng.
Tuy nhiên, theo các điều tra viên của vụ án, những kẻ giả điên, tâm thần thường chỉ cần nhìn thẳng vào mắt họ là biết giả hay thật. Và người giả điên thường tỏ ra rất sợ sệt.
Sau 35 ngày theo dõi liên tục tại Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần Thanh Hóa, các bác sĩ có kết luận Hùng không mắc bệnh. Hắn hết chiêu trò để trốn tránh và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật đúng với những gì hắn gây ra.
Buôn ma túy, giả điên nhằm thoát án tử
Từ năm 2005, biết chắc sẽ bị án tử, tên tội phạm Lê Mạnh Lương (Việt kiều Anh, bị bắt vì vận chuyển 355 bánh heroin) giả vờ tâm thần, hỏi gì cũng không biết, không nhớ nhằm trốn tránh tội danh.
Theo các điều tra viên của vụ án, khi tiếp xúc với “cán bộ” thì Lương tỏ ra là kẻ ngây ngây, dại dại nhưng về đến phòng giam giữ thì hắn trở nên lọc lõi, còn dạy các phạm nhân những trò đối phó với cơ quan công an. Thậm chí, hắn còn nhớ vanh vách số điện thoại của người quen, nhờ bệnh nhân trong khoa liên lạc, viết thư gửi và nhờ gọi điện cho em tận London…
Nghi ngờ tội phạm đang giả tâm thần, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần với Lương. Sau quá trình theo dõi, giám định, Hội đồng pháp y đã xác định Lương không bị tâm thần. Căn cứ kết quả trên, cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra vụ án, đề nghị tăng hình phạt với Lương do ngoan cố không khai báo.
Trong phiên tòa sơ thẩm, mặc dù tên tội phạm ma túy vẫn tiếp tục giở trò ngớ ngẩn, không biết, không nhớ nhưng vẫn bị tuyên án tử hình. Không thể “diễn” được nữa, đến phiên phúc thẩm, Lương khai thành khẩn xin được hưởng khoan hồng.
Dở trò bệnh hoạn, bị bắt bỗng hóa “tâm thần”
Lấy vợ, sinh con, hàng ngày vẫn sinh hoạt bình thường nhưng sau khi phạm tội lại giở chứng "tâm thần", thậm chí đứng trước tòa còn luôn mồm xin được giảm án. Đó là "bài" mà Đỗ Văn Minh, 33 tuổi, ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội "diễn" trước tòa khi bị đưa ra xét xử về tội hiếp dâm trẻ em vào năm 2008.
Trong lúc đang nhóm bếp chuẩn bị nấu cơm, nhìn thấy cháu T., 6 tuổi đang tha thẩn chơi một mình ngoài cổng. Minh gọi cháu T. vào nhà, đưa cho 1.000 đồng bảo đi mua bim bim nhưng khi cháu bé vừa cầm tiền, hắn lôi tuột cô bé vào trong nhà thực hiện hành vi đồi bại. Hắn bị bắt từ ngay hôm đó.
Tuy nhiên, trong trại tạm giam, hắn liên tục kêu đau đầu, xin thuốc uống. Gia đình hắn thì liêp tiếp gửi đơn cho rằng Minh có tiền sử bệnh tâm thần, phạm tội trong trạng thái vô thức.
Thậm chí, ngay tại tòa, mẹ Minh còn đưa ra nhận định rằng, Minh bị "tâm thần" nên khi đi tuyển nghĩa vụ quân sự, nhìn vẻ bề ngoài, đã không được nhận. Luật sư bào chữa cho Minh còn "bồi thêm" rằng vì tâm thần nên dù đã học đến lớp hai nhưng hiện kẻ này vẫn không biết đọc, biết viết.
Sau đó, khi biết không thể giấu giếm, Minh lí nhí câu xin lỗi và trước sau chỉ "mong Hội đồng xét xử cho hưởng lượng khoan hồng".
Gây ra vô số tội rồi nhận mình bị tâm thần?
Một trường hợp điển hình khác giả tâm thần khi bị bắt là bị cáo Nguyễn Văn Ý, 23 tuổi ở Đông Hòa, Phú Yên. Người này cũng Nguyễn Văn Đà, biệt danh "Kỳ Đà", 35 tuổi gây ra vô số vụ trộm, cướp, hiếp dâm
Theo tài liệu điều tra, tối 18/4, Đà rủ Ý đi cướp. Nhìn thấy một đôi trai gái ngồi tâm sự, hai tên xông tới, dùng mã tấu rạch áo họ làm dây trói và mảnh vải bịt miệng, sau đó lục soát lấy tài sản. Thấy cô gái khá xinh xắn, hai tên ép cô lên xe máy, chở ra nghĩa địa, giở trò đồi bại. Gây án xong, hai tên chuồn khỏi địa phương cho tới khi bị bắt.
Lợi dụng lý do Ý bị khuyết tật bẩm sinh, gia đình Ý đã có cớ để xin xác nhận không bình thường hòng trốn tội.
Tuy nhiên, việc này không được các cơ quan chức năng chấp nhận. Bởi Ý chỉ bị khuyết tật ở vành tai, đầu bị lép một bên, khả năng nghe, nói, sinh hoạt vẫn bình thường.
Ngoài ra, một kẻ tâm thần không thể gây ra nhiều vụ trộm đến nỗi bị đưa vào diện quản lý giáo dục tại địa phương dược. Rồi khi được Đà rủ đi cướp, vẫn biết đâu là "gái" để hiếp dâm. Hắn vẫn phải chịu hình phạt thích đáng đúng như tội ác hắn đã gây ra.
Nhờ bác sĩ làm bệnh án tâm thần để trốn tội
Ngày 28/10/2017 trước cửa quán bar Camellia Lounge (địa chỉ số 20 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã xảy ra một vụ ẩu đả. Trong lúc xô xát, Lê Thanh Tùng dùng kiếm chém nhiều nhát vào đầu anh Đỗ Hoàng Hiệp (SN 1989) khiến anh Hiệp bị thương tích nặng. Sau khi gây án, Tùng đã bỏ trốn.
Trong thời gian này, để hy vọng thoát tội, Tùng nhờ một người phụ nữ (chưa xác định được nhân thân) môi giới làm giúp bệnh án tâm thần giả. Tuy nhiên, sau khi mẹ Tùng là Nguyễn Thị Cược giao nộp sơ bệnh án tâm thần của con cho cơ quan điều tra thì bất ngờ bị phát hiện có dấu hiệu sử dụng hồ sơ, bệnh án tâm thần giả.
Qua điều tra xác minh của cơ quan công an, để có được giấy tờ tâm thần giả, người phụ nữ được Tùng "nhờ" đã móc nối với Nguyễn Tuấn Sơn là Kỹ thuật viên Trưởng Khoa dinh dưỡng - Bệnh viện tâm thần Trung ương I để nhờ làm bệnh án tâm thần giả cho Lê Thanh Tùng và Sơn đồng ý.
Sơn đặt vấn đề với Thân Thái Phong là Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi - Bệnh viện tâm thần Trung ương I và được Phong đồng ý với chi phí 85 triệu đồng. Xong vụ việc này, Sơn được bồi dưỡng 3 triệu đồng do công môi giới.
Tuy nhiên, sau đó sự việc đã bị bại lộ. Mới đây, Viện KSND TP.Hà Nội đã ra quyết định truy tố bác sĩ Thân Thái Phong và Nguyễn Tuấn Sơn về hành vi "Nhận và Môi giới hối lộ"; Lê Thanh Tùng, trú tại phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội về tội "Đưa hối lộ" nhằm làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần.
Theo các cơ quan chức năng, việc giả điên, giả tâm thần để thoát tội là hành vi vô cùng nguy hiểm. Việc làm này làm cho những kẻ phạm tội coi thường pháp luật và cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bỏ lọt tội phạm, oan sai hay hình thành kẽ hở để tội phạm “chạy án” trong điều tra, xét xử.
Vì vậy cơ quan chức năng cần có biện pháp nhằm ngăn chặn tuyệt đối tình trạng lợi dụng bệnh tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Theo đó, đối với các vụ án hình sự, cần bắt buộc giám định tâm thần với quy trình chặt chẽ, có giám sát để thực thi pháp luật được công bằng, chính xác, đúng người, đúng tội.
Video: Bị cáo người Nam Phi tự nhận bị tâm thần, không biết vận chuyển ma túy là có tội?
Bình luận