Ngày 9/6, trả lời PV VTC News, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đã chỉ ra những sai phạm và bất cập tại khu vực quả đồi 36ha ở thôn 14 (xã Đam B'ri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thuộc quyền sử dụng đất của 4 cá nhân, sau đó được một doanh nghiệp "gom" và làm thủ tục xin “hiến đất” mở đường rồi phân lô, bán nền như một dự án bài bản được Nhà nước cấp phép.
- Sự việc quả đồi 36ha bị xẻ thành 1.000 nền đất để bán dưới danh nghĩa một "dự án bất động sản" ở xã Đam B'ri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, đang khiến dư luận bức xúc. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Trước hết phải xác định, nếu nó không phải dự án thì phải cư xử nó như việc làm của một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân. Dù thế nào thì đều phải sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Nếu làm đúng quy định thì phải xác định đất đó là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm hay trồng cây hàng năm. Nếu là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm hoặc trồng cây hàng năm thì họ làm đường ở đấy là không được.
Dù có là một cái đồi trồng cà phê, trồng chè thì nó cũng phải hình thành thửa đất trồng cây lâu năm chứ nó không thể là cái đồi không mà không có ranh giới nào cả. Những cái đồi mà không có ranh giới nào cả chính là anh đang lấn chiếm đất công.
Còn việc anh gom của nhiều cá nhân lại, tách hàng chục ha để rao bán thì phải xem anh đã làm thủ tục hợp thửa chưa, ai đã duyệt cho anh hợp thửa.
- Nhiều doanh nghiệp từ khắp nơi ồ ạt đổ về Lâm Đồng rồi mượn danh cá nhân để gom đồi, phân lô bán nền với quy trình "Xin hiến đất mở đường => xin chuyển mục đích sử dụng đất => xin tách thửa", sau đó đặt tên thành các dự án tên rất kêu rồi quảng cáo, rao bán trên mạng xã hội. Phải chăng đang có kẽ hở trong quản lý đất đai tại đây?
Ban đầu người ta sẽ xin hiến đất để mở đường, các cấp chính quyền cũng sẽ duyệt hồ sơ là hiến đất mở đường mới theo nhu cầu người dân. Khi được duyệt chủ trương hiến đất làm đường rồi thì khoảng một vài tháng sau người ta lại làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lại làm hồ sơ xin tách thửa vì đã có đường giao nối...
Cứ theo quy trình đó, khu đất được tách ra hàng chục, hàng trăm lô. Nếu mà làm như quy trình này thì rõ ràng là chính quyền sai chứ không thể nói là đúng quy trình.
Vấn đề quy hoạch ở đấy là gì? Khi chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch. Cái này địa phương phải chịu trách nhiệm. Rõ ràng khi quy hoạch chưa thay đổi, chưa thành lập đô thị ở đấy, chưa thành lập khu dân cư nông thôn ở đấy thì tách thửa, làm đường để làm gì?
Đất trồng cây lâu năm mà anh cạo trọc, anh phá hết cây đi, tất nhiên đó là đất của anh thì anh có thể phá đi, anh không thích trồng cây này thì anh phá đi trồng cây khác. Tuy nhiên, anh chỉ có thể trồng cây khác được thôi chứ làm sao mà anh làm đường, làm vỉa hè hay tách thửa. Mà phải xem ai cho tách, cho tách là sai.
Để xảy ra tình trạng bát nháo như hiện tại thì chính quyền địa phương ở đâu?
Ông Đặng Hùng Võ
- Nhưng địa phương ở đây vẫn báo cáo là "đúng quy trình", theo trình tự, đúng quy định pháp luật...
Cái đó chắc chắn là không đúng. Để xảy ra tình trạng bát nháo như hiện tại thì chính quyền địa phương ở đâu? Chính quyền địa phương phải vào cuộc chứ.
Một số người cứ nói đây là lách luật, nhưng rõ ràng đây là trái luật. Lách luật thì vẫn là đúng luật nhưng lách qua khe hở, còn đây là trái luật, bởi anh mua 2 thửa, anh hợp với nhau thì anh phải làm thủ tục hợp thửa. Thế giờ anh đang làm được gì ở trong đất đó? Nó là đất trồng cây thì chỉ được trồng cây, làm sao anh được làm đường và xây nhà ở trong ấy.
Từ một quả đồi trồng cà phê, chè, anh cạo hết cây và vẽ ra làm những đường nhựa rất lớn có cả vỉa hè luôn thì như thế là không được rồi. Nếu huyện chấp thuận cho việc mở đường, tách thửa từ quả đồi đất nông nghiệp thì tỉnh phải vào cuộc để xử lý huyện.
Thế thôi chứ có gì đâu. Bây giờ cứ nói người ta làm sai thì mình phải làm gì? Nếu mà sự thực cái sai đó mà mang tính lợi ích, không phù hợp với pháp luật thì chắc chắn có thể quy là trách nhiệm hình sự.
- Vậy khi xác định được vi phạm thì ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm, thưa ông?
Tất cả cái đó là địa phương. Nếu đã trình lên cấp huyện, cấp huyện đồng ý thì cấp huyện sai, tỉnh phải vào cuộc. Đó là các hành vi sai hoàn toàn, trái hoàn toàn với pháp luật đất đai. Thế thì cứ xử lý, thậm chí có thể thu hồi lại toàn bộ đất.
Nếu hộ gia đình, cá nhân làm thì cấp huyện phải chịu trách nhiệm, còn nếu một doanh nghiệp làm thì cấp tỉnh chịu trách nhiệm, mà đó phải là dự án.
Khi huyện đã sai thì tỉnh phải vào cuộc mà xử lý huyện. Chứ nếu mà nói xã cấp duyệt thì chắc chắn là ông xã nào mà cho phép thì có thể khởi tố vụ án được, vì xã làm gì có thẩm quyền cho phép như vậy.
- Ông đánh giá những vi phạm này ở mức độ nào?
Tùy mức độ, phải nhìn vào Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự để xem hành vi đó có yếu tố hình sự hay không, nếu có thì sẽ khởi tố. Còn nếu thuộc dân sự thì xử lý xử phạt vi phạm hành chính.
- Cơ quan chức năng có cần khởi tố vụ án để làm rõ vụ việc không, thưa ông?
Tôi cho rằng cần truy cứu trách nhiệm hình sự. Lý do, nó xảy ra trên quy mô lớn, làm hỏng nguồn lực đất đai. Đất trồng cây lâu năm chẳng hạn, giờ anh làm đường sá tức là làm mất khả năng trồng trọt của đất.
Rồi có hậu quả hay không? Chắc chắn là tác động lớn vào dân địa phương. Người ta cho là sai phạm nhưng xảy ra ngang nhiên, tác động vào lòng dân. Tất cả những cái đó đều có yếu tố mang tính hình sự.
- Vậy ông có đề xuất nào để chấn chỉnh thực trạng này tại Lâm Đồng?
Luật quy định rồi, bây giờ soi vào luật, xem là hộ gia đình, cá nhân mà sử dụng đất trồng cây lâu năm được làm những gì là xử lý được thôi. Bởi vì người ta làm sai thì việc quan trọng nhất là phải lột cái sai đó ra và xử lý cái sai đó. Không làm theo luật thì còn làm cái gì nữa.
Làm sao có thể vin vào cớ xin hiến đất mở đường để phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp như chở hoa màu, sau đó lại xin chuyển mục đích sử dụng đất rồi phân lô mà bán nền được.
Phải khẳng định một lần nữa là ở đây không có chuyện lách luật gì cả, đây là sai luật hoàn toàn. Bởi vì đây là đất trồng cây lâu năm. Ông không trồng cây mà ông đi làm đường, quy hoạch nào?
Chung quy là phải tìm cho ra theo quy hoạch nào, quy hoạch đã bổ sung chưa? Bây giờ cho mở đường thì mở đường theo quy hoạch nào? Quy định của pháp luật ít nhất khoản này cũng chặt chẽ chứ không có gì sơ hở đâu, chống lại thì chỉ có bắt bỏ tù thôi.
Xin cảm ơn ông!
Loạt bài phản ánh "Không cần lập dự án, quả đồi 36ha ở Lâm Đồng bị xẻ thành 1.000 nền đất để bán" được VTC News đăng tải nêu tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp đổ xô về Lâm Đồng gom đồi trọc để phân lô, bán đất nền. Đây chính là nguyên nhân tạo nên cơn sốt đất tại Lâm Đồng.
Điển hình tại thôn 14 (xã Đam B'ri, TP Bảo Lộc), quả đồi 36ha sau khi bị máy ủi cạo trọc lập tức được lắp đặt hệ thống hạ tầng hoành tráng. Đường nội khu, đèn đường, tiện ích cây xanh... hệt như một dự án được Nhà nước phê duyệt chủ trương.
Theo giới thiệu của nhân viên bán hàng, quả đồi này thuộc sở hữu của Công ty CP quản lý vận hành Thông Minh. Sau khi "gom" đủ 36ha, doanh nghiệp này đặt tên là "Dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Melodie" và uỷ quyền cho Công ty CP Đầu tư Hoa Mai Land làm đơn vị phân phối để cùng quảng cáo trên nhiều trang mạng.
Quảng cáo thể hiện, "dự án" được quy hoạch với tổng diện tích 36ha, gồm 1.000 nền đất phân lô có diện tích từ 200 - 500m2. Mỗi nền đều đã có thổ cư từ 200m2 trở lên, phù hợp với nhu cầu xây biệt thự, khu resort, homestay, nhà hàng, khách sạn.
Đối với quy trình thực hiện một dự án, dự án phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt và qua rất nhiều sở, ngành, cơ quan chức năng xem xét, tham mưu. Vì vậy, thời gian triển khai dự án mất nhiều năm mới xong thủ tục. Chưa kể, khi lập dự án thì hệ số sử dụng đất dành cho xây dựng chỉ còn khoảng 45-55%. Trong khi đó, việc tự xin tách thửa chỉ qua chính quyền cấp xã, huyện nên thời gian nhanh và đỡ tốn kém chi phí hơn rất nhiều, hệ số đất xây dựng có thể lên tới 80%.
Bình luận