Theo đó, trong giai đoạn này, thị trường nội địa nên là ưu tiên số 1 để "phá băng" cho ngành du lịch Việt Nam.
Du lịch nội địa là ưu tiên số 1
Gần 2 năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã vô cùng chật vật để tồn tại, có những thời điểm gần như ngừng hoạt động hoàn toàn, hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp phải nghỉ việc. Đối với các doanh nghiệp du lịch lúc này, việc vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục du lịch nội địa một cách an toàn là "chiếc phao cứu sinh" duy nhất.
Theo ông Phùng Quang Thắng – Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, hiện nay rất nhiều công ty du lịch không thể cầm cự thêm nữa, trong khi kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế sẽ không dành cho số đông doanh nghiệp và địa phương: "Đẩy mạnh du lịch nội địa an toàn giữa các 'vùng xanh' sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp, địa phương được tham gia và hưởng lợi hơn, trong bối cảnh nhiều đơn vị đã rất khó khăn như hiện nay. Các tour du lịch sẽ theo hình thức khép kín và được giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo an toàn".
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng trong thời điểm này không nên phân biệt thị trường quốc tế hay nội địa, mà hãy phân chia theo phân khúc sản phẩm trung cấp, cao cấp hoặc cực kỳ xa xỉ. "Ngành du lịch sẽ không chết, nhưng phải chờ đợi bao lâu để phục hồi thì không ai chắc chắn. Trong lúc thị trường quốc tế vẫn phải chờ đợi và phụ thuộc nhiều yếu tố, chúng ta hoàn toàn chủ động được thị trường du lịch nội địa".
Đồng quan điểm này, ông Đặng Bảo Hiếu – Chủ tịch Ana Marina Nha Trang cho rằng Việt Nam cần tập trung phục vụ du khách nội địa, thậm chí việc mở cửa du lịch quốc tế tại Phú Quốc cũng cần cân nhắc: "Nếu chỉ mở cho khách quốc tế thì Phú Quốc sẽ không đón được nhiều khách, cũng không rõ thị trường nào, dòng khách nào sẽ thích Phú Quốc. Liệu khách quốc tế có chọn Phú Quốc để bị du lịch trong bong bóng hay không, trong khi họ có nhiều lựa chọn khác tự do, thoải mái hơn? Nếu chuẩn bị tất cả sau đó khách đến rất ít thì sẽ là lãng phí".
"Thực tế là Phú Quốc rất phù hợp với du lịch nội địa, chúng ta nên xây dựng Phú Quốc thành điểm đến an toàn cho người Việt Nam trước đã. Khách nội địa sẽ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Phú Quốc duy trì hoạt động. Khi nước ngoài thấy Phú Quốc đã an toàn, người Việt đã du lịch thoải mái thì khách quốc tế nhất định sẽ quan tâm và muốn đến" - ông Đặng Bảo Hiếu nhận định.
Ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc VietfootTravel kiến nghị ngành du lịch cần đánh giá và định vị lại chính sách cho khách nội địa trong những năm tới, trong đó làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường này: "Rõ ràng, đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhu cầu mới, làm thay đổi hoàn toàn thị trường du lịch trong nước. Chính phủ và các địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo sản phẩm mới, dịch vụ mới phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của gần 100 triệu dân trong nước".
Thiếu quy trình thống nhất
Chiều nay (28/9), Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề xuất chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, kết nối khách du lịch đi từ "vùng xanh" tới "điểm du lịch xanh" một cách an toàn. Chương trình cũng đề ra bộ tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc và phục vụ khách, nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp. Theo đề xuất này, du khách trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 là có thể đi du lịch nội địa, tùy theo mức độ dịch bệnh của điểm đi, điểm đến mà cần thêm kết quả âm tính từ xét nghiệm PCR hoặc test nhanh trong khoảng từ 48-72 giờ. Du khách dưới 18 tuổi cần kết quả âm tính với xét nghiệm PCR để du lịch tới các tỉnh, thành phố khác.
Tuy nhiên ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng việc thực hiện chương trình này không dễ dàng, vì hiện nay dịch bệnh chưa chấm dứt, khái niệm "du lịch an toàn" chưa được thống nhất và quan điểm về khôi phục, phát triển du lịch tại các địa phương còn khác nhau. Vì vậy, rất cần triển khai thực tế để từng bước điều chỉnh, xây dựng một quy trình thống nhất cho phép du lịch "sống chung" với COVID-19.
"Vấn đề cốt lõi là 'du lịch an toàn', mọi người đều nói nhưng tiêu chí cụ thể thì chưa được thống nhất. Rất nhiều địa phương lo sợ mất an toàn, không ủng hộ du lịch. Vì vậy lúc này chính là thời điểm cần phải khôi phục du lịch nội địa. Chỉ có thông qua thực tiễn với những đoàn khách cụ thể, chúng ta mới có thể điều chỉnh và thống nhất về 'du lịch an toàn', không có bắt đầu thì không thể giải quyết được rào cản này" - ông Vũ Thế Bình cho biết.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng cần tạo ra "bong bóng du lịch" giữa các vùng xanh, điểm xanh với nhau, chứ không chờ đến khi cả tỉnh đều "xanh" thì mới mở cửa du lịch. Trước tiên, các đoàn du lịch sẽ dùng đường bộ và đi bằng xe riêng tới các tỉnh, thành phố đã sẵn sàng đón khách, sau đó có thể bổ sung các chuyến bay thuê bao (charter) nội địa. Như vậy thì dù trong dịch bệnh, ngành du lịch vẫn có thể hoạt động được.
Ông Đặng Bảo Hiếu kiến nghị, khi thống nhất ban hành một bộ tiêu chí chung thì kể cả cơ quan nhà nước cũng phải tham gia và tôn trọng, tránh những tình huống bất ngờ như một du khách dương tính thì cả điểm đến cũng "sụp đổ" theo và đóng cửa toàn bộ, trong khi doanh nghiệp đã bỏ tiền đầu tư, chuẩn bị. "Các doanh nghiệp du lịch hiện nay lúng túng trước chính sách của các địa phương và rủi ro đi kèm. Chúng tôi cần chính sách cụ thể, có lộ trình và định hướng để lên kế hoạch hoạt động. Chính sách càng rõ ràng bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu".
Bình luận