• Zalo

Đổ xô săn lùng thảo dược kỳ quái như thằn lằn bò trên vách đá

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 26/06/2015 06:34:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thằn lằn đá là loài bất tử, bởi chúng không bao giờ chết, củ không có lá cũng không thối mà vĩnh viễn sống trên vách đá.

(VTC News) - Thằn lằn đá là loài bất tử, bởi chúng không bao giờ chết, củ không có lá cũng không thối mà vĩnh viễn sống trên vách đá.


Thảo dược kỳ quái

Trong chuyến chinh phục đỉnh núi cao gần 2.000m, giữa đại ngàn nghiến khổng lồ, thuộc huyện Bắc Mê, Hà Giang, phía giáp tỉnh Tuyên Quang, bên hồ Na Hang, tôi và "người rừng ung thư" Trần Ngọc Lâm (hiện sống ở Lào Cai) đã gặp một nhóm người ăn dầm ở dề trong rừng săn lùng loài thằn lằn đá, thứ thảo dược rất quý hiếm của rừng già. Ông Trần Ngọc Lâm đã phải bức xúc thốt lên: "Không thứ gì ở Việt Nam mà người Tàu không biết và nhổ sạch. Người Việt sống trên kho thuốc quý, mà không biết sử dụng, để người Tàu thu mua như cỏ rác, rồi bán ngược sang Việt Nam với giá cắt cổ. Cậu có biết thứ họ đang khai thác là gì không? Nó là loài dương xỉ từ thời khủng long. Thứ thảo dược ấy là vị thuốc hàng đầu trị bệnh xương khớp đấy, tốt không kém gì cao hổ đâu".

Ngọn núi X. nằm ở phía Nam của huyện Bắc Mê quanh năm chìm trong mây mù. Anh Huy, người dân bản địa, vốn là thợ săn nổi tiếng trong vùng, giờ là người của dự án bảo tồn voọc, dẫn tôi và ông Trần Ngọc Lâm lên núi khảo sát rừng rậm, nguồn thảo dược, trong cánh rừng nguyên sinh này. Đại ngàn rộng mênh mông, với núi đá tai mèo sắc nhọn dường như bao năm chẳng có dấu chân người. Những lối mòn cũng không có. Những cây nghiến khổng lồ ngàn tuổi, thân vài người ôm, quấn quện rễ vào đá vươn lên sừng sững thật kinh ngạc, trông chẳng khác gì trong bộ phim viễn tưởng Avatar.

thằn lằn đá
Người dân đổ xô vào rừng X. săn lùng thằn lằn đá 

Nhóm săn lùng thảo dược kia bảo rằng, họ là người Mông, sinh sống ở bản Mã Hoàng Phìn, thuộc xã Minh Tân, Vị Xuyên, một bản giáp với Trung Quốc. Người Mông ở bản này vốn sống bằng nghề xẻ và vác gỗ nghiến sang bên kia biên giới bán. Thế nhưng, mấy năm nay, rừng nghiến được quản lý chặt, mà vác gỗ nặng nhọc, công xá không cao, nên người Mông ở Mã Hoàng Phìn đi tìm cây thuốc bán cho Trung Quốc.

Người Trung Quốc cần mua cây gì, họ mang mẫu sang Mã Hoàng Phìn cho người Mông xem, rồi đặt tiền trước, để người Mông có tiền mua gạo, thịt phục vụ cho những chuyến đi rừng. Thứ mà người Trung Quốc thu mua ráo riết thời gian gần đây là thằn lằn đá. Gọi là thằn lằn đá, nhưng thực ra nó là loài thực vật. Củ loài thảo dược này bám vào đá, mà khi nhấc nó lên, trông chẳng khác gì con thằn lằn. Có lẽ vì hình thù như vậy, nên họ gọi là thằn lằn đá.

Hồi đầu, rừng nghiến Phong Quang nhiều thằn lằn đá, thì họ mua với giá 30 ngàn đồng/kg tươi, sau tăng lên 50 ngàn đồng và giờ thì 200 ngàn đồng, nhưng loài thực vật kỳ quái này đã sạch bóng khỏi đại ngàn nghiến Phong Quang. Nhóm người Mông này đi dọc dải núi Răng Cưa, chạy theo đàn Voọc, sang tận đất Bắc Mê, giáp với Tuyên Quang để săn lùng thứ thảo dược này. Họ cứ lang thang hết ngày này qua ngày khác, leo trèo như khỉ trên những vách đá tai mèo dựng đứng để săn lùng thằn lằn đá. Cứ lấy được vài chục kg, lại phân công một người gùi về cửa khẩu Thanh Thủy, hoặc về bản Mã Hoàng Phìn, có con buôn Trung Quốc sang thu mua tận nơi, tiền trao cháo múc.

thằn lằn đá
Củ thằn lằn đá trông như con thằn lằn bám trên vách đá 

Tôi hỏi nhóm người Mông này, rằng có biết người Trung Quốc mua để làm gì không, thì họ lắc đầu bảo không biết. Tuy nhiên, họ cũng thử cạo vỏ, nhai sống, thì lúc đầu thấy vị chát, khó nuốt, dính ở cổ họng, nhưng lát sau thì thấy ngọt dần trong họng, rồi cảm giác mệt mỏi, khát nước như tan biến đâu mất. Tôi đã thử ăn sống thứ củ ấy, và quả thực đúng như lời tả của nhóm người Mông này.

Theo "người rừng ung thư" Trần Ngọc Lâm, ông khá ngạc nhiên khi rừng nghiến ở Hà Giang lại xuất hiện loài thảo dược kỳ quái này. Cách đây gần chục năm, người Trung Quốc đã thuê đồng bào Mông ở Lào Cai vào rừng nhổ sạch thằn lằn đá. Những ngày đầu họ mua với giá vài ngàn đồng một kg, nhưng sau giá được đẩy lên đến 500 ngàn/kg, thì khắp đại ngàn Lào Cai không còn thằn lằn đá nữa.

Hồi trị bệnh ung thư phổi ở Tây Tạng, ông Trần Ngọc Lâm thấy các nhà sư Tây Tạng dùng nhiều thằn lằn đá chữa bệnh xương khớp, đặc biệt là chữa thoái hóa khớp. Núi Tây Tạng cao, tuyết rơi trắng xóa, thằn lằn đá khá hiếm, nên các nhà sư phải xuống tận Tứ Xuyên để khai thác thảo dược này. Tuy nhiên, người Trung Quốc cũng khai thác nhiều, nên chúng gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Theo các nhà sư Tây Tạng, thằn lằn đá có mặt trên trái đất từ cả tỷ năm trước, chúng thuộc họ dương xỉ. Những dãy núi đá vôi, đá granits nhô lên từ biển, mang theo loài vật có gốc gác rừ rong rêu này.

thằn lằn đá
Chúng bám trên vách đá và rút dinh dưỡng từ lá cây rừng 

Những ngày chiến đấu với ung thư ở đại ngàn Hoàng Liên Sơn, ông Trần Ngọc Lâm đã theo dõi sự sinh trưởng của loài thằn lằn đá và thấy chúng rất đặc biệt. Thằn lằn đá sinh trưởng giống với sâm tiết trúc (sâm Ngọc Linh). Mỗi năm chúng ra một đốt thân và chỉ có hai lá ở đốt mới ra. Mùa xuân, từ củ thằn lằn đá mọc ra hai lá hình răng cưa và hai lá đó như hai cái râu xanh tốt. Từ chồi non mọc ra bông hoa. Những bông hoa chứa các hạt nhỏ li ti như hạt bụi, mà mắt thường khó có thể nhìn thấy.

Những cơn gió bất chợt lọt xuống vách đá, sẽ làm bung hoa, thổi hạt bay đi khắp nơi, lên tận ngọn cây, các vách đá cao, hiểm trở. Nếu gặp điều kiện phù hợp, thì chúng sẽ sinh trưởng. Khi hoa tàn, thì lá rụng, củ thằn lằn đá lại nằm im trên vách đá, như thể con vật ngủ quên suốt cả mùa đông. Mùa xuân đến, khi mưa xuân rắc hạt, chúng lại đâm chồi, và lại sinh ra một đốt thân mới, thêm một con thằn lằn mới nối vào một bầy thằn lằn dài ngoằng.

Chính cách sinh trưởng kỳ quái đó, mà một củ thằn lằn đá có thể có tuổi ngàn năm, dài đến cả trăm mét, nặng vài chục kg. Củ nằm chồng đống lên nhau, bò ngoằn ngoèo trên vách đá. Theo ông Lâm, thằn lằn đá là loài bất tử, bởi chúng không bao giờ chết, củ không có lá cũng không thối mà vĩnh viễn như vậy trên vách đá. Củ già, ruột cứ vàng rồi đỏ thẫm lại. Chúng chỉ bị thối, bị đứt thân (dẫn đến phân nhánh) khi một loài ốc sên núi cắn và nhả độc vào thân chúng.

Ông Trần Ngọc Lâm đã từng gặp những củ thằn lằn đá mà bản thân ông không thể định được tuổi của chúng. Củ thằn lằn đá ấy gồm cả vạn "con" nối vào nhau, chồng thành một đống cao đến cả mét. Lại có củ thằn lằn đá quấn quện vào nhau, nối đuôi nhau quanh co trên diện tích dễ đến vài chục mét vuông. Nếu kéo dãn ra, có thể củ thằn lằn đá này dài đến vài trăm mét. Đám thợ săn vớ được một ổ thằn lằn đá như thế thì chẳng khác gì trúng xổ số, bởi một cụm như thế cho cả tạ củ.

Thần dược trị xương khớp

Sau một ngày cuốc bộ trong rừng, tập trung truy tìm thằn lằn đá, rồi tôi cũng được chiêm ngưỡng loài dược thảo kỳ quái có từ thời khủng long trên một vách đá tai mèo sắc nhọn, dựng đứng. Qua ống nhòm, tôi nhìn rõ trên vách đá xám xịt, tối om ấy, có hai chiếc lá màu xanh, răng cưa, đang phất phơ trong gió nhẹ. Lần mò quanh co đến chục phút, hết trèo lại đu dây leo, rồi tôi cũng được tận mắt thứ thảo dược kỳ quá này. Trên vách đá sạch bong, tưởng như không có hạt cát nào, hiện ra hai chiếc lá họ dương xỉ xanh thẫm. Thân lá nhỏ như cái đũa, mọc lên từ củ thằn lằn to bằng ngón tay cái. Củ thằn lằn ấy mặc những chiếc áo bằng lá cây rừng trắng đục.

Theo ông Lâm, những chiếc là rừng rụng xuống, chạm vào củ thằn lằn đá, thì lập tức những chiếc rễ li ti sẽ xuyên vào lá hút sạch dưỡng chất. Chiếc lá bị hút hết dinh dưỡng, chỉ còn lại phần xơ khá cứng và dai, biến luôn thành áo mặc cho chúng. Tôi nhẹ nhàng nhấc một đoạn củ, bóc lớp lá bám chặt vào thân, thì hiện ra một khúc củ giống hệt con thằn lằn. Quả thực, cái tên thằn lằn đá rất phù hợp với hình dáng, mô tả loài thảo dược đặc biệt này.

Mặc dù củ thằn lằn đá này đã mọc rất dài, mà nếu kéo dãn ra, đến vài chục mét, tức là nó đã có tuổi trăm năm, thế nhưng, phần củ của chúng vẫn tiếp tục "ăn thịt" lá cây để tồn tại. Những đoạn củ bám trong mái đá, nơi lá cây không thể bay vào được, nhưng chúng vẫn "bắt sống" lá cây để "ăn thịt" và biến xác lá cây thành bộ giáp thì quả là khó lý giải. Theo ông Lâm, thằn lằn đá chỉ sống ở rừng già, âm u, mát mẻ, ở độ cao từ 700m trở lên. Điều lạ lùng là chúng chỉ sống ở trên mỏm, vách những tảng đá sạch sẽ, râm mát, không dính tí đất nào. Chúng sống nhờ dinh dưỡng từ lá rừng.

thằn lằn đá
Từ củ thằn lằn đá mọc ra lá cây hình răng cưa  

Theo các nhà sư Tây Tạng và tài liệu từ Viện Trung y của Trung Quốc, thằn lằn đá là vị thuốc đặc biệt quý trị thoái hóa khớp, viêm khớp. Thằn lằn đá bổ sung cốt dao cho xương, khiến xương chắc, khỏe, dẻo dai (tác dụng này giống như cao hổ, bổ sung cốt dao chứ không phải canxi). Các hoạt chất trong thằn lằn đá giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn canxi, phốt pho. Ngoài ra, thằn lằn đá tăng cường chức năng thận, giúp chắc khỏe răng…

Vì có tác dụng tốt với xương khớp, nên người trẻ, người già, người bệnh, người lành đều nên dùng. Người già dùng hàng ngày thì xương cốt sẽ dẻo dai, không mắc các chứng bệnh về xương khớp. Thậm chí, theo ông Lâm, người miền núi bị gãy xương, chỉ cần giã nát củ thằn lằn đá đắp, cũng sẽ giảm đau và giúp liền xương nhanh hơn.

Giới nhà giàu Trung Quốc sử dụng thằn lằn đá tươi như món ăn hàng ngày. Họ thái lát mỏng và hầm với xương lợn, gà già, chim công… Chỉ cần cho 1 củ thằn lằn đá, nồi canh sẽ ngọt lịm. Điều khá đặc biệt, là dù ninh đến mục xương, nhưng những miếng thằn lằn đá vốn mềm, vẫn không bị nhiệt làm biến dạng, nhai vẫn giòn sần sật. Ngoài ra, thằn lằn đá phơi khô, xao vàng, được sử dụng trong các bài thuốc đặc trị xương khớp. Mỗi bài thuốc, các ông lang chỉ cho một ít thằn lằn đá.

Theo ông Lâm, người Trung Quốc đã thu mua gần như tuyệt chủng ở Việt Nam từ nhiều năm trước. Mấy năm gần đây, thằn lằn đá hiếm, giá lại cao, nên họ không thu mua nữa. Thế nhưng, giờ đây, ở Việt Nam, trong các hiệu thuốc đông y lại có bán rất nhiều thằn lằn đá của Trung Quốc. Có một sự thật, là người Trung Quốc đã rút hết hoạt chất của thằn lằn đá, bán bã sang Việt Nam.

Theo ông Lâm, nếu được là bã của thằn lằn đá vẫn tốt chán, chứ thực ra, người Trung Quốc toàn bán đồ giả, là những loài dương xỉ, thuộc họ của thằn lằn đá, mọc dưới đất, có rất nhiều trong rừng. Khắp các cánh rừng già Việt Nam, từ Bắc vào Nam, đều có loài dương xỉ rất giống với loài thằn lằn đá, tuy nhiên, trong cả chục loại, chỉ có duy nhất một loài là thần dược với bệnh xương khớp. Bí mật này, thậm chí những ông thầy lang giỏi của Việt Nam, kể cả các nhà nghiên cứu thảo dược ở Việt Nam cũng không biết được.

Lê Hồng - Thu Nga
Bình luận
vtcnews.vn