• Zalo

Đến nơi cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu

Phóng sựThứ Sáu, 31/01/2020 09:07:01 +07:00Google News

Biết tôi trỏ lối đi tìm Machu Picchu ở nước Cộng hòa Peru, anh bạn người Nam Mỹ chỉ còn biết thở dài cảnh báo: nếu đi từ Việt Nam, chỗ ấy gần như là cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu, không có chỗ nào xa hơn đâu nhé.

Vì sao nhỉ? Vì nếu bay xuyên Thái Bình Dương, đi nửa vòng trái đất sang nước Mỹ, là bay theo đường một cạnh của tam giác (hơi) vuông Việt Nam - Bắc Mỹ - Nam Mỹ; còn bay đi Peru là bay đúng cái cạnh huyền của nó. Ừ thì xa, vì xa nên càng quyết phải đi trước khi không còn chịu nổi gánh nặng thời gian nữa.

Bay từ Hà Nội sang Doha của Quatar (Trung Đông) là khoảng 8 tiếng, thêm 15,5 tiếng đồng hồ đường giời nữa mới tới Sao Paulo của Brazil. Thêm 6 tiếng bay xuyên ngang lục địa Nam Mỹ từ Brazil sang Peru. Tựu trung là 4 lần đổi máy bay qua các thành phố lớn của 4 quốc gia: Hà Nội - Doha - Sao Paulo - Lima - Cusco.

Đến nơi cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu  - 1

Những công trình đá chất ngất xây dựng trên núi cao gần 3.000m so với mực nước biển, từ khoảng 500 năm trước.

 

Chạm vào thành phố đã mất

Chỉ tính riêng thời gian trên máy bay ở độ cao hầu như đều 10km so với mực nước biển thì tôi phải bay ngót 30 tiếng liên tục, chưa kể đi ô tô, tàu hỏa, xuất nhập cảnh, nằm rạc rài chờ tàu bay xứ người.

Tuy nhiên, phải đến Cusco, thủ phủ của đế chế Inca, quốc gia hùng mạnh nhất vùng Nam Mỹ trong mấy thế kỷ - lãnh thổ của họ trải rộng khắp nhiều quốc gia từ Peru, Ecuado đến Argentina rồi Chile ngày nay - thì cái chất khổ ải của hành trình mới thật sự bắt đầu.

Bạn tôi phải thở bình ôxy, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn trong gió lạnh căm căm. Vâm váp thế, mà giờ đây chỉ có mỗi việc đứng thẳng bằng hai chân ngắm trời đất với các vẻ đẹp xa xỉ, cũng trở nên rất khó khăn.

Chỉ 2 tiếng sau kể từ khi bước ra khỏi máy bay trong hành trình Lima - Cusco (hai thành phố lớn của Cộng hòa Peru), chúng tôi đều nằm rên hừ hừ. Lên mạng đọc, thấy báo chí Việt Nam viết rõ cảnh nhiều du khách Việt thở ôxy khi thăm Machu Picchua, chẳng trách. Lại nghe, đội bóng nghệ sĩ sân cỏ cuồng nhiệt Brazil sang Peru thi đấu còn phải thở bình ôxy nữa là.

Với độ cao trung bình đã hơn 3.300 mét so với mực nước biển, lại lạnh căm căm, từ trên các pháo đài đá, các công trình đá chất ngất nguy nga trên đỉnh núi nóc nhà kinh đô Cusco nhìn xuống, cảnh sắc thật tráng lệ.

Nhưng mà hội chứng độ cao cũng thật đáng sợ. Trừ những người da ngăm đen, con cháu của đế quốc Inca nghìn đời gắn bó nơi này, trừ những con nửa lạc đà nửa ngựa - gọi là lạc đà không bướu - đi thung thăng như một đặc sản cảnh sắc (và đặc sản ẩm thực, vì họ nuôi để giết thịt) thì tất cả đều ít hay nhiều “đớt” ra vì hội chứng độ cao.

Chúng tôi được trao tận tay, để tận đầu giường các lọ lá coca. Lá này ở ta coi như một loại ma túy tự nhiên. Nếu cấy trồng, tàng trữ, mua bán sử dụng thì bị nghiêm trị như với cây anh túc/thuốc phiện nhưng ở Peru thì luật pháp không cấm gì cả.

Đến nơi cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu  - 2

Từ đỉnh Machu Picchu nhìn xuống.

 

Cusco là kinh đô cổ và tuyệt đẹp trong kiến trúc cũng như các câu chuyện lịch sử văn hóa huyền hoặc của Peru. Chuyện này dài, chắc là phải có thời gian mới kể hết được. Chỉ biết là, ngoài vẻ đẹp cổ xưa, họ giữ gìn, quản lý xây dựng trùng tu cực tốt. Đền đài cung điện, cả các nhà thờ mang phong cách thuộc địa Bồ Đào Nha hay công trình sậm chất Inca huyền thoại đều được bảo tồn trứ danh.

Đêm, đi bộ, đường phố sáng bóng nước thời gian, vẻ đẹp ngút lên từ miên man đá cổ. Đường phố một trăm phần trăm lát đá tảng xưa cũ, bóng nhẫy, đá hun hút từ mặt đường, tràn lên các bờ tường dinh thự, nhà thờ, nhà hàng hay công viên. Mái vòm “thuộc địa”, các khu dân cư lợp ngói đỏ au, viền kín các rông núi cong vút, đêm về điện sáng như sao sa.

Nơi này cổ kính và đẹp một cách hoàn mỹ, góc nào cũng là di sản, đứng đâu chụp ảnh cũng “ăn” luôn cái hồn của “cố đô” đế chế trùm phủ cả vùng Nam Mỹ Inca, chứ không cần phải loay hoay tìm góc, lựa cảnh, tránh cái tân kỳ kệch cỡm như ở các đô thị khác.

Từ Cusco, còn vài trăm cây số nữa để đến Olantaytambo, thành phố gần sát nhất với một trong 7 kỳ quan thế giới mới - Machu Picchu. Đây là di sản tiêu biểu, được xem như linh hồn của đế chế Inca. Machu Picchu, theo tiếng Quechoa (lái từ Quechua - tiếng cổ của người Inca) có nghĩa là một thành phố đã mất. Không hiểu sao ở Nam Mỹ có một cái ngôn ngữ gọi là tiếng Quechoa, lúc đầu nhìn thấy pano về ngôn ngữ Quechoa đó ở Cusco, tôi cứ ngỡ ai đó nói đùa.

Vì người Thanh Hóa vẫn dân gian quen được gọi là Quechoa. Bạn tôi là người gốc xứ Thanh đang sống ở Bỉ, đi đâu cũng nghe nhắc ngôn ngữ và văn hóa Quechoa, anh tếu táo: hay là có một sự liên đới quan trọng về dòng giống, về xuất phát ngôn ngữ phong tục giữa Thanh Hóa và các đế chế ở bên kia bán cầu Peru?

Đến nơi cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu  - 3

Kỹ thuật xây dựng công trình khổng lồ bằng đá với các gờ để tì, gác, ráp nối cực kỳ tinh vi. Không có bất cứ chất kết dính nào.

 

Thế giới có một khái niệm đầy nhân văn và mãi mãi thách thức sự hiểu biết của nhân loại tiến bộ: tín hiệu từ các “nền văn minh đã mất”. Đất trăm người ở, ruộng trăm người cày. Từ ngày quả đất ra đời vài tỷ năm trước, bao nhiêu triệu năm gần đây thì mới có con người sinh sống?

Và nơi tôi sinh ra, nơi tôi đang khám phá đây, có bao nhiêu nền văn minh đã tụ hội rồi tan biến? Có bao nhiêu phận người đã vui rồi đau khổ, đã đến rồi đi? Có ai là người ngoài hành tinh với hình hài không 2 mắt 1 mũi 1 miệng (hoặc không cả hình tướng!) như chúng ta? Mãi mãi, câu hỏi đó còn phải bỏ ngỏ.

Ngay cả khi đã biết rõ về nền văn minh Inca với những thành phố đã mất như Machu Picchu, chúng ta cũng không dễ gì cắt nghĩa được hàng trăm câu hỏi nối đuôi nhau về nó. Song, nội trong việc biết rằng, trân trọng rằng, có một nền văn minh từng rực rỡ, một đế quốc từng hùng mạnh, khiến nhân loại phải nghiêng mình; cũng như việc tôn vinh một “Thành phố đã mất” là di sản lừng danh của thế giới, là một trong 7 kỳ quan thế giới mới - đã là ấm lòng và đậm chất nhân văn lắm rồi.

Đế chế hùng mạnh nhất Nam Mỹ thua trận trước 170 quân viễn chinh?

Các đường mòn Inca dài vài chục, vài trăm cây số, liên tiếp các di tích Inca bí ẩn và quyến rũ khắp dọc con đường thiên lý từ Lima, Cusco, Olantaytambo, sang mãi Puno, giáp biên với nhà nước đa dân tộc Bolivia mà chúng tôi đã đi qua. Chúng luôn chất ngất trong tầm mắt, kích thích trí tò mò và sự ngưỡng mộ trong bất cứ ai từng trải nghiệm.

Nhưng, đau nhất là câu chuyện về sự đổ vỡ của vương quốc hùng mạnh Inca, rằng: ước chừng năm 1532, khoảng 170 gã thực dân xâm lược từ tít tịt bên Bồ Đào Nha sang “chiếm” xong đế chế Inca, sau 3 thế kỷ vương quốc này bất khả chiến bại trong tất cả các cuộc mở mang bờ cõi, với cả một nền văn minh rực sáng.

Đến nơi cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu  - 4

Có vẻ như những con alpaca vẫn ở đó, canh giữ miền cương thổ cho các vị vua Inca từ hồi xây xong Machu Picchu.

 

Tôi chưa có thời gian gõ Google xem nhóm lính và sĩ quan viễn chinh Bồ Đào Nha ấy thiện chiến đến mức nào, song dù họ là siêu nhân mang tinh thần mẫu quốc đi khai hóa văn minh đi nữa thì cũng thật khó tin Inca đế chế có thể sụp đổ trước nhóm người đi vừa trên hai cái ô tô tải...

Vua Inca đã chạy lánh nạn trên một hành trình dài, trong nhiều năm, đi đâu cũng xây đồn bốt, huấn luyện binh sĩ và tích trữ lương thảo khí giới tính kế chiến đấu lâu dài. Bây giờ có cả tour du lịch theo bước chân của các lãnh tụ Inca. Đến một ngày, mệt quá, tôi đã nhấc máy từ khách sạn, đặt mua cái city tour khám phá Cusco, nghe gã hướng dẫn viên khoe về những bức tường đá cao chọc trời, có những phiến đá thiêng 12 cạnh, liên kết như một miếng ghép lego thần kỳ với gần hai chục hòn đá khác để làm nên bức tượng bất bại trước thời gian.

Nó khiến người Inca và bây giờ là người Peru tự hào. Chợt gã này bảo: sở dĩ, vua Inca thua vì ông ấy lắm hoàng tử, công chúa quá. Mà mỗi vị cát cứ một vùng, lâu đài nào cũng “thành xây xương lính, hào đào máu dân” suốt mấy chục năm ròng. Dân oán thán, các “vương tôn quý tộc” mâu thuẫn sâu sắc, các gã thực dân láu cá, túc trí đa mưu, dày dạn kinh nghiệm đi xâm chiếm thuộc địa đã lợi dụng điều này để chia rẽ tình thâm. Các bên tự mâu thuẫn, tự chiến tranh, tự sụp đổ, rồi chúng chỉ ngất ngưởng ngồi làm ngư ông đắc lợi.

Nghe chuyện “vỉa hè” kiểu đó thấy hay hay. Lại nghĩ, Cusco đẹp như bây giờ một phần là nhờ các kiến trúc mang phong cách thuộc địa, đích thị do mấy ông xâm lược Bồ Đào Nha mang tới. Cả nước Cộng hòa Peru giờ nói tiếng Bồ, phố xá, phong cách rất Bồ. Giữa quảng trường trung tâm Cusco là tượng một ông râu chổi xể vểnh lên, đội mũ cứng. Ông cầm khẩu súng dài chĩa lên trời, lưỡi lê nhọn hoắt và cong như lưỡi hái tử thần. Bức tượng không quá to nhưng rắn rỏi, kiêu hãnh, không vai u thịt bắp nhưng vẻ thiện chiến của “ông” quả là đáng nể.

Đến nơi cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu  - 5

Hoàng hôn trên đỉnh Machu Picchu.

 

Dọc đường dài đẵng đẵng từ Cusco đi Olantaytambo, tôi đã ghé qua nhiều xóm làng cổ xưa. Núi tuyết sáng lóa phía chân trời. Nhà xếp đá, trình đất, gương mặt sạm đen và khăn áo sặc sỡ của con cháu người Inca luôn khiến tôi nghĩ đến các cộng đồng người Mông, người Dao, người Khơ mú ở Tây Bắc Việt Nam. Họ dùng cây xương rồng, với vài loại cỏ rả, nhựa cây làm đồ giặt tẩy thay vì dùng hóa chất; họ nhuộm vải đủ màu rực rỡ hoàn toàn từ lá cây gì rất kỳ bí.

Các cô bé má đỏ hây hây, tự tin trình diễn các nghệ thuật thêu thùa, nhuộm, dệt vải cho khách từ năm châu bốn biển. Quê họ, rẽ đâu cũng lạc vào tàn tích, di sản của đế chế Inca, các con đường, công trình đá ốp viền, lừng lững chiếm giữ các đỉnh núi cao. Ở đó, bao giờ cũng lưu lạc vài con vật thơ ngộ tên là alpaca, còn gọi là lạc đà không bướu. Chúng to như lạc đà, hiền như ngựa cái, lông trắng bông như thỏ, mắt ngơ ngác như hươu cao cổ.

Có vẻ, chúng vẫn ở đó, canh giữ miền cương thổ cho các vị vua Inca từ hồi xây xong Machu Picchu - giữa thế kỷ 15 tới giờ. Đến khi viết những dòng này, tôi vẫn không sao hình dung được, nếu các tàn tích Inca mà thiếu lũ alpaca thì sẽ tẻ nhạt đi biết nhường nào.

Đến nơi cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu  - 6

Hoàng hôn trên đỉnh Machu Picchu.

 

Tôi thật sự không muốn mô tả quá nhiều về kỳ quan thế giới mới Machu Picchu, biểu tượng thân thuộc và nổi tiếng nhất của người Inca, đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1983. Bởi hình ảnh về chúng đã tràn ngập trên truyền thông thế giới và các hình thức truyền tải khác từ lẩu lâu. Chỉ biết là các công trình đá 500 năm tuổi này quá kỳ vĩ và quyến rũ.

Nó trải rộng trên các đỉnh núi mênh mông ở độ cao 2.430 mét so với mực nước biển, bạn đi nhiều ngày mới hết, giá vé tính bằng tiền đô la cũng không hề rẻ.

Riêng giá chuyến tàu Inca Trail huyền thoại đi từ Olantaytambo đến chân núi leo Machu (được xem là tuyến tàu hỏa leo núi mà hai bên đường phong cảnh núi rừng sông ngòi lãng mạn bậc nhất thế giới!) đã là 150 đô la, tức là quãng 3 triệu đồng. Từ cây cầu gỗ cổ bắc bên vách núi lớn, từ các bờ tường đá nối tiếp nhau theo các ruộng bậc thang kè đá từ chân núi lên tận đỉnh trời.

Từ các vọng gác an ninh 500 năm tuổi, đến các khu tế lễ theo kiểu thánh địa tâm linh, đến các công trình như là của vua chúa rồi các khu dân cư nô bộc. Tất cả đều kì vĩ đến mức, nó khiến người ta nhất tề thảng thốt: làm sao kiến thiết được các giá trị này từ 500 năm trước?

Cách đó không xa là các ruộng bậc thang to lớn và tròn xoay, cao dần từ dưới lòng thung lũng lên, nó đẹp tỉ mỉ và quá khổng lồ khiến người ta nghĩ đó nhất định là tác phẩm của người ngoài hành tinh.

Sau này, nghiên cứu kỹ, các chuyên gia cho rằng, nó là một khu vực nghiên cứu các giống cây của nền văn minh Inca. Nơi này, không biết cơ huyền thế nào đó, với các thửa ruộng bậc thang tròn từng khoanh kế tiếp nhau, chỉ khác nhau về độ cao thấp từ lòng thung lũng lên, song nhiệt độ ở các vị trí canh tác có thể lệch nhau đến mười mấy độ.

Đến nơi cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu  - 7

Người phụ nữ Inca bản địa.

 

Chưa ai biết, vì sao có sự thật đó. Họ đoán rằng, họ tìm chỗ đắc địa hoặc có kĩ nghệ mầu nhiệm tạo ra các vùng tiểu khí hậu để thử nghiệm, lai tạo các giống cây trồng trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau.

Có vẻ như, đó là lý do để cả thế giới biết đến hàng trăm giống hoa lan ở ven các khu vực của người Inca, biến nơi này có đa dạng sinh học về hoa lan lớn nhất thế giới. Đó cũng góp phần lý giải vì sao Peru giờ đây vẫn là quê hương của rất rất nhiều giống ngô, giống khoai tây ngon.

Bữa cơm mà chúng tôi ăn ở Peru, có khi 5 loại khoai tây khác nhau, từ trắng sang tím, thẫm đỏ; có đến vài chục loại ngô với các màu tím, trắng, vàng. Hương vị ẩm thực của chúng rất hấp dẫn và rất khác nhau, tuyệt đối không dùng công nghệ biến đổi gene như bây giờ.

Cuộc đời thêm đẹp vì những bí mật đã bị chôn vùi

Chúng tôi lạc vào các khu vực thờ thần Mặt trời, các đỉnh núi cực kỳ gợi cảm nhìn xuống dòng sông Urubama cuộn xiết, mây mù buông tỏa mênh mang.

Các công trình đá khổng lồ, chất ngất, từ chân núi lên đến đỉnh núi, nó cao đến mức người dưới không nhìn thấy người trên; vậy mà chỗ nào cũng ốp kín toàn đá tảng lát đường, xây tường thành, vun ốp ruộng bậc thang, xây các công trình quanh co gấp khúc như nhà cửa, đền đài, quảng trường, khu tế lễ.

Sau mấy trăm năm bị bỏ hoang phế, rừng già lấp hết lối đi, tới năm 1911, một nhà thám hiểm người Mỹ tên là Hiram Bingham đã tìm ra dấu tích của Machu Picchu. Từ bấy, hành trình khám phá và tôn vinh “Thành phố đã mất” của đế chế hùng mạnh và có lãnh thổ với vùng ảnh hưởng rộng lớn nhất Nam Mỹ trong nhiều thế kỷ đã liên tiếp được tiến hành. Ông người Mỹ kia viết sách, trưng bày các triển lãm có khi đủ 5.000 cổ vật mang về từ các cuộc “khai quật” đế chế Inca.

Đến nơi cùng trời cuối đất, xa nhất địa cầu  - 8

Những đường mòn, đường đá đã được người Inca công phu xây dựng giữa lưng trời.

 

Không khí thanh sạch, dáng núi đẹp, các công trình đồ sộ, hoang phế đến nao lòng. Không một ai biết được, bằng cách nào người ta có thể xây nên nơi này từ thế kỷ 15? Họ xây lên để làm gì? Và vì sao nó trở nên đổ nát, hoang phế đến nhường kia? Vùng di sản Choquequirao - rộng lớn gấp 3 lần Machu Picchu, cũng được biết đến như một tàn tích oanh liệt của đế chế Inca hùng mạnh - chúng được xây dựng để làm gì? Mênh mông Inca Trail (đường mòn Inca) nổi tiếng, bạn có thể đi bộ suốt nhiều ngày từ Cusco sang Olantaytambo đã ra đời thế nào? Các câu hỏi khó kia như càng kích thích trí tò mò của nhân loại.

Chương trình truyền hình nổi tiếng thế giới National Geographic Cociety đã từng dành cả một tháng thời lượng để nói về Machu Picchu. Kết quả là có năm, di sản này phải gánh tới 400 nghìn lượt du khách và bị UNESCO liệt vào danh sách di sản thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Gần đây, dịch vụ bay thẳng trực thăng 24 chỗ từ Cusco đến các ngọn núi trái tim Machu Picchu cũng bị cấm.

Lý do là, quá quan ngại trước ảnh hưởng xấu của bước chân du khách, Chính phủ Peru đã quyết định khống chế lượng người tham quan Machu Picchu mỗi ngày ở mức dưới 2,5 nghìn người. Xe đẩy, giày cao gót, gậy leo núi, gậy tự sướng hay kể cả ô che nắng cũng bị cấm mang vào Machu Picchu vì người ta lo ngại các vật cứng kia, tích tiểu thành đại, sẽ gây hại đến di sản vô giá của loài người.

Nhiều học giả cho rằng, các ngọn núi trong khu vực Machu Picchu không chỉ đẹp về hình dáng “voi chầu hổ phục” mà hơn thế, sông sâu núi cao, các đền đài, nhà cửa bằng đá ở trên đỉnh núi chon von kia còn có vai trò như một pháo đài phòng thủ tuyệt vời nhất. Các đỉnh núi nơi này cũng ứng với các hiện tượng, biểu tượng thiên văn linh thiêng.

Đặc biệt, một số đỉnh núi mang gương mặt giống các vị vua Inca kiêu hãnh ngước lên phía mặt trời. Điều này đã khiến giới vua chúa xưa và lương dân bây giờ đều tin rằng: thần thánh đã sinh ra khu vực này là để người Inca xây dựng thánh địa.

Người Inca có tâm thức đặc biệt với các gương mặt thần linh ẩn tàng vào trong núi lớn, tại Olantambo hay Cusco, có nhiều gương mặt thanh tú với sống mũi cao, vừng trán uy nghi hằn bên sườn núi lớn. Bà con sở tại cứ mỗi ngày quỳ mọp kính lễ từ xa. Khoảng 140 công trình kiến trúc tâm linh và nhà ở, từ nhà của đức vua đến người hầu đã được ghi nhận, có cả các máng nước, vòi nước đục bằng đá, cả hệ thống dẫn thủy nhập điền từ suối cao về quần thể Machu Picchu.

Thậm chí, từ con suối thiêng, nước được dẫn bằng máng đá về các khu vực cho quan lại và dân thường, tùy theo cấp bậc. Tài hoa nhất là kỹ thuật đá khối, họ xây dựng các kỳ quan bằng đá, không sử dụng chất kết dính nào, các khối đá chồng lên nhau vững chãi suốt nhiều thế kỷ, mộng mẹo khít đến mức, muốn lách một lưỡi dao vào giữa các mạch ghép cũng không thể!

Machu Picchu quá lớn, quá kỳ bí và thách thức sự hiểu biết của tất cả chúng ta, tôi chỉ dám thư thả dặm trường nghĩ vụn vặt được vài điều như vậy. Mọi chuyện, để các bức ảnh lên tiếng theo cách của chúng. Nền văn minh đã mất này từng sáng rỡ. Sau nhiều thế kỷ tàn lụi trong rừng hoang, giờ khai quật lại, nó càng trở nên bí ẩn thêm. Sự sáng rỡ của đế chế Inca, nền văn minh Inca khiến người ta chỉ có thể cảm thức được chứ không tài nào đọc hiểu cho rành rẽ nổi.

Cũng như chữ viết cổ của người Inca, nó tồn tại, đã được tìm thấy, biết rõ nó chứa đựng tri thức và kinh nghiệm của một vương quốc hùng mạnh về mọi mặt đó. Chỉ có điều, lịch sử vẫn è cổ chờ một ai đó đủ tài trí hoặc được thần Mặt trời của người Inca ban cho bùa phép đọc/giải mã được mà thôi.

Cơ hồ, vì lẽ đó nên các giá trị kia trở nên đẹp và quyến rũ thêm?

ĐỖ DOÃN HOÀNG/ANTG
Bình luận
vtcnews.vn