• Zalo

Tiền, bạo lực và chết chóc ở mỏ vàng dài 150km dưới lòng đất Nam Phi

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 18/11/2019 10:30:00 +07:00Google News

Sống hàng tháng dưới mỏ, phu vàng tới các ngôi làng dựng tạm trong lòng đất để mua thức ăn, bia rượu, xem truyền hình, thậm chí mua dâm… với giá cắt cổ.

Kể từ khi được phát hiện ở Witwatersrand năm 1886, vàng đã khai sinh ra thành phố Johannesburg, nhanh chóng đem đến công nghiệp hóa và biến nơi đây thành đô thị lớn nhất thế giới không nằm cạnh nguồn nước lớn nào.

Ước tính hơn 300 thợ đào vàng - hầu hết trái phép và được người địa phương gọi là zama zama, nghĩa là “chộp thời cơ” trong tiếng isiZulu - đã chết vì sập hầm hoặc, thường xuyên hơn, trong những cuộc giao tranh giành lãnh thổ với đối thủ. Vẫn còn một lượng lớn những vụ bỏ mạng dưới lòng đất chưa được phát hiện.

Nguyên nhân cho sự trỗi dậy của buôn lậu vàng, vốn gây thiệt hại cho các kho bạc ở đất nước này hơn 950 triệu USD mỗi năm, là sự sụp đổ của ngành công nghiệp khai thác chính thống. Kể từ khi được phát hiện ở Witwatersrand năm 1886, vàng đã khai sinh ra thành phố Johannesburg, nhanh chóng đem đến công nghiệp hóa và biến nơi đây thành đô thị lớn nhất thế giới không nằm cạnh nguồn nước lớn nào. 

Thế giới nguy hiểm

Những năm 1970, Nam Phi là một trong những quốc gia sản xuất vàng hàng đầu thế giới, với hơn 75% tổng trữ lượng toàn cầu, đóng góp hơn 21% GDP. Tuy nhiên, giá vàng giảm sâu, hao hụt trữ lượng cũng như giá nhân công và điện tăng mạnh trong thập kỉ trước dẫn tới việc đóng cửa hàng loạt các mỏ vàng và khiến gần nửa số thợ khai thác mất việc trong năm 2016.

Việc một lượng lớn các mỏ chính thống bị đóng cửa hoặc ngưng hoạt động là yếu tố trực tiếp khiến nhiều người tham gia ngành khai thác phi pháp,” Kgothatso Nhlengethwa, nhà địa lý học và chuyên gia về khai thác lậu ở Johannesburg, cho hay. 

Ngày nay, xấp xỉ 6.000 mỏ vàng bỏ hoang khắp Nam Phi, phần lớn ở Vòng cung Vàng - một lưu vực hình elip trải dài khắp bề ngang Johannesburg tới tận các tỉnh Free State và North West gần đó. Hầu hết mỏ này hiện nằm dưới sự quản lí của các zama zama và băng nhóm tội phạm. 

Những bất ổn kinh tế và chính trị ở các quốc gia láng giềng cùng sự quản lí yếu ớt của đảng cầm quyền ANC (đảng Đại hội Dân tộc Phi) đối với các mỏ trái phép càng khiến tình hình tội tệ thêm, đồng thời làm gia tăng số phu vàng nghiệp dư dấn thân vào thế giới đầy nguy hiểm này.

Từ năm 2011 đến 2016, tỉnh Gauteng, bao gồm thành phố Johannesburg đón thêm gần một triệu dân nhập cư từ các tỉnh khác ở Nam Phi. Tỉnh thành đông dân nhất cả nước này được dự báo sẽ có thêm một triệu dân di cư nội địa vào năm 2021, chủ yếu đến từ các vùng quê kém phát triển được tạo ra nhằm tách cư dân da màu khỏi dân da trắng ở các vùng thành thị, hình thành dưới thời phân biệt chủng tộc Apertheid.  

Với tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng tại Johannesburg và tỉ lệ thất nghiệp toàn quốc ở mức 29%, nhiều người nhập cư, cả bản địa và nước ngoài, bị buộc tìm đến những khu định cư trái phép ngoài rìa, nơi cơ hội kiếm việc làm chính thống gần như không có. 

thumb_660_d5c4ce57-98a5-4850-886a-6e1a12757def

 Johannesburg, nhìn từ một bãi thải một mỏ vàng cũ.

Thủ đô tài chính của Nam Phi với xấp xỉ 5 triệu dân nằm ngay trên một trong những trữ lượng vàng lớn nhất thế giới, minh chứng là hơn 200 đụn đất mọc lên do đào vàng ngổn ngang khắp thành phố. Hàng chục tấn vàng được cho là vẫn nằm sâu dưới trung tâm tài chính Nam Phi và là lý do cho sự bùng nổ của một ngành công nghiệp gây chết người thường xuyên - khai thác vàng trái phép.

Trong lúc chuẩn bị xuống một hầm mỏ bỏ hoang ở Roodepoort, ngoại ô Johanesburg, Fix - người thợ đào vàng lậu với bề ngoài gân guốc đến từ Lesotho bắt đầu kể lại những trận đấu súng dưới lòng đất và những lần anh phải đi đào xương cốt của những người bỏ mạng trước đó. “Đây là một công việc nguy hiểm”, Fix nói, hớp cạn một chai bia lấy dũng khí. “Nhưng dưới đó là rất nhiều tiền”. 

Sống 6 tháng dưới lòng đất, Fix được một tổ chức tội phạm thuê tới Nam Phi làm phu vàng năm 2013 và đã đi khắp mê cung hầm mỏ gần 150 km dưới lòng Johanessburg trong 6 năm qua. "Có những lúc tôi có thể chui xuống từ bờ phía Tây của thành phố và một tuần sau ngoi lên ở bờ bên kia", người đàn ông nói. 

Có tin đồn rằng ở nhiều mỏ tại Johannesburg, các phu vàng có thể ở tới 6 tháng dưới lòng đất. Để duy trì cuộc sống, họ tới các ngôi làng dựng tạm dưới lòng đất để mua thức ăn, bia rượu, xem truyền hình hoặc thậm chí mua dâm, tất cả đều với giá cắt cổ.

Tại Durban Deep, một mỏ vàng cũ từ thời Nữ hoàng Victoria ở bờ Tây thành phố, hàng trăm dân nhập cư, chủ yếu từ Zimbabwe đang sống trong những nhà tạm dột nát thuộc về công nhân mỏ da trắng trước đây. Từng là một ngôi làng đầy sức sống và gần đây là một sân golf cho tới khi bị đóng cửa, nơi này ngày nay bị lấn chiếm bởi hai mê cung nhà ổ chuột, với hơn 40.000 cư dân và mật độ tội phạm bạo lực cao chót vót, chủ yếu liên quan tới các băng nhóm khai thác vàng lậu. 

“Khoảng 85% người dân ở đây đang kiếm sống nhờ nghề đào vàng”, Fani cho biết. Người đàn ông trung niên này ở Durban Deep đang bán vàng khai thác tại trận cho các tiệm cầm đồ và trang sức khắp thành phố, nơi sẽ “hô biến” chúng thành vàng xuất khẩu chính ngạch.

"Cảnh sát chỉ thích tiền"

Nhiều phu vàng, các nhà hoạt động và nghiên cứu đều khẳng định rằng cảnh sát địa phương tham gia kiếm lời từ nền kinh tế ngầm này bằng cách nhận tiền hối lộ và bôi trơn từ người mua vàng và các băng nhóm tội phạm, hoặc tịch thu vàng từ những người đào vàng và bán lại. “Cảnh sát chỉ thích tiền”, Fani nói, “Họ không buồn thực thi luật pháp”.  

Theo David van Wyk, nhà nghiên cứu về khai thác quặng tại Tổ chức Bench Mark ở Johannesburg, cứ một phu vàng thì có khoảng 8 đến 10 người sống phụ thuộc vào họ. “Nghĩa là có tới 400.000 người đang sống nhờ vào khai thác bất hợp pháp”, ông vạch rõ. 

Số liệu này chưa tính đến các hộ kinh doanh nhỏ ở những vùng từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế và phân rã đô thị khi các khu quặng cũ đóng cửa. Rất nhiều trong số họ ngày nay chủ yếu kiếm tiền nhờ làm việc với các zama zama. 

Ông của Kasim Bhorat mua lại một cửa hàng tiện lợi nhỏ gần Durban Deep vào năm 1958, thời hoàng kim của khu mỏ, sau đó đến năm 1990, Bhorat đổi thành cửa hàng bán đồ điện tử. “Khi mỏ đóng vào năm 1999, việc kinh doanh gần như điêu đứng”, ông nói. “Nhưng khoảng mười năm trước khi các phu vàng bắt đầu chuyển đến, mọi thứ dần cải thiện. Tôi nghĩ nhiều hộ kinh doanh ở đây cũng sẽ nói vậy.”

Ở khu dân cư Matholesville gần đó, hàng dãy những hộ buôn nhỏ lẻ đang ngồi ở các góc phố đông đúc bán đèn, mạng che mặt, đệm cùng các nhu yếu phẩm khác cho một người chuẩn bị xuống mỏ. “Bạn có cả một ngành công nghiệp nhằm phục vụ riêng các khu mỏ phi pháp”, Robert Thornton, nhà khảo cổ học nghiên cứu khai thác trái phép thuộc đại học Wit chia sẻ năm 2017. 

Ngay ngoài rìa thành phố, thị trấn Carlethonville và nhiều làng mỏ quanh đó nay đã bị lãng quên, dù mới đây từng là vùng khai thác chính của tỉnh Gauteng. Nhiều ngôi nhà bị rao bán và đường xá quanh thị trấn đầy những hố sụt, kết quả của những dư chấn do hoạt động khai thác mỏ ở một số địa phương vẫn hoạt động. 

thumb_660_36afd7e3-d0e3-4561-ac41-c4dbddfb2c58

 Dân nhập cư nghèo, chủ yếu từ Zimbabwe tới sống trong những căn nhà dột nát ở làng mỏ Durban Deep.

Cùng với những bãi khai thác không thể cải tạo khắp Carletonville nơi chỉ cần một cơn gió thổi qua cũng gây ra một đám mây bụi độc hại, khu vực này là minh chứng rõ nhất cho tiếng nghẹn hấp hối của một ngành công nghiệp khai khoáng từng thịnh vượng. Chỉ riêng năm 2017, gần 8.500 người đã rời bỏ các mỏ vàng ở Carletonville, và những ai đủ điều kiện đều gia nhập làn sóng di cư tới Johannesburg.

Từng làm nhà thầu địa phương ở Sibanye-Stillwater, công ty khai thác vàng lớn nhất Nam Phi, Rethabile Mokwena hiện là bên môi giới giúp những người đào vàng trái phép giao dịch với một khách hàng giàu có ở thành phố. Người đàn ông này dùng đèn hàn để tinh chế bụi vàng thành amalgam, một hỗn hợp chứa thủy ngân trong một lán kẽm nhỏ, hay còn gọi là “nhà đốt” phía sau căn hộ một phòng ngủ của anh ở bãi cát rìa trị trấn Carletonville. 

Mokwena cho biết anh mắc bệnh phổi do làm công việc này. Vàng thường được chiết xuất từ đá chứa silica, khiến người chiết xuất vàng có thể mắc silicosis, một bệnh phổi mạn tính đã cướp đi sinh mạng hàng nghìn công nhân mỏ từ những năm 1960.

“Các công ty khai thác quy mô lớn có cách để giảm thiểu rủi ro sức khỏe bằng cách cung cấp đồ bảo hộ thích hợp để tránh cho họ hít phải các hạt độc hại”, nhà địa lý Nhlengethwa nói. “Các zama zama thì không có”. 

Bên cạnh những rủi ro về sức khỏe, Mokwena nói rằng cảnh sát thường xuyên đột kích vào nhà anh và tịch thu bất cứ chút vàng hay tiền mặt nào họ tìm thấy. “Tuy thế họ không bắt ai đâu”, anh nói thêm. “Họ chỉ lấy vàng để bán cho kẻ khác kiếm lời thôi”. “Chẳng có công việc nào khác”, Thabo Dikgang, một thợ đào vàng đang nuôi vợ và năm đứa con cho biết. “Kể cả nếu có ai chết trong những cái lán đó, ai đó sẽ thế chỗ anh ta ngay ngày mai”.

Sản lượng sụt giảm

Những khó khăn ngành công nghiệp vàng của Nam Phi phải đối mặt khiến sản lượng khai thác kim loại quý này đang giảm dần mặc dù "đất nước Cầu Vồng" có trữ lượng vàng lớn thứ 2 thế giới, sau Australia. 

Sản lượng vàng khai thác của Nam Phi đang sụt giảm do chi phí khai thác cao, các cuộc đình công của nhân viên ngành khai khoáng diễn ra thường xuyên, cũng như các thách thức địa chất khi tiến hành khai thác các mỏ ở độ sâu vào bậc nhất thế giới. 

Trong khi đó, Ghana - một quốc gia châu Phi khác với ngành khai thác vàng có từ thế kỷ 19, đang có lợi thế rõ rệt do chi phí khai thác thấp hơn, các chính sách thân thiện hơn và các dự án phát triển mới. Các nhà khai thác vàng truyền thống tại Nam Phi như AngloGold Ashanti và Gold Field đang chuyển trọng tâm sang các quốc gia khác, trong đó có Ghana, do việc khai thác tại các nước này phải đặt cọc ít hơn và dễ khai thác hơn. 

Công ty khai thác vàng lớn nhất còn lại ở Nam Phi, Sibanye Gold đang cắt giảm hàng nghìn việc làm và đa dạng hóa khai thác kim loại nhóm bạch kim do công ty này phải vật lộn để kiểm soát chi phí. 

(Nguồn: cstc.cand.com.vn)
Bình luận
vtcnews.vn