Theo PGS.TS, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) đã triển khai hai năm qua, mang lại nhiều ý nghĩa tích cực cho doanh nghiệp, người dân.
Hiện nay, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đang được áp dụng đến hết ngày 31/12/2023 cho hàng hóa, dịch vụ, ngoại trừ các nhóm hàng gồm: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.
“Mục tiêu của chúng ta là dùng chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch 5 năm từ 6,5 - 7%. Đến nay sau gần hai năm triển khai, mục tiêu đó mình có đạt được nhưng chưa trọn vẹn”, ông Ngân nhận xét.
Cũng theo đại biểu Ngân, hiện Quốc hội đang có ý kiến thảo luận kéo dài việc giảm 2% thuế VAT đến hết hết ngày 30/6/2024, bởi phát sinh yếu tố mới sau khi ban hành Nghị quyết 43 là cuộc xung đột Nga - Ukraine.
“Tác động của cuộc xung đột này cũng nghiêm trọng như đại dịch COVID-19, vì nó cũng gây đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người lao động do thương mại toàn cầu suy giảm, đầu tư quốc tế suy giảm kéo theo các đơn hàng suy giảm và số lượng doanh nghiệp giải thể tăng cao, người lao động giảm thu nhập, mất việc làm…
Những yếu tố này chưa được lường trước trong Nghị quyết 43. Do đó, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, người yếu thế, chúng ta nên kéo dài gói hỗ trợ, đó là điều phù hợp với thực tiễn”, đại biểu Ngân phân tích.
Cũng trả lời VTC News về nội dung này, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 2% là việc làm hết sức cần thiết để hỗ trợ người dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển, xây dựng và thành lập mới.
Tuy nhiên, đại biểu Hoà cũng cho rằng, vấn đề này có liên quan đến thu chi ngân sách nên cần phải tính toán thận trọng, kỹ lưỡng.
“Tôi đồng tình với việc giảm thuế VAT nhưng cũng cần phải đánh giá việc thu ngân sách nhà nước, vì giảm thu thì cũng phải liên quan đến vấn đề giảm chi để đảm bảo cân đối tài chính ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính cần cân nhắc, xem xét việc thu ngân sách năm 2023 - 2024 và những năm tiếp theo như thế nào để việc tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% VAT vừa phù hợp với thực tiễn vừa phát huy hiệu quả kích thích tăng trưởng kinh tế”, ông Hòa nói.
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ này cũng dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Còn Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại vừa đề xuất giảm thuế VAT 2% cho tất cả hàng hóa.
Theo VCCI, sau khi tham vấn một số doanh nghiệp và chuyên gia, nhiều ý kiến cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 được dự báo chỉ ở mức trên 5%, đây là mức tương đối thấp trong nhiều thập niên qua (trừ hai năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19).
Tình trạng khó khăn này được dự đoán sẽ tiếp tục trong giai đoạn đầu năm 2024 khi kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi và kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Do đó, việc nới lỏng chính sách tài khóa, thông qua việc tiếp tục giảm thuế VAT vào thời điểm này là hết sức cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tạo việc làm.
Đại diện VCCI nhấn mạnh biện pháp giảm thuế VAT đã được thực hiện trong 2 năm 2022, 2023, mang lại nhiều tác động tích cực đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt là giúp tăng tiêu dùng nội địa trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VCCI, các doanh nghiệp cũng gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022 và Nghị định 44/2023 hướng dẫn thực hiện nhưng trên thực tế, việc phân loại hàng hóa, dịch vụ vào các mức thuế suất khác nhau vẫn còn nhiều lúng túng.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu phụ lục của hai nghị định nói trên nhưng vẫn không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%.
Văn bản của VCCI nêu: "Nhiều doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan nhưng các cơ quan này cũng không dám khẳng định cho doanh nghiệp vì sợ sai. Nhiều DN phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới.
Có doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng.
Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8% trong 6 tháng đầu năm 2024".
Bình luận