• Zalo

Đề xuất đào tạo sinh viên sư phạm thực hành như sinh viên ngành Y

Diễn đànThứ Ba, 10/11/2020 13:27:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều chuyên gia cho rằng, các trường đại học, cao đẳng ngành sư phạm nên áp dụng mô hình đào tạo như khối ngành Y, sinh viên vừa học, vừa thực hành liên tục.

Tại hội thảo khoa học quốc gia về đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông sáng 10/11, TS Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện giảng viên của các trường đại học, cao đẳng ngành sư phạm đa số là sinh viên có thành tích học tập giỏi được giữ lại trường để nghiên cứu, giảng dạy.

Tuy nhiên, đội ngũ này chưa có trải nghiệm dạy học thực tiễn ở bậc phổ thông. Do đó, khi đi dạy sinh viên sư phạm thì giảng viên khá yếu ở kinh nghiệm thực tiễn, đa phần là lý thuyết suông.

Ông dẫn chứng, như các trường đại học ở Nhật Bản, họ đều không giữ sinh viên giỏi ở lại để giảng dạy. Họ yêu cầu các ứng viên nếu muốn trở thành giảng viên thì phải có đủ thời gian giảng dạy và làm việc ở các trường phổ thông.

"Các trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành sư phạm ở Việt Nam nên áp dụng mô hình đào tạo như khối ngành Y, sinh viên vừa học, vừa thực hành liên tục. Giảng viên muốn dạy tốt thì phải đủ kinh nghiệm thực tế dạy học ở phổ thông. Chỉ có như vậy chúng ta mới tạo ra thế hệ sinh viên sư phạm có chất lượng thật sự", ông Chiến đề xuất.

Dù một số cơ sở giáo dục đại học ngành sư phạm cho sinh viên tham gia vừa học vừa thực nghiệm. nhưng theo ông Chiến sinh viên mới chỉ tham gia với cương vị là khách mời, không thường xuyên đứng lớp như giáo viên cơ hữu, về mặt kinh nghiệm chắc chắn sẽ chưa đủ.

Muốn đào tạo được sinh viên giỏi th người đứng lớp cần có thời gian trải nghiệm làm giáo viên phổ thông thực thụ và đúng nghĩa trước khi trở thành giảng viên đại học sư phạm. Đó cũng là cách tốt nhất để tăng cường phối hợp, lồng ghép lý thuyết và thực hành các môn học.

Đề xuất đào tạo sinh viên sư phạm thực hành như sinh viên ngành Y - 1

TS Nguyễn Phú Chiến, Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: D.T)

Cũng theo ông Chiến, mỗi sinh viên sư phạm mới chỉ có thời gian 6-8 tuần kiến tập, thực tập trước khi tốt nghiệp đại học. Khoảng thời gian này quá ít, chưa đủ để sinh viên trau dồi kinh nghiệm và trải nghiệm. Vị chuyên gia này hy vọng các trường đại học nên liên kết với các trường phổ thông tốt hơn để ngoài những giờ lên lớp, sinh viên bắt buộc phải tham gia vào quá trình giảng dạy học sinh.

Đồng quan điểm, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc sinh viên sư phạm thực tập, kiến tập có 6-8 tuần là chưa đủ kinh nghiệm thực tế. Đây cũng là điểm khiếm khuyết trong việc đào tạo nói chung của một số trường đại học, cao đẳng sư phạm.

Sinh viên phải được đào tạo trong tâm thế vừa học, vừa tác nghiệp ở trường phổ thông. Các trường sư phạm phải thiết kế chương trình đào tạo giúp cho sinh viên sớm tiếp cận với các trường phổ thông, ngay cả khi dạy môn học khoa học cơ bản từ năm nhất. Các môn học ở bậc đại học cần có nhiều hoạt động hơn nữa để sinh viên tiếp cận với phổ thông thường xuyên.

Việt Nam nổi tiếng về đào tạo bác sĩ. Bởi sinh viên ngành Y được đào tạo lâm sàng thường xuyên, gắn liền lý thuyết, được tiếp xúc với bệnh nhân, bệnh viện rất nhiều. Do đó, các sinh viên sư phạm cũng phải đắm mình trong môi trường phổ thông trong suốt 4 năm đại học.

Nhiều trường sư phạm đã khắc phục được một phần bằng mô hình liên kết, trao đổi giáo viên với các trường tư thục để cùng đào tạo sinh viên tốt hơn, tăng năng lực thực hành. "Tôi nghĩ mô hình này sẽ giúp giải quyết vấn đề sinh viên sư phạm thiếu năng lực thực tế", ông nói.

Đề xuất đào tạo sinh viên sư phạm thực hành như sinh viên ngành Y - 2

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: D.T)

Vị giáo sư cho rằng, để làm được việc này phải đổi mới về tư duy. Thứ nhất, để tự thân các trường sư phạm xây dựng mô hình đưa sinh viên về gần hơn với các trường phổ thông sẽ tốn kém nên cần có sự đầu tư. Thứ hai, phải thay đổi cấu trúc kế hoạch đào tạo để sao cho sinh viên lúc xuống phổ thông lúc về giảng đường giống như sinh viên ngành Y. Đó cũng là cách để hé mở, giải quyết việc sinh viên ít kinh nghiện, khi ra trường bị lúng túng.

"Chúng ta phải dạy lý thuyết trong thực hành và dạy thực hành để học lý thuyết. Ví dụ ngành Y, dạy học về một bệnh lạ thì sinh viên sẽ được trực tiếp đến bệnh viện thăm khám, tìm hiểu bệnh lý và cách điều trị cho bệnh nhân ra sao…Thực hành luôn đặt ra tình huống cho lý thuyết, lý thuyết soi sáng cho thực hành", GS Chiến nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục việc đổi mới nội dung cần đi đôi với đổi mới phương pháp dạy và học. Bài toán đặt ra là làm sao để thay đổi được cách dạy, cách học của sinh viên, học sinh mới là điều cần chú trọng và tập trung phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, giáo dục đại học cần quan tâm đến bồi dưỡng giáo viên bậc phổ thông, bởi khi học sinh phổ thông thay đổi thì giáo dục đại học sẽ thay đổi theo, tuyển sinh đầu vào của giáo dục đại học là chất lượng học sinh phổ thông.

Theo Thứ trưởng Sơn, không chỉ coi sinh viên là trung tâm mà hãy coi sinh viên là chủ thể của quá trình đào tạo, dạy chỉ là phụ, học và tự học là chính. Muốn đổi mới cách dạy, cách học cho các sinh viên ngành sư phạm thì cần đặt các em vào bối cảnh thực tiễn, việc áp dụng phương pháp này sẽ là chuyển biến lớn trong việc đào tạo ra những lứa giáo viên phổ thông trong tương lai vừa hồng, vừa chuyên.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn