Chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác của tòa án, viện kiểm sát, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ lo ngại khi vấn đề tham nhũng vặt diễn ra đa dạng, ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ giải quyết không đến nơi đến chốn, không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt.
"Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén..., thậm chí nhiều vụ việc còn đòi hỏi phí "bôi trơn". Điều đáng lo ngại là tình trạng tham nhũng vặt ngày càng trở nên phổ biến, diễn ra ở nhiều lĩnh vực như hải quan, tư vấn đất đai, các kỳ thi tuyển dụng, sát hạch về âm nhạc, nghệ thuật....", ông Trí nói.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh nhiều cán bộ dựa vào vị trí làm việc, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sự thiếu hiểu biết của người dân, doanh nghiệp mà vòi tiền "bôi trơn".
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, "tình trạng tham nhũng vặt như vòi bạch tuộc đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước nhà đầu tư, các hoạt động của xã hội bị chậm lại, đặc biệt làm xói mòn lòng tin của Nhân dân".
Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ mong muốn của cử tri, của Nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống tham nhũng vặt, chống tiêu cực trong xã hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đánh giá cao nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực, chống tội phạm, góp phần ổn định xã hội của các cơ quan, cho thấy sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, nghiêm minh của cơ quan pháp luật từ khâu điều tra, xét xử, thi hành án trong các vụ tham nhũng lớn. Tuy nhiên, cũng theo đại biểu, số liệu về xử lý cán bộ công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn khiêm tốn cho việc thực tế đang diễn ra.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, phòng, chống tham nhũng chỉ có thể làm được tốt, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của Nhân dân và của quần chúng. Do đo, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều, rộng hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử các cấp và tổ chức chính trị - xã hội.
Cũng liên quan vấn đề tham nhũng, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp.
Theo đại biểu Hoàn, cũng giống các hành vi phạm tội thông thường, dưới góc độ kinh tế, việc sử dụng đất trái pháp luật có thể hiểu là những hành vi kinh tế dựa trên quy dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích của những người vi phạm pháp luật...
Đại biểu cho rằng, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó. Một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật về đất đai tăng lên thì khả năng điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên.
"Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại. Nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật trong thời gian tới sẽ giảm về đất đai", đại biểu tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, cơ quan điều tra đã phát hiện hơn 5.100 vụ phạm tội về quản lý kinh tế. Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng hơn gần 41%.
Báo cáo cho hay, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu "diễn ra rất phức tạp", nổi lên là lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, trong đó có thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu, để chỉ định thầu; dùng quân xanh, quân đỏ để thao túng giá trúng thầu; mua bán lòng vòng để nâng giá nhiều lần.
Bình luận