• Zalo

Đạo diễn phim 'Mẹ ơi con đã về': Hành trình vượt định kiến về với tình người

Thời sựThứ Hai, 21/12/2015 08:00:00 +07:00Google News

Đạo diễn phim tài liệu "Mẹ ơi con đã về" cho rằng điều khó khăn nhất của nhóm làm phim là giúp nhân vật chính vượt qua định kiến.

(VTC News) - Đạo diễn phim tài liệu "Mẹ ơi con đã về" cho rằng điều khó khăn nhất của nhóm làm phim là giúp nhân vật chính vượt qua định kiến, rằng họ không làm truyền thông về Stacy Thúy.

Cách dẫn dắt mạch truyện để người xem cảm nhận được nỗi đau của nhân vật Stacy Thúy, cô bé được đưa khỏi Sài Gòn từ 40 năm trước trong chiến dịch không vận Babylift của Chính phủ Hoa Kỳ, giúp bộ phim tài liệu "Mẹ ơi con đã về" giành giải Vàng của Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35 vừa bế mạc hôm 19/12.

VTC News có cuộc trò chuyện với anh Lương Minh Đức, cũng vừa nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim tài liệu "Mẹ ơi con đã về". Anh Lương Minh Đức hiện công tác tại Trung tâm Tin tức - Đài truyền hình VTC.

 Đạo diễn Lương Minh Đức đạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất LH Truyền hình toàn quốc lần thứ 35 với phim tài liệu truyền hình "Mẹ ơi con đã về"

- Trong hành trình tìm lại quê hương, rất nhiều số phận, nhiều nhân vật đặc biệt từng là trẻ em trong chiến dịch không vận Babylift cách đây 40 năm. Điều gì thôi thúc khiến anh quyết tâm thực hiện bộ phim tài liệu về nhân vật Stacy Thúy?


Dự án phim Mẹ ơi, con đã về được thực hiện trong hoàn cảnh khá bất ngờ. Bắt đầu từ việc phóng viên Đinh Đức Hoàng - cộng tác việc của Trung tâm Tin tức tìm thấy ngôi mộ chôn 76 trẻ mồ côi trong vụ rơi máy bay không vận ngày 4/4/1975 và chia sẻ trên Facebook.

Khi nhìn thấy hình ảnh đó, tôi nảy sinh ý tưởng tìm hiểu về những người con nuôi đã rời khỏi Việt Nam năm 1975. Sau khi Hoàng tìm ra một người là Cao Lê Tâm (một nhân vật trong phim) - người đã có nhiều năm thực hiện công việc hỗ trợ con nuôi người Việt về nước và đoàn tụ gia đình, tôi đã gặp anh Tâm để chia sẻ ý tưởng thực hiện một bộ phim như vậy.
Nhân vật Stacy Thúy trong hồ sơ Babylift năm 1975, lúc đó cô khoảng 3 tuổi
Thông qua mạng facebook, chúng tôi biết được sắp sửa có một nhóm con nuôi về nước dịp 40 năm chiến tranh kết thúc để thăm lại nơi chiếc máy bay C5A Galaxy rơi và người chủ trì nhóm đó là chị Stacy. Chúng tôi liên lạc với Stacy và bắt đầu tìm hiểu câu chuyện của chị ấy.


Thực tế thì trong chuyến đi này, Stacy không hề có ý định tìm kiếm gia đình, nhưng sau khi đọc câu chuyện quá khứ của chị, anh Tâm đã đưa ra một quyết định là sẽ thử tìm kiếm gia đình cho Stacy.


Tất cả mọi quyết định đúng như một sự mách bảo của lý trí, chỉ sau đúng 6 ngày, anh Tâm đã tìm được manh mối để xác định gia đình ruột thịt của Stacy. Khi đó chúng tôi đã trao đổi với Stacy và đề nghị sẽ cùng đồng hành để làm một bộ phim về hành trình của chị, cho dù phía trước, con đường vẫn rất mơ hồ và nhiều thách thức.


- Để thực hiện bộ phim
, việc tìm ra manh mối người mẹ của nhân vật chính Stacy Thúy và cô ấy cũng không thể nói tiếng Việt có phải là trở ngại lớn nhất? Những khó khăn khác mà đạo diễn và nhóm làm phim gặp phải là gì?

Ngôn ngữ không phải là vấn đề của nhóm làm phim vì chúng tôi có thể giao tiếp với nhân vật bằng Tiếng Anh.

Khi quyết định thực hiện dự án, với tư cách là đạo diễn, tôi vẫn rất lo ngại về khả năng thành công của việc tìm kiếm cũng như của cả bộ phim. Những mũi tác nghiệp của nhóm tìm kiếm chỉ dựa trên những thông tin rất đơn sơ và phải nhờ tới sự giúp đỡ của cơ quan chức năng cũng như may mắn, việc tìm kiếm mới đi đúng hướng.


Nhưng khó khăn lớn nhất chính là sự hiểu biết chung giữa đoàn làm phim và nhân vật. Đã có nhiều bộ phim làm về con nuôi người Việt trở lại quê hương tìm gia đình và đa số điều kết thúc - ở một góc độ nào đó - là chưa có hậu, điển hình như bộ phim "Người con Đà Nẵng".
 Stacy Thúy đã vượt qua định kiến, khiến bộ phim có cái kết có hậu.
Có vẻ như, rất nhiều con nuôi đã xem bộ phim này và họ khá định kiến khi trở về. Bản thân Stacy từ đầu cũng nghĩ chúng tôi muốn tiếp cận với chị chỉ để phục vụ mục đích truyền thông chứ không phải từ một thiện chí nào cả.

Ngay trong cộng đồng con nuôi nhiều người cũng khuyên Stacy không nên tiếp xúc với chúng tôi vì có thể sẽ liên quan đến câu chuyện truyền thông và tiền bạc. Chính vì thế mà khó khăn lớn nhất chúng tôi phải vượt qua chính là định kiến.

Chúng tôi đã quyết định dành nhiều thời gian từ trước khi chị đặt chân về Việt Nam để nói chuyện, chia sẻ. Thậm chí khí nhân vật đã đến Đà Nẵng, chúng tôi cũng đã tiếp cận không theo cách của những phóng viên, mà đơn giản chỉ là những người bạn.

Sau những gặp gỡ ban đầu đó, Stacy mới hết định kiến và lúc đó chúng tôi mới có thể bắt đầu tác nghiệp với một cam kết là không can thiệp vào hành trình trở về và xác minh gia đình, chỉ sử dụng 1 camera (cùng với 1 camera của hãng truyền hình CBS của Mỹ) và không để cho chị có cảm giác bị theo dõi bởi camera.


Khi hành trình kết thúc, nhân vật tìm về được với gia đình, xét nghiệm ADN từ Mỹ xác định những gì chúng tôi tìm kiếm là đúng, chúng tôi mới thực sự thở phào rằng chúng tôi đã vượt qua được khó khăn lớn nhất, và thật sự thì nhóm làm phim đã trở thành một phần của câu chuyện chứ không còn là người quan sát để ghi nhận thông thường.


Sau khi bộ phim kết thúc, vài người trong số chúng tôi vẫn làm một công việc như một người thân trong gia đình của Stacy, đó là dịch những bức thư của chị gửi về gia đình. Đó là điều khiên tôi rất xúc động.


- Việc trao tặng Giải thưởng cá nhân cho các đạo diễn, diễn viên trong các phóng sự, phim tài liệu truyền hình có ý nghĩa ra sao trong việc khuyến khích những tìm tòi sáng tạo trong thể loại "khô khan" như phim tài liệu truyền hình?


Một tác phẩm truyền hình là công sức của một tập thể, do đó sự ghi nhận và vinh danh đầu tiên là danh cho tập thể.

Bên cạnh đó, vì là một tác phẩm sáng tạo, nên cá tính từ mỗi tác phẩm lại phụ thuộc nhiều vào cá nhân, từ tính tư tưởng, triết lý, cách tiếp cận cho đến thông điệp của tác phẩm.

Do đó, việc vinh danh các cá nhân là điều nên được khuyến khích bởi đó chính là sự tôn vinh yếu tố khiến cho tác phẩm trở nên khác biệt và có cá tính.

- Xin cảm ơn đạo diễn!

Tại liên hoan truyền hình 2015, Đài TH Kỹ thuật số VTC đạt Giải Vàng và Giải đạo diễn xuất sắc nhất cho phim tài liệu: "Mẹ ơi con đã về", phim do Trung tâm tin tức phối hợp kênh VTC10 và VTC16 thực hiện.

Đài TH VTC cũng nhận 3 bằng khen cho tác phẩm "Cánh cổng không bao giờ khép" thuộc thể loại đối thoại - tọa đàm do Trung tâm tin thực hiện, phóng sự "Máy bắn cá ảo hậu quả thật" do Đài VTC phía Nam thực hiện, phóng sự "Chúng ta đang ăn gì" của VTC16 thực hiện.




Thái Anh

Bình luận
vtcnews.vn