Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp lời bào chữa của luật sư bị cáo Phạm Trung Kiên.
Sáng 21/7, tại phiên toà xét xử đại án "chuyến bay giải cứu", trong phần đối đáp lời bào chữa của bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y, và luật sư, Viện Kiểm sát khẳng định, hành vi của Kiên cùng các bị cáo đã phản bội lại sự cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, của quân và dân ta.
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, quá trình bào chữa, luật sư của Kiên nói 42,6 tỷ đồng chưa chắc là số tiền lớn vì đây là lợi nhuận của của 18 doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu.
Cũng theo luật sư của Kiên, bản chất 42,6 tỷ đồng Kiên nhận là của 30.000 công dân Việt Nam, mỗi người chỉ bỏ ra 500.000 - 2 triệu đồng để được về nước nên chưa chắc con số này là lớn.
"Có lớn không, để bỏ ra 500.000 - 2 triệu đồng đổi lấy sự an toàn và tính mạng, sức khỏe? Có lớn không nếu phải ở lại ở nước ngoài, mắc COVID-19? Và có lớn không, với thu nhập trung bình của người Việt đang sinh sống làm việc ở nước ngoài?", quan điểm của luật sư.
Đối đáp nội dung này, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng thật sự rất phẫn nộ trước quan điểm trên của luật sư.
"Nó thể hiện sự thờ ơ, vô cảm với nỗi đau của đồng bào trong dịch bệnh, với mất mát của nhân loại toàn thế giới", đại diện Viện Kiểm sát nói.
Theo Viện Kiểm sát, hành vi nhận hối lộ của bị cáo Kiên diễn ra thời điểm dịch COVID-19 bùng phát lan rộng, với những diễn biến khó lường, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
"Cả hệ thống chính trị nước ta nhập cuộc, chung sức chống dịch như chống giặc, có những bữa cơm, những chuyến xe 0 đồng, nhà trọ 0 đồng, các doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản vẫn đồng hành cùng thiện nguyện, chống dịch", đại diện Viện kiểm sát gay gắt bày tỏ.
Vị Kiểm sát viên nhận định người Việt ở nước ngoài khi đó ở thế cùng cực, không muốn bị bỏ lại nơi đất khách. Hành vi của Kiên và các bị cáo khác khi trục lợi trước sự cùng cực này làm mất đi tính nhân đạo của những chuyến bay giải cứu, phản bội sự cố gắng của cả nước.
"Chính vì vậy chúng tôi cho rằng, lời bào chữa của luật sư còn xúc phạm đến tất cả người Việt, những người đã trải qua một đại dịch thảm khốc đau thương… Để đảm bảo văn hóa tranh tụng, chúng tôi sẽ không nói những lời nặng nề về những quan điểm này của luật sư và xin để cho Hội đồng xét xử công tâm đánh giá", đại diện Viện Kiểm sát nói.
Về nội dung thứ hai, các luật sư nêu là Phạm Trung Kiên không có chức vụ, quyền hạn trong Bộ Y tế nên không thể ép buộc hối lộ, phía công tố cũng bác bỏ.
Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, Kiên là người có chức vụ, quyền hạn khi cùng Thứ trưởng Bộ Y tế tham gia tổ công tác 5 Bộ và được giao nhiệm vụ tiếp nhận văn bản, công văn từ các đơn vị khác.
Trong tổ công tác 5 Bộ thì Bộ Y tế đóng vai trò rất quan trọng. Bộ Y tế cho ý kiến về việc cấp phép các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao.
"Vì vậy Phạm Trung Kiên là người có nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện một công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay. Nếu Kiên không thực hiện đúng quy trình, chậm hay khi có phê duyệt của Bộ Y tế nhưng giữ lại chưa đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao sẽ ảnh hưởng đến thời hạn cấp phép chuyến bay của doanh nghiệp", Viện Kiểm sát nói.
Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, vụ án này rất nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ Kiên. Nếu không gặp gỡ sẽ bị gây khó khăn như không trình, trả văn bản để ép các doanh nghiệp phải chi tiền theo yêu cầu.
"Có tới 12 doanh nghiệp còn khai, Kiên liên tục yêu cầu họ phải hối lộ mình từ 150 - 200 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép. Sau khi vụ án được phát hiện, Kiên chuyển trả phía doanh nghiệp 12 tỷ đồng, đều có nội dung chuyển khoản "trả tiền vay" nhưng đây là tiền nhận hối lộ", theo đại diện Viện Kiểm sát.
Viện Kiểm sát nêu dẫn chứng một số doanh nghiệp mà Kiên yêu cầu đưa tiền như bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Công ty An Bình) khai: ''Qua điện thoại ông Kiên đề nghị tôi đưa 150 triệu đồng/chuyến giống như Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an, khi nào đưa tiền thì ông Kiên sẽ có văn bản đồng ý".
Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Công ty G19) khai: "Tôi lúc đó nghĩ cứ chuẩn bị 200 triệu đồng đưa trước Kiên xem thế nào. Thực tế khi đưa số tiền mặt 200 triệu đồng này cho Kiên, tại phòng họp thì Kiên có xem luôn và bảo tôi “như thế này chưa đủ chị à”. Sau đó, tôi và Kiên trao đổi và thống nhất là sẽ chuyển thêm cho Kiên 200 triệu đồng''.
Trong suốt quá trình điều tra vụ án, Kiên không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, gây khó khăn cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Kiên cho rằng, số tiền Kiên nhận của các doanh nghiệp là tiền vay mượn cá nhân. Trong 13 buổi đối chất với 13 doanh nghiệp Kiên cũng vẫn khẳng định là tiền vay mượn, nhưng doanh nghiệp thì trình bày đó là tiền đưa hối lộ cho Kiên.
Do vậy, Viện Kiểm sát nhận định không có căn cứ để áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án".
Tại tòa, các luật sư bào chữa còn cho rằng bị cáo vô ý nhận hối lộ, không nhận thức hết hành vi của mình vì doanh nghiệp đưa bao nhiêu cũng được nhưng lại đề nghị xem xét chuyển tội danh sang tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi hoặc tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Đối với nội dung này, theo Viện Kiểm sát, chủ toạ phiên toà cũng đã nhắc nhở luật sư và những phân tích ở trên cho thấy không thể vô ý nhận 253 lần hối lộ được, trong số đó có gần 200 lần nhận qua tài khoản ngân hàng. Vì vậy, Viện Kiểm sát không đối đáp nội dung này.
Bình luận