Châu Mỹ còn lâu mới qua đỉnh dịch
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại khi số người nhiễm COVID-19 ở các nước Mỹ Latin và khu vực Caribe tăng nhanh. Năm trong số 10 nước ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất trong 24 giờ qua là các quốc gia châu Mỹ: Brazil, Mỹ, Peru, Chile và Mexico.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO nhấn mạnh mới vài tuần trước, Nam Á và châu Phi mới là các ổ dịch tiềm tàng, nhưng bây giờ Nam Mỹ mới là khu vực đáng lo ngại nhất.
"Rõ ràng tình hình ở nhiều nước Nam Mỹ còn lâu mới ổn định. Số ca nhiễm tăng lên rất nhanh và hệ thống y tế ở các nước này đang bị đặt dưới sức ép khủng khiếp", ông Ryan cho biết.
"Tôi có thể nhấn mạnh một cách chắc chắn rằng Trung và Nam Mỹ đã trở thành khu vực bùng phát dữ dội nhất. Tôi không tin rằng chúng ta đã chạm đến đỉnh dịch và cho đến lúc này, tôi không thể dự đoán được là khi nào", ông này nói.
Bộ trưởng Anh tuyên bố "đang thắng" COVID-19
"Những số liệu cho thấy kế hoạch hành động đang có hiệu quả. Dữ liệu chỉ ra rằng chúng ta đang thắng thế trong cuộc chiến chống COVID-19. Bởi thế hôm nay chúng ta mới có thể thực hiện một vài thay đổi về luật phong tỏa một cách thận trọng và an toàn", Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock phát biểu.
Dù vậy, ông Hancock vẫn nhấn mạnh rằng cuộc chiến đẩy lùi COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Bộ trưởng Y tế Anh kêu gọi người dân tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc chống lại đại dịch.
"Chúng ta đã cùng nhau đi được rất xa và có thể tiếp tục tiến bước, nhưng đừng đi quá xa", ông Hancock nói. "Đại dịch chưa chấm dứt. Chúng ta không thể vứt bỏ cả quá trình đã thực hiện".
Anh vẫn nằm trong số những nước có nhiều người chết vì COVID-19 nhất trong hôm 24 giờ qua. Nước này ghi nhận thêm 111 ca thiệt mạng, nhưng tổng số ca chết người tăng thêm tới 556 trường hợp do cập nhật thêm những ca bị bỏ sót trước đó.
WHO ca ngợi Mỹ đóng góp "hào phóng"
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom ca ngợi những đóng góp "rộng rãi" và "hào phóng" của Mỹ. Ông Adhanom bày tỏ mong muốn sự hợp tác giữa WHO và Mỹ được duy trì, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố "cắt đứt quan hệ" với tổ chức này vì những vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19.
Video: Mỹ cắt tài trợ, WHO lấy tiền đâu hoạt động?
"Những đóng góp và sự hào phóng của Mỹ đối với y tế toàn cầu suốt nhiều thập kỷ là rất rộng rãi. Điều này tạo ra khác biệt lớn về y tế công cộng trên khắp thế giới", ông Tedros chia sẻ.
Theo lời người đứng đầu WHO, ông chỉ được biết đến quyết định "cắt đứt quan hệ" từ Mỹ thông qua truyền thông. Chưa có liên lạc chính thức nào từ Tổng thống Trump và chính quyền Mỹ.
Trong khi đó, một quan chức khác của WHO là Tiến sĩ Maria Van Kerkhove bày tỏ lo ngại rằng những cuộc bạo loạn, biểu tình ở Mỹ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Bình luận