Trong 3 ngày 31/10 đến 2/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong bản báo cáo, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho biết vẫn còn băn khoăn về hai vấn đề lớn.
Video: Không thể để cô giáo cống hiến 37 năm nhận lương hưu 1,3 triệu đồng
"Một là Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chuyển khá mạnh, nhưng một số bộ ngành và nhiều địa phương, nhất là ở cấp cơ sở thì vẫn chưa thực sự động.
Hai là con đường chúng ta đi vẫn còn nhiều vật cản. Đó là tình trạng bàn lùi, buông xuôi, vô cảm, sợ trách nhiệm, lợi ích nhóm, không trung thực, đối phó, cục bộ, bệnh thành tích, nói nhiều làm ít, xu nịnh, tham mưu theo kiểu hại nước, lợi mình, thiếu công khai minh bạch và can thiệp trái pháp luật còn phổ biến. Đó là những thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực rất cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nước ta không bị lạc hậu và không bị tụt hậu", đại biểu Hiểu bày tỏ.
Về các vấn đề cụ thể, tôi quan tâm đến 2 vấn đề về mặt xã hội khi các đại biểu đã có rất nhiều phát biểu về các vấn đề kinh tế.
Vị đại biểu Hà Nội cũng bày tỏ sự quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Truyền thống đạo lý Việt Nam trong ứng xử với trẻ em đã dành nhiều "lời vàng" và sự quan tâm đặc biệt. Nhưng thực tế hiện nay, trẻ em nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức.
"Đó là trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, tự kỷ, tự tử, đuối nước, tai nạn giao thông; hay trẻ em hư, chống đối, vi phạm pháp luật, phạm tội và cả việc trẻ em bị phá hoạt nhân cách do sự vô tình của người lớn. Thực trạng này đã thực sự gây ra nhức nhối lớn cho toàn xã hội, tác động xấu đến chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, đến nền tảng đạo đức xã hội và sự phát triển bền vững đất nước", ông Hiểu nói
Vì vậy, đại biểu Hiểu cũng kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đột phá trong công tác giáo dục mầm non thông qua các giải pháp.
Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhận thức đúng vị trí bậc học nền tảng và đặc biệt quan trọng này. Kinh nghiệm của các nước phát triển công nghệ tiên tiến và có nguồn nhân lực chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Israel đều là những nước rất coi trọng giáo dục sớm và coi trọng bậc học mầm non.
"Chúng ta cần có đổi mới về nội dung, cách thức và mô hình giáo dục trẻ; quan tâm đào tạo đội ngũ nhà giáo, cô nuôi dạy trẻ đáp ứng yêu cầu; nghiên cứu sửa đổi, tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non, vì cô giáo mầm non vừa sử dụng trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ nhưng đồng thời họ phải lao động chân tay để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và dỗ dành trẻ, họ rất xứng đáng để được nhận đồng lương cao hơn.
Chúng ta quyết không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau 37 năm dạy học mầm non, nay khi nhận quyết định nghỉ hưu cô đã chết lặng với mức lương hưu mà được hưởng sắp tới sẽ là 1,3 triệu đồng/tháng", đại biểu Ngọ Duy Hiểu nói.
Thứ hai, về vấn đề lao động và việc làm. Đại biểu Hiểu cho rằng Chính phủ đã nhận rõ và chia sẻ với những khó khăn của công nhân, người lao động hiện nay, đó là tình trạng thiếu việc làm, việc làm không bền vững.
Hàng năm, số người từ 30 đến 40 tuổi phải kết thúc hợp đồng lao động tăng mạnh, trong đó chủ yếu là lao động nữ, theo thống kê có khoảng 600 đến 700 nghìn người/năm. Thu nhập nói chung còn thấp, một bộ phận thu nhập không đảm bảo nhu cầu của cuộc sống tối thiểu.
"Công nhân đang thiếu thốn đủ bề, từ nhà trọ đến thời gian nghỉ ngơi, các thiết chế văn hóa, phương tiện đi lại, tình cảm để chia sẻ bạn bè. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách lách luật vi phạm trắng trợn các quy định pháp luật về lao động, về bảo hiểm, về công đoàn", đại biểu Hiểu bày tỏ.
Ngay sau đó, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) đã trả lời và làm rõ những băn khoăn của đại biểu Ngọ Duy Hiểu.
Ông Lợi cho rằng đây là một vấn đề hết sức quan trọng, nếu chúng ta nói không chuẩn người lao động sẽ băn khoăn.
"Trường hợp của chị Lan ở Hà Tĩnh chiều hôm qua chúng tôi đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo lại toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội và tôi đã giải thích trên báo chí.
Chị Lan thực chất đi dạy 35 năm, nhưng trước đó chỉ đi dạy theo cách tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp của người dân, công điểm. Thực chất đóng bảo hiểm của chị Lan là 22 năm 8 tháng", ông Lợi nói.
Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân của các năm đóng bảo hiểm xã hội là 1,8 triệu, làm căn cứ bảo hiểm xã hội.
"Khi chị Lan về hưu là 22 năm, tương đương với 69%, tính trên mức đóng bình quân của 22 năm. Như vậy, 96% nhân 1,8 triệu thì lương của chị được 1.270.000.
Quốc hội rất sáng suốt là tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà về hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được bằng lương cơ sở, nên chúng ta cấp bù cho chị Lan 37.000 để đạt 1.300.000.
Như vậy, không phải do chúng ta làm sai, mà chúng ta đang cải cách tiền lương nên sẽ tính theo cách đóng cao để hưởng cao hơn và thời gian đóng dài hơn", đại biểu Bùi Sỹ Lợi lý giải.
Bình luận