Theo các bác sĩ, từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm của SXH, ở thai phụ này tiểu cầu hạ thấp có lúc còn 35.000/mm3 máu - là dấu hiệu nguy cơ chảy máu cho mẹ, nguy hiểm cho con.
TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Kiều Thị Ch., 32 tuổi (tại Thanh Xuân, Hà Nội) mang thai lần hai 37 tuần, nhập viện ngày 26/7/2017 với dấu hiệu sốt cao liên tục 39-40 độ C, đau bụng, tử cung có cơn co, tim thai 150 lần/phút, âm đạo không ra máu, không ra dịch.
Trước đó, bệnh nhân đã đến khám ở BV khác thấy dấu hiệu thai bình thường, xét nghiệm dương tính với SXH Dengue nên đã chuyển đến khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai điều trị. Kết quả xét nghiệm lúc vào viện của bệnh nhân tiểu cầu hạ còn 101.000/mm3 máu, sau đó tụt nhanh xuống mức rất thấp, có lúc còn 35.000/mm3 máu.
“Đây là trường hợp bệnh nhân có tiền sử sản khoa nặng nề, bệnh nhân đã từng bị 1 lần sảy thai 20 tuần trước đó, lần này có thai lại mắc SXH ở những tháng cuối của thai kỳ, tim thai có lúc chậm nên gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của cả hai mẹ con.
Video: Bác sĩ Đỗ Duy Cường chăm sóc, thăm khám cho bệnh nhân Kiều Thị Ch.
Chính vì thế, bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi rất sát sao. Sau khi hội chẩn giữa bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa, bệnh nhân được truyền dịch, uống thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm co bóp tử cung... tránh hiện tượng đẻ non”- TS. Cường cho hay.
Đến chiều ngày 26/7, xét nghiệm số lượng tiểu cầu cho thấy tiểu cầu hạ thấp còn 72.000/mm3 máu, bệnh nhân ra huyết âm đạo và có dấu hiệu chuyển dạ, có xuất huyết dạng chấm dưới da, phù mặt và cẳng tay, chân.
Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển sang khoa Sản để cấp cứu sản khoa, bệnh nhân vừa được hồi sức truyền 2 khối tiểu cầu vừa được các bác sĩ tiến hành đỡ đẻ. Đến 21h cùng ngày, bệnh nhân đã đẻ thường thành công một bé gái nặng 2,8kg.
Sau khi đẻ, bệnh nhân Ch. đã được chuyển lại khoa Truyền nhiễm để tiếp tục điều trị sốt xuất huyết vì vẫn còn sốt 38 độ C và tiểu cầu chưa trở về mức bình thường.
Hiện, sức khỏe của cả mẹ và con bệnh nhân Ch. tiến triển tốt, đã giảm sốt, dự kiến ngày mai (31/7) hai mẹ con có thể ra viện.
Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết cần theo dõi sát saoHiện đang là tháng cao điểm của dịch SXH, số lượng bệnh nhân đến khám tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai không ngừng tăng lên liên tục. Trong đó, phụ nữ có thai mắc SXH chiếm khoảng 15 - 20% trong tổng số bệnh nhân SXH tại khoa.
Theo TS. Cường, trường hợp bệnh SXH trên phụ nữ có thai là một trong những chỉ định cấp cứu và phải nhập viện bắt buộc dể theo dõi, bất kỳ trong giai đoạn nào cũng có nguy cơ cho cả mẹ và thai.
“Biểu hiện SXH trên phụ nữ có thai rất khó lường, do vậy chúng tôi khuyên là khi bệnh nhân có thai mắc SXH cần nhập viện điều trị. Bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan thận,.. hàng ngày và theo dõi tình trạng của thai để xem có biểu hiện như: Dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (nếu như ở trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
Một số trường hợp thai phụ ở giai đoạn cuối có dấu hiệu chuyển dạ, SXH dễ làm chảy máu cùng với đó là chảy máu trong lúc sinh nở sẽ dễ khởi động quá trình rối loạn đông máu, dẫn đến sốc mất máu, nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai”- TS. Cường cho biết thêm.
Tuy nhiên, TS. Cường cũng khuyến cáo các bà bầu không nên quá lo lắng. Trên thực tế, các em bé được sinh ra từ những bà mẹ mắc SXH đều không bị ảnh hưởng gì. Trong vụ dịch năm 2015, khoa Truyền nhiễm đã điều trị SXH thành công cho khoảng 100 bà bầu, họ đề sinh con khỏe mạnh “mẹ tròn con vuông”.
Bình luận