Tổng cục thống kê vừa công bố tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này giảm 0,03% so với tháng trước, nhưng bình quân 5 tháng vẫn đạt 4,39% là mức cao nhất so với cùng kỳ 3 năm qua.
Theo Tổng cục thống kê, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 5 gặp nhiều khó khăn, có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm, do hạn hán, xâm nhập mặn, cùng với đó là diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi và tác động nặng nề của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất - xuất khẩu các loại mặt hàng này.
Sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực, dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với tháng 4 đã tăng 11,2%. Tính chung 5 tháng, tăng 1% - là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua.
Trong tháng 5, cả nước có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng hơn 36% so với tháng 4. Tính chung 5 tháng có 48.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể hoặc hoàn tất thủ tục này giảm.
Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã trở lại trạng thái bình thường. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 và 5 tháng qua đạt mức cao nhất giai đoạn 2016-2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong tháng đạt 6,7 tỷ USD.
Thực hiện Nghị định 41 của Chính phủ nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi Covid 19, thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 5 đạt gần bằng cùng kỳ tháng trước, còn chi ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác phòng chống dịch.
Đây cũng là tháng đầu tiên cuộc sống trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, cùng với kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 nên hoạt động thương mại, dịch vụ tăng 26,9% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; sự chủ động điều hành giá xăng dầu của liên bộ Công Thương - Tài chính; Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,03% so với tháng trước. Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng vẫn ở mức cao nhất 3 năm qua khi tăng tăng 4,39%.
Bình luận