Cụm di tích Hổ Quyền – điện Voi Ré (phường Thủy Biều, thành phố Huế) là một trong những quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo mang tầm thế giới. Cụm di tích này nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng 5km về phía Tây.
Đấu trường độc nhất vô nhị
Theo sử cũ chép lại, từ thời các chúa Nguyễn vào Nam khai hoang, lập ấp đã tổ chức những trận đấu “vô tiền khoáng hậu” giữa hai loài vật được xem là “vua núi rừng” voi và hổ.
Năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào đặt trấn dinh tại Ái Tử (nay là tỉnh Quảng Trị) đã mở “đấu trường” cho các voi chiến thể hiện sức mạnh của đương triều. Hơn 20 con voi chiến có quản tượng điều khiển giao chiến với 7 con hổ dữ đã được cắt móng chân, bẻ nanh có dây trói ở cổ.
Xung quanh đấu trường là hàng rào binh lính được trang bị giáo gươm sáng quắc. Khi mặt trời lên bằng con sào, chúa Nguyễn đứng trên đài cao ra lệnh cho quản tượng bắt đầu trận đấu. Những tiếng trống vang lên thúc giục hai con vật xông vào hỗn chiến.
Dù đã bị bẻ nanh, cắt móng, nhưng những con hổ vẫn hùng hổ, xông vào bầy voi. Voi đưa vòi chống trả, giày xéo đàn hổ. Quản tượng dùng gậy điều khiển voi tấn công theo từng đội hình chiến đấu đã được vạch sẵn.
Theo quan điểm của chúa Nguyễn, voi tượng trưng cho sức mạnh đế chế, cho lẽ phải, lẽ thiện trên đời. Các vua chúa nhà Nguyễn đều có thú vui mang voi (một lực lượng quan trọng trong quân đội thời vua chúa nhà Nguyễn) để đấu với hổ - loài động vật được ví như chúa tể sơn lâm.
Năm 1830, vua Minh Mạng cho xây Hổ Quyền để làm đấu trường sinh tử giữa hai loài động vật là voi và hổ. Đấu trường được vua Minh Mạng xây dựng sau sự việc suýt nữa ông bị một con hổ đang tham gia trận đấu tấn công.
Theo đó, trước khi đấu trường Hổ Quyền xuất hiện thì tất cả các trận đấu giữa voi và hổ đều được tổ chức ở cồn Dã Viên. Trong trận đấu vào năm 1829, khi vua cùng các quan đang ngự trên thuyền để xem thì bất ngờ con hổ tháo được dây trói và lao xuống nước, hướng về phía thuyền của vua.
Nhà vua may mắn thoát nạn vì con hổ đã bị thương khá nặng nên nhanh chóng bị tiêu diệt, nhưng nó cũng đã làm rất nhiều binh lính thương vong. Sau đó một phen khiếp vía, để đảm bảo sự an toàn, vua Minh Mạng đã quyết định xây dựng đấu trường Hổ Quyền.
“Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Coloseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ Quyền”.
Nhà Huế học Phan Thuận An
Nói về đấu trường Hổ Quyền, nhà Huế học Phan Thuận An cho biết, khi nghiên cứu về Hổ quyền, các nhà sử học đã ví von rằng: “Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Coloseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ Quyền”.
“Xét về mặt kiến trúc thì Hổ Quyền không độc đáo nhưng xét về mặt giá trị lịch sử thì không có triều đại nào ở Châu Á có được đấu trường như nước mình, kể cả các nước lớn như Trung Quốc hay Nhật Bản”, một người trông coi di tích Hổ Quyền - Voi Ré đánh giá.
Bên trong đấu trường Hổ Quyền là 4 cánh cửa, sau mỗi cánh cửa là chỗ nhốt voi và hổ trước khi bắt đầu trận đấu. Giữa sân có một vòng tròn nổi bật lên giữa nền cỏ xanh. Không ai biết vòng tròn này có từ bao giờ, chỉ biết nó chưa bao giờ bị phai mờ bất kể thời tiết khắc nghiệt thế nào.
Những trận đấu thiếu công bằng với hổ
Có một thực tế là tại các cuộc đấu sức giữa voi và hổ ở đấu trường Hổ Quyền thì voi luôn luôn giành phần thắng. Vì cuộc chiến giữa voi và hổ ở đấu trường Hổ Quyền là cuộc chiến không có sự công bằng cho hổ.
Để đảm bảo voi luôn thắng trong mọi trận chiến, trước mỗi trận đấu, người ta thường bỏ đói hổ mấy ngày trong khi voi thì được cho ăn uống, chăm sóc đầy đủ. Không dừng lại ở đó, người ta còn bẻ 2 răng nanh và tuốt hết móng chân của hổ. Trong cuộc chiến không cân sức đó, hổ chắc chắn sẽ thất bại.
Lý giải về vấn đề này, cô Vân – một người có 12 năm gắn bó với di tích Hổ Quyền – Voi Ré chia sẻ: “Theo quan niệm thì voi đại diện cho cái thiện, cho sức mạnh của nhà vua. Hổ đại diện cho cái ác, cho quần thần, binh lính và dân chúng. Ác thì không bao giờ thắng được thiện, cũng như vua là thượng tôn và có đầy sức mạnh, cho nên bằng giá nào voi cũng phải thắng hổ”.
Có lẽ chính vì sự thiếu công bằng kể trên mà người đời còn lưu truyền nhiều câu chuyện rùng rợn liên quan đến đấu trường Hổ Quyền.
Trong đó, câu chuyện phổ biến nhất là, dù cuộc đấu giữa voi với hổ tại Hổ Quyền đã kết thúc vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái, nhưng trước năm 1975 hằng đêm, người dân sống gần khu vực Hổ Quyền vẫn nghe tiếng hổ gầm rú như tiếng oán than bi thương từ những cuộc chiến trong quá khứ.
Video: Chuyện lạ ở Nga, dê đen thuần phục hổ dữ
Bình luận