"Đảo Trường Sa, ngày 7/5/1988
“Hôm nay nhân kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nhân Dân Việt Nam… chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được Quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta!”- Xin thề! Xin thề! Xin thề!".
Lời thề chứa đựng hừng hực khí thế quyết tâm bảo vệ phần lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của dân tộc được Đại tướng Lê Đức Anh (lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) đọc trong buổi mít tinh tại đảo Trường Sa Lớn ngày 7/5/1988, chỉ hơn một tháng sau sự kiện Gạc Ma 14/3/1988.
Chia sẻ với VTC News về sự kiện lịch sử này, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Bộ Quốc phòng nhận xét, lời thề giữ biển của Đại tướng Lê Đức Anh năm 1988 không chỉ nói lên quyết tâm to lớn bảo vệ Trường Sa của quân dân Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn thể hiện được tầm nhìn chiến lược của Đại tướng khi đó.
“Sau sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988 thì đến 7/5/1988, Đại tướng Lê Đức Anh ra Trường Sa và đọc lời thề ở Trường Sa Lớn. Điều đó đã nói lên quyết tâm của quân dân Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc bảo vệ Trường Sa.
Một vị Bộ trưởng ra Trường Sa hồi đó còn rất khó khăn, nhưng Đại tướng còn đi ra đảo Trường Sa Lớn để mít tinh, đọc lời thề đã cho thấy một quyết tâm rất lớn.
Tôi nghĩ rằng đó cũng là lời nhắn cho Trung Quốc, anh đã gây ra sự thảm sát rồi, đừng làm gì quá đáng hơn nữa, chúng tôi quyết tâm bảo vệ Trường Sa đến cùng”, Chuẩn Đô đốc Lê Kể Lâm nói.
Sau đó, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục đi kiểm tra Hải quân và đến kiểm tra căn cứ Cam Ranh. Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm được tháp tùng Đại tướng Lê Đức Anh đi từ Hòn Nội, Hòn Ngoại rồi đi kiểm tra bên ngoài Cam Ranh.
Tôi nghĩ rằng đó cũng là lời nhắn cho Trung Quốc, anh đã gây ra sự thảm sát rồi, đừng làm gì quá đáng hơn nữa, chúng tôi quyết tâm bảo vệ Trường Sa đến cùng
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm
“Tôi lúc đó đang là Trưởng phòng tác chiến, cùng Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đi tháp tùng Bộ trưởng. Với Hải quân, với quan điểm bảo vệ đất nước, Đại tướng cũng quan tâm đến các đảo gần bờ.
Tôi có nhớ Đại tướng trao đổi với tôi: “Bây giờ phòng thủ ở Cam Ranh theo đồng chí thì nên như thế nào?”. Tôi đáp: “Hiện giờ như Hòn Tre ta có thể có một vị trí đặt pháo tầm xa hoặc tên lửa bờ ở đó. Ở phía nam, trước đảo Bình Ba cũng phải tính chuyện phòng thủ, phải đặt những trạm quan sát, tiếng động để phát hiện tàu ngầm, chống tập kích của tàu ngầm đối phương vào Cam Ranh”.
Nghe trao đổi như vậy Đại tướng rất tâm đắc, nói với tôi: “Đúng, đúng... nếu chúng ta có khả năng xây dựng được những cơ sở pháo tầm xa rồi tên lửa bờ ở Hòn Tre, rồi trạm quan sát với đảo Ba Bình thì có thể bảo vệ Cam Ranh”.
Rồi dọc bờ biển, Đại tướng bảo rằng phải đề phòng địch đổ bộ trực tiếp vào bãi ngang và cho ý kiến lực lượng phòng thủ phải như thế nào.
Tôi nghĩ Đại tướng là một Bộ trưởng Quốc phòng quan tâm rất toàn diện. Đặc biệt là với Hải quân, việc xuống đi thị sát Cam Ranh để có những quyết sách, thể hiện Đại tướng là một trong những Bộ trưởng rất sâu sát”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm kể.
Nói thêm về thời kỳ quan hệ căng thẳng với Trung Quốc khi đó, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nhận xét, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã thể hiện tầm nhìn đối với chiến lược của Quốc gia lâu dài.
“Tôi nhớ chuyện chủ trương bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Đại tướng đã có suy nghĩ từ năm 1986-1987.
Đại tướng đã lấy ý kiến của các Trưởng phòng tác chiến ở các quân khu, các quân binh chủng góp ý để giải quyết xung đột biên giới kéo dài liên miên từ năm 1979 đến 1986.
Hồi đó ngày nào họ cũng bắn sang ta hàng ngàn quả pháo cối, ta bắn sang họ vài trăm quả, cứ như vậy dai dẳng nhiều năm. Trung Quốc tập kích ở Vị Xuyên, là mặt trận nóng bỏng hồi đó. Đến giữa năm 1986, Đại tướng cho họp các Trưởng phòng tác chiến các quân khu, quân binh chủng và đề đạt ý kiến làm thế nào giải quyết các xung đột đó.
Hội nghị tác chiến lúc đó cũng kiến nghị ta phải chủ động không bắn, sau đó Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đồng ý không bắn, ta không bắn được nửa năm thì Trung Quốc giảm dần và đến cuối năm 1986 là thôi không còn bắn nhau nữa, cứ như vậy quan hệ được cải thiện dần.
Có thể thấy Đại tướng Lê Đức Anh đã có những cống hiến lớn cho đất nước cũng như quân đội”, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm chia sẻ.
Bình luận