Minh mẫn ở tuổi 92
Hai tuần trước ngày sinh nhật ông (ông sinh ngày 1/12/1920) chúng tôi tới thăm và chúc thọ ông. Bởi chúng tôi hiểu chúng tôi sẽ không có cơ hội ấy nếu đến với ông đúng vào ngày sinh nhật. Dịp ấy là dành cho các nhà lãnh đạo cấp cao của đất nước, cho đoàn đại biểu các ngành, các cấp đến thăm hỏi, chúc tụng ông.
Ông bà ở trên tầng hai của khu nhà quân đội ở số 5, Hoàng Diệu. Căn phòng hết sức đơn sơ, mang dáng dấp của một sĩ quan quân đội thời chiến. Ông ngồi bên chiếc bàn gỗ cũ; trước mặt là cuốn sổ ghi chép đã úa màu vàng của thời gian. Chiếc bút bi cũ nằm trên trang ông đang ghi chép dở. Ông gạch chân tên của đồng chí chỉ huy con tầu không số và hàng loạt các con số. Hai ngày trước đó VTV truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 50 năm Đoàn Tàu không số.
Ông bắt tay chúng tôi, nở nụ cười hiền lành. Nhìn ông không ai có thể nghĩ rằng đó là một vị tướng tài ba, một nguyên thủ quốc gia có tầm nhìn chiến lược sâu sắc. Ông chỉ chiếc ghế và bảo bà ngồi bên cạnh mình. Ông kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng ông cùng đồng đội của mình làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia xoá bỏ thảm hoạ diệt chủng; những hoạt động đối ngoại sôi động một thời trong quan hệ với các nước lớn ở thời điểm cực kỳ nhạy cảm của nền ngoại giao Việt Nam. Rồi ông nói về việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc… Ông nói vẫn khó khăn, mặc dù những đánh giá, nhận xét của ông vẫn rất sắc sảo và đầy trí tuệ. Việc nói năng khó khăn là di chứng của những lần bạo bệnh.
Năm 1997, sau hai lần ông bị xuất huyết não, thầy thuốc nói với gia đình: “Nếu thuốc thang tốt, ông có thể sống được 5 năm nữa”. Mười lăm năm đã trôi qua, sinh nhật lần này, ai đến thăm cũng có nhận xét ông trông khỏe ra nhiều, giọng nói cũng dễ nghe hơn (do ảnh hưởng của xuất huyết não, ông bị biến đổi giọng nói) và đi lại nhanh nhẹn hơn nhiều so với năm trước. Đó thực sự là một kỳ tích về ý chí, sự rèn luyện và giữ gìn trong chế độ ăn uống của ông.
Bà bảo ông dậy vào lúc 6 giờ sáng, tập luyện một tiếng đồng hồ, 7 giờ ăn sáng. Bữa cơm trưa và chiều đều đặn một ly rượu nhẹ, thức ăn không nhiều thịt mà chủ yếu là cá và rau. Món ông thích nhất là cá kho kiểu Huế. Hầu như rất ít khi ông đi ngủ sau 9 giờ tối và thường là “ngủ rất ngon, rất thanh thản”. Tất nhiên, với một người đã từng giữ nhiều trọng trách và chưa lúc nào thôi quan tâm đến đất nước như ông, rèn luyện được điều đó cũng là một kỳ tích.
Trên hết ông là một “nhân tướng”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến chúc mừng Đại tướng thọ 82 tuổi
Năm 1991, khi còn là phóng viên báo Quân đội nhân dân, trong một chuyến công tác ở miền Đông Nam Bộ, tình cờ trong một lần ‘trà dư tửu hậu” với một số cựu binh từng là thuộc cấp của Đại tướng Lê Đức Anh ở Quân khu 9 (Lúc này Đại tướng Lê Đức Anh vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng). Khi kể chuyện về ông một cựu sĩ quan tác chiến từng tháp tùng ông trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh đã đưa một nhận xét khá độc đáo làm không ít người ngỡ ngàng: “Trên chiến trường chúng ta chiến thắng được kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần ngoài binh lực là chúng ta có những vị tướng tài ba. Nhưng có nét đặc biệt nữa là tướng Việt Nam là Nhân, chữ nhân phải được đặt lên hàng đầu. Lê Lợi không có nhân tâm thì làm sao khi giặc đánh đến nơi Lê Lai - một người Mường, lại có thể liều mình cứu chúa được.
Để chứng minh cái lý của mình ông kể rằng đầu năm 1973, khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ngoan cố không thi hành Hiệp định Pari, lệnh cho Quân đoàn 4 nguỵ tiếp tục bình định lấn chiếm. Đây là giai đoạn cực kỳ gian nan. Quân đoàn 4 của địch lợi dụng bối cảnh các khu khác không “chia lửa”cùng Quân khu 9, tập trung nhiều tiểu đoàn để giữ Chương Thiện (là một tỉnh do Nguỵ quyền Sài Gòn lập ra năm 1961 được tách ra từ Ba Xuyên, Kiên Giang và Phong Dinh. Sau năm 1975 Chương Thiện được nhập với Phong Dinh thành tỉnh Hậu Giang), làm bàn đạp mở rộng, tái bình định các vùng đất đã mất. Anh Sáu Nam (tức Lê Đức Anh-NV), Tư lệnh Quân khu đã có những đối sách cực kỳ sáng suốt để gìm địch và tiêu diệt chúng. Điều đáng nói là mọi quyết định của anh đều được cân nhắc rất thận trọng đến yếu tố làm thế nào để ta ít mất mát, thương vong nhất có thể. Vì vậy, có trận cơ quan tham mưu cấp trên nhất trí đánh ở hướng này, nhưng riêng anh thì không, kiên quyết rút bỏ để đón đánh địch ở hướng khác. Có lần tôi hỏi: Làm thế anh không sợ cấp trên biết sẽ kỷ luật sao?”. Anh bảo, ai mà chẳng sợ “quân lệnh như sơn mà”. Nhưng cậu đừng quên tướng ngoài biên ải có quyền hành động. Đánh địch ở nơi chúng không ngờ mới chắc thắng, mới bớt tổn hao máu xương chiến sĩ. Nói thật với cậu, điều mà tớ sợ nhất là nước mắt của những bà mẹ mất con. Cậu có con trai, tớ cũng có con trai, chúng nó đang ở độ tuổi ăn, tuổi lớn mà lại đi trao vào tay những “vị tướng” nướng quân thì đau xót lắm”. Đây là những lời tâm sự của anh giữa đại ngàn, giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, chứ không phải nói với nhà báo các anh đâu. Rồi ông kết luận: “Anh Lê Đức Anh là một vị tướng trí dũng song toàn nhưng trước hết anh là một «Nhân tướng».
Thú thật câu chuyện của vị cựu sĩ quan này đã ảnh hướng rất nhiều đến cái nhìn của tôi sau này về ông Lê Đức Anh. Trong hơn 20 năm làm báo chuyên nghiệp của mình đã không ít lần tôi cố gắng tiếp cận ông, cả trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng lẫn Chủ tịch nước để được trò chuyện cùng ông, để tìm ra cái “Nhân tướng” từ ông. Ông là người cởi mở, giản dị, trong cách nói không thích dùng các từ hoa mỹ và rất chân tình, đôi khi làm người đối thoại quên mất mình đang đứng trước một vị Đại tướng đầy quyền lực. Không hiểu sao tôi luôn có cảm giác rằng ông là người không hề ý thức được rằng mình đầy quyền uy, rằng mục đích của cuộc đời ông không phải là để trở thành Đại tướng hay nguyên thủ quốc gia.
Ở bất cứ cương vị nào, những việc làm của ông, tôi không dám phán xét đúng sai, nhưng có điều tôi dám chắc rằng, những việc làm ấy đều mang tính nhân văn cao, hay như cách nói của vị cựu sĩ quan tác chiến quân khu 9, là hành động của một Nhân tướng.
Ai cũng biết một trong những việc lớn thử thách bản lĩnh của ông ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng là giảm một nửa số quân nhân tại chức để giảm nguồn chi cho Quốc phòng. Nhưng không phải ai cũng biết, trong thời gian ông làm Bộ trưởng quốc phòng, ngoài những việc về vấn đề chiến lược quốc phòng mà tôi không dám lạm bàn, có một việc ông làm mà tôi nghĩ được nhiều quân nhân đánh giá cao, nếu không nói là biết ơn. Đó là việc chia đất cho sĩ quan quân đội, những người hầu như không có gì cả sau khi các cuộc chiến kết thúc. Cuộc sống của họ rõ ràng có sự thay đổi, có “nơi ăn, chốn ở”.
Ở mọi lúc, mọi nơi cách cư xử của ông luôn là như vậy. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng kể lại rằng: “Có một kỷ niệm khó quên có phần riêng tư giữa tôi và anh Sáu Nam. Năm 1972, đó là lúc động viên thanh niên vào quân chủ lực của Khu (đang lúc rất thiếu quân số), huy động cả thanh niên trong các cơ quan cấp Khu (trong vùng kiểm soát của ta gần như không còn thanh niên). Võ Dũng, con trai lớn của tôi, từ miền Bắc xin được về cùng tôi xuống Khu 9. Dũng đang công tác trong lực lượng bảo vệ, cũng hưởng ứng và tha thiết xin ra chủ lực Khu, tôi chấp thuận. Sau đó, anh Sáu Nam được tin, anh ra lệnh hoả tốc cho Trung đoàn đưa cháu về ngay Quân khu bộ (ý định cho Võ Dũng học pháo binh). Nhưng lệnh đến đơn vị thì cháu Dũng đã hy sinh trong một trận chiến đấu. Anh gửi thư chia buồn và cứ trách tôi mãi là không cho anh biết trước”.
Thậm chí trong những vấn đề ông được nhận xét là nghiêng về phía “chắc” và “cứng” trong chủ trương và giải pháp thì tình nhân văn vẫn nổi lên. Ngay sau chiến tranh, có không ít người Việt Nam, nhất là ở nước ngoài quay lưng lại với lợi ích dân tộc, ông vẫn bảo: “Bất kỳ người Việt Nam đang mang quốc tịch nào cũng nên hướng về Tổ quốc, cùng chăm lo xây dựng đất nước giàu mạnh để Việt Nam sớm sánh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới. Còn với một số ít người không chỉ ở ngoài nước mà ngay cả trong nước đang quay lưng lại với toàn dân; thì ta coi như những người con của Bà Mẹ Việt Nam. Ta coi như Mẹ Việt Nam có một ít người con hờn dỗi, vùng vằng quậy phá thì Người Mẹ không bao giờ ruồng bỏ con của mình mà chỉ khuyên bảo ân tình. Và tôi tin rằng với đức tính bao dung vốn có của Người Mẹ thì những đứa con này sẽ không nỡ lòng từ bỏ Người Mẹ của mình”.
Vâng, trong tôi, Đại tướng Lê Đức Anh là như vậy!
Lê Thọ Bình
Bình luận