(VTC News) – Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2014 hoạt động tư pháp còn nhiều bất cập, đặc biệt, số lượng cán bộ thi hành án dân sự vi phạm kỷ luật có dấu hiệu gia tăng.
Sáng nay, 15/1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2015.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương đã rà soát hơn 100.000 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), bước đầu kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới 282 văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội nghị. |
Công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được triển khai. Năm 2014, các Bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ trì xây dựng để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1.000 văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 25 dự án luật, 1 pháp lệnh, cho ý kiến 9 dự án khác. HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ở cấp tỉnh) đã ban hành trên 3.500 VBQPPL.
Các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện kiểm tra gần 50.000 VBQPPL, bước đầu phát hiện 1.554 VBQPPL có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản.
Việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) về cơ bản đã hoàn thành. Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch triển khai thực hiện Luật XLVPHC, qua đó góp phần đưa luật đi vào cuôc sống.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành luật trực thuộc Bộ Tư pháp, giúp Bộ trưởng Bộ tư pháp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thi hành luật về XLVPHC, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước.
Trong lĩnh vực hộ tịch, Quốc hội thông qua Luật hộ tịch – văn bản đầu tiên ở tầm luật điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch. Trong đó có nhiều cải cách quan trọng, tạo cơ sở pháp lý và nền tảng cho định hướng phát triển công tác này, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Theo đó, việc triển khai thi hành Hiến pháp còn thiếu đồng bộ, một số hoạt động chưa đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng. Ngành tư pháp chưa có giải pháp khắc phục cơ bản tình trạng hệ thống luật pháp còn phức tạp, nhiều tầng nấc; hiệu quả thi hành pháp luật chưa cao, chậm đi vào cuộc sống.
Kết quả thi hành án dân sự về tiền chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, số án chuyển kỳ sau kỳ sau vẫn còn còn nhiều. Đáng chú ý, số lượng cán bộ thi hành án dân sự phi phạm kỷ luật có dấu hiệu gia tăng.
Quản lý nhà nước trên mội số lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực còn chậm được đổi mới. Bộ tư pháp cũng thừa nhận, thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn rườm rà, chi phí tuân thủ lớn, việc thực thi chưa nghiêm…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận những đóng góp của ngành tư pháp. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ngành tư pháp rút kinh nghiệm, khắc phục những điểm còn yếu kém trong năm qua
“Tôi ghi nhận sự nỗ lực, tận tụy, các cấp các ngành, cán bộ công chức, ngành tư pháp. Tôi rất mừng vì các đồng chí đã chỉ ra được những tồn tại, yếu kém của ngành tư pháp trên các mặt công tác từ Trung ương tới địa phương. Tôi hy vọng thời gian tới ngành tư pháp sẽ rút ra kinh nghiệm, khắc phục được những yếu kém đã chỉ ra,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Minh Quyết
Bình luận