(VTC News) – Khi rời khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, ông Phạm Hữu Phú giúp tổng tài sản của ngân hàng này tăng 9.300 tỷ đồng.
Người của Eximbank
Ông Phạm Hữu Phú sinh năm 1959. Ông có bằng cử nhân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Kể từ khi tốt nghiệp đại học, ông đã trải qua rất nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao ở một số công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chứng khoán, tàu biển tới ngân hàng.
Ông Phú từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Chứng khoán Rồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu; Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Bất động sản Eximland, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Bất động sản Đất Thành, thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Cung ứng Tàu biển, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long,…
Ông Phạm Hữu Phú chính thức rời Sacombank |
Trải qua nhiều cương vị lãnh đạo nhưng có lẽ ông Phú được biết đến nhiều nhất kể từ khi ngồi vào ghế Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank. Ở Eximbank, danh hiệu “ngôi sao sáng nhất” chắc hẳn thuộc về ông Lê Hùng Dũng vì vị Chủ tịch này hoạt động rất năng nổ trong ngành bóng đá, lĩnh vực dễ “nổi tiếng” nhất. Dù vậy, ông Phú cũng không hề lép vế trước người đứng đầu ngân hàng Eximbank.
Ông Phú dành rất nhiều thời gian và công sức cho Eximbank. Có lẽ nếu sự cố không dồn dập xảy đến với Sacombank vào giữa năm 2012, có lẽ nhiều năm qua, ông Phú vẫn gắn bó với Eximbank. Tuy nhiên, sau sự cố bầu Kiên, nhiều sếp lớn ngân hàng “gặp hạn”.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank lúc đó dính phải tin đồn bị bắt. Trên thực tế, ông Thành chỉ phải làm việc với cơ quan điều tra. Thế nhưng, dù “thoát hiểm”, ông Thành vẫn chủ động rời khỏi chiếc ghế cao nhất tại Sacombank.
Nhân sự cao cấp tại Sacombank gặp xáo trộn mạnh. Là cổ đông lớn nhất của Sacombank với tỷ lệ 10,3%, Eximbank tất nhiên phải tìm cách dàn xếp sao cho mọi việc ổn thỏa nhất có thể. Và cách Eximbank chọn chính là cử “người của mình” sang lãnh đạo Sacombank, ngân hàng đang đối diện với nhiều biến động.
Và người được chọn không phải ai khác chính là ông Phạm Hữu Phú. Ông Phú được Eximbank cử sang Sacombank làm đại diện phần vốn sở hữu, được bầu vào Hội đồng Quản trị Sacombank vào ngày 26/5/2012 và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank từ ngày 2/11/2012.
Lại về với Eximbank
Nắm giữ chức vụ cao nhất tại Sacombank, ông Phú luôn tỏ rõ quan điểm muốn hai ngân hàng này sớm trở thành “người một nhà”. Khi Ngân hàng Nhà nước công bố đề án tái cấu trúc ngành ngân hàng, ông Phú cho biết Sacombank có kế hoạch hợp nhất hai ngân hàng Sacombank và Eximbank. Ông Phú đánh giá đây là việc làm phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay, theo hướng giảm số lượng để tăng cường sức mạnh tài chính của các ngân hàng.
Tuy nhiên, kế hoạch này không thể trở thành sự thực như mong muốn của ông Phú. Sacombank muốn sáp nhập với “họ hàng gần” Southern Bank hơn là “kết hôn” với Eximbank. Chẳng bao lâu sau khi quyết định này được công bố, ông Phú tuyên bố “rũ áo ra đi”.
Đầu tháng 3 năm nay, ông Phú đã chia sẻ quyết định “trở về mái nhà xưa” Eximbank. Chính vì vậy, trong ngày 24/3, văn bản công bố ông Phú từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank không khiến dư luận bất ngờ. Trong văn bản này, lý do ông Phú từ nhiệm được nêu là “vì lý do cá nhân”.
Tuy nhiên, trước đó, ông Phú đã giải thích khá kỹ càng nguyên nhân ông rời khỏi Sacombank. Đó là Eximbank thiếu nhân sự cấp cao. Trên ĐTCK, ông Phú cho biết từ đầu nhiệm kỳ hiện hành, Hội đồng quản trị Eximbank có 11 người, qua thời gian biến động nay chỉ còn 7 người. Theo điều lệ của Eximbank, trong vòng 60 ngày phải bầu bổ sung cho đủ số người.
“Vừa qua Hội đồng quản trị Eximbank nhận thấy tình hình ở Sacombank đã ổn định và Eximbank cũng cần bổ sung thêm nhân sự, nên đại diện Eximbank đã qua đây trao đổi với Sacombank, với tôi về việc tôi không còn biệt phái sang Sacombank nữa” – Ông Phú cho hay.
Làm được gì cho Sacombank?
Kể từ khi nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, ông Phạm Hữu Phú góp phần không nhỏ giúp ngân hàng này lấy lại được vị thế vững chắc trên đường đua dù thời điểm đó, ngành ngân hàng vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Quý 4/2012, thời điểm ông bắt đầu ngồi ở cương vị cao nhất tại Sacombank, ngân hàng này lỗ tới hơn 871 tỷ đồng. Hai quý trước đó, Sacombank chỉ lãi 366 tỷ đồng và 411 tỷ đồng. Sau 1 quý ông Phú chèo lái, Sacombank thoát lỗ và đạt được khoản lợi nhuận sau thuế gần 676 tỷ đồng.
Sau 1 năm cầm quyền, ông Phú đưa lợi nhuận sau thuế của Sacombank tăng gấp 2 lần so với năm 2012 và đạt 2.229 tỷ đồng, tổng tài sản tăng hơn 9.300 tỷ đồng lên 161.377,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu cũng tăng nhẹ.
Trước khi “chia tay” Sacombank, ông Phú cũng đã để lại “món quà” không nhỏ cho ngân hàng này. Đó là lợi nhuận sau thuế quý 1/2014 ước đạt 750 tỷ đồng, tăng 180 tỷ đồng, tương ứng 31,3% so với quý 4/2013.
Bảo Linh
Bình luận