Bùng phát COVID-19 ở Campuchia: Bảo vệ nhận tiền đút lót để dân rời khu cách ly

Tư liệuThứ Ba, 23/02/2021 12:09:00 +07:00
(VTC News) -

Hành động nhận tiền của bảo vệ để dân rời khu cách ly trước thời hạn hay cảnh sát tiếp tay cho người nhập cư bất hợp pháp khiến dịch COVID-19 bùng phát ở Campuchia.

Campuchia đang cố gắng kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Đợt bùng phát dịch mới ở Campuchia được phát hiện hôm 20/2. Tính đến 22/3, có 76 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được phát hiện, những trường hợp nhiễm mới chủ yếu là của công dân Trung Quốc ở thủ đô Phnom Penh. Con số này được dự báo ​​sẽ tăng trong thời gian tới.

Giới chức Campuchia đã phong tỏa khoảng 20 điểm nóng xung quanh thành phố Phnom Penh, đóng cửa một số trường học và thiết lập "lệnh cấm" đối với các hoạt động thể thao. Campuchia cũng đã ra lệnh đóng cửa các tụ điểm giải trí, với tâm chấn của đợt bùng phát được xác định là một hộp đêm.

Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát, hôm 20/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết tình hình "rất tồi tệ", đồng thời ông hy vọng đợt bùng phát mới này có thể được kiểm soát.

Bùng phát COVID-19 ở Campuchia: Bảo vệ nhận tiền đút lót để dân rời khu cách ly - 1

 Thủ tướng Campuchia Hun Sen hy vọng đợt bùng phát dịch COVID-19 mới sẽ được kiểm soát. (Ảnh: AP)

Campuchia - quốc gia có 15,5 triệu dân, được quốc tế công nhận về khả năng xử lý đại dịch COVID-19. Đến nay, Campuchia ghi nhận 568 trường hợp nhiễm bệnh, trong khi chưa có người chết vì virus SARS-CoV-2 ở nước này. Đầu tháng này, Campuchia bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 của Sinopharm, do Bắc Kinh tài trợ.

Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, đợt bùng phát mới đây nhất phản ánh bê bối, tình trạng nhận tiền của các quan các quan chức Campuchia khi để cho người nghi nhiễm rời khỏi khu cách ly sớm. Điều này đe dọa, ảnh hưởng đến câu chuyện thành công trong chống dịch COVID-19 của nước này.

Theo Khmer Times, đợt bùng phát mới đây liên quan đến 4 công dân Trung Quốc bị cáo buộc hối lộ 2 nhân viên an ninh để rời khỏi khu cách ly khách sạn trước khi kết thúc thời gian cách ly 14 ngày. Nhiều nhân viên bảo vệ đã bị bắt giữ liên quan đến vụ việc này.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc chạy trốn khỏi khu cách ly ở Campuchia trước thời hạn. Sau nhiều trường hợp bỏ trốn khỏi khu cách ly, giới chức nước này gần đây đã tăng mức phạt đối với những người trốn tránh cách ly, cũng như bất kỳ ai bị phát hiện đã giúp họ trốn.

Nhà vận động chống tham nhũng của Campuchia, San Chey đổ lỗi cho việc giám sát yếu kém, điều mà ông cho là nguy hiểm trong thời kỳ đại dịch. “Việc giám sát kém có liên quan đến tham nhũng”, San Chey cho hay.

Trước đó, một đợt bùng phát COVID-19 cũng đã xảy ra sau vụ bê bối tham nhũng liên quan đến cảnh sát trưởng địa phương gần biên giới Campuchia với Thái Lan. Viên cảnh sát trưởng này đã bị sa thải, đối mặt với cáo buộc hỗ trợ đưa người vượt biên bất hợp pháp.

Trước khi dịch bùng phát ở thủ đô Phnom Penh, lao động nhập cư trở về từ Thái Lan là nguồn lây nhiễm lớn nhất đối với Campuchia. Thủ tướng Hun Sen cho rằng, hành động hỗ trợ, đưa người vượt biên bất hợp pháp là không thể tha thứ.

Việc Campuchia đóng cửa biên giới khiến cho những người có nhu cầu về nước tìm kiếm các nhà môi giới để đưa họ trốn về nước. Nikkei Asia viện dẫn trường hợp một công nhân nhập cư tên Lay, 27 tuổi, cho biết anh đã trả khoảng 100 USD để vào lại Campuchia sau khi nhà máy nơi anh làm việc ở Thái Lan đóng cửa vào tháng 12 năm ngoái.

"Tôi đã đi qua một trạm kiểm soát bất hợp pháp. Tôi phải trả rất nhiều tiền, gấp 10 lần so với bình thường... Người môi giới nói, chúng tôi phải đi một con đường khác, và phải trả chi phí cho cảnh sát”, Nikkei Asia dẫn lời công nhân nhập cư tên Lay cho hay.

Theo chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), tình trạng “tham nhũng vặt” phổ biến ở Campuchia. Nước này được xếp hạng trong số các quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới.

Pech Pisey, Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Campuchia, cho biết hậu quả của tham nhũng ngày càng nghiêm trọng hơn do đại dịch COVID-19.

“Các vụ việc liên quan đến sĩ quan cảnh sát ở biên giới và nhân viên bảo vệ tại khách sạn đã tái khẳng định, nạn tham nhũng và hối lộ có thể gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Hậu quả là rất lớn, điều này ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế hàng ngày của những người dân bình thường", Pech Pisey nói,

Kông Anh(Nguồn: Nikkei Asia)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp