Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể phê chuẩn thuốc uống điều trị COVID-19 tại nhà đầu tiên ngay trong tuần này.
Nhóm cố vấn độc lập của FDA tuần trước đã bỏ phiếu ủng hộ phê duyệt thuốc kháng virus Molnupiravir nhưng với tỉ lệ sát sao 13 phiếu thuận và 10 phiếu chống, sau khi có những lo ngại về tỉ lệ hiệu quả thấp và rủi ro tiềm ẩn đối với thai phụ. Sự xuất hiện của Omicron càng khiến vấn đề phức tạp hơn.
Theo báo Politico, FDA nhiều khả năng xác định những đối tượng "rủi ro cao" cần được cung cấp Molnupiravir khi nhiễm COVID-19. Khi đó, theo chuyên gia y tế công Leana Wen của Trường ĐH George Washington (Mỹ), nhóm đủ điều kiện sử dụng sản phẩm do hãng dược Merck (Mỹ) bào chế sẽ "khá hạn chế".
Chưa kể, những người đủ điều kiện còn phải trải qua nhiều giai đoạn khác - gồm biểu hiện triệu chứng, xét nghiệm dương tính, đến gặp bác sĩ để được kê toa và tìm hiệu thuốc mua Molnupiravir.
Tất cả phải diễn ra trong thời gian ngắn bởi để đạt được hiệu quả tối ưu, bệnh nhân COVID-19 cần sử dụng Molnupiravir trong vòng 5 ngày kể từ ngày đầu tiên biểu hiện triệu chứng. Nếu được kết hợp hiệu quả với vắc-xin và những biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, thuốc kháng virus của Merck có thể giảm bớt gánh nặng lên hệ thống y tế.
Một câu hỏi quan trọng lúc này là liệu Omicron có làm giảm hiệu quả của các loại thuốc kháng virus đang chờ cấp phép như Molnupiravir hay không?
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Carlos del Rio của Trường ĐH Y khoa Emory (Mỹ), các loại thuốc như Molnupiravir nhiều khả năng vẫn phát huy tác dụng trước Omicron nhờ cơ chế ngăn virus tái tạo. Dù vậy, ông nhấn mạnh cần thêm dữ liệu lâm sàng để kết luận chính xác.
Sau khi tuyên bố thuốc Paxlovid đạt hiệu quả 89% trong việc giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong vì COVID-19, Pfizer tháng rồi cũng đã đề nghị FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho sản phẩm của họ.
Nhằm ngăn chặn rủi ro liên quan đến Omicron, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tuần rồi thông báo kể từ ngày 6-12, mọi hành khách quốc tế đến Mỹ phải cung cấp kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 1 ngày trước khi khởi hành.
Mỹ siết chặt quy định xét nghiệm và giám sát sau khi phát hiện thêm 3 ca nhiễm Omicron tại New York vào ngày 4-12, nâng tổng số người nhiễm liên quan biến thể mới tại bang này lên 8 ca. Số ca nhiễm Omicron tại Mỹ nhiều khả năng gia tăng bởi khoảng 15 người đã cho kết quả dương tính với COVID-19 sau khi tiếp xúc gần với 1 ca nhiễm Omicron tại lễ hội hóa trang ở New York, diễn ra từ ngày 19 đến 21-11 với sự tham gia của khoảng 53.000 người từ khắp cả nước.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo cho biết Nhật Bản đã bổ sung người đến từ Ấn Độ, Hy Lạp, Romania và 4 bang của Mỹ vào danh sách cách ly nghiêm ngặt để ngăn chặn Omicron.
Cụ thể, từ ngày 5-12, công dân Nhật Bản lẫn hành khách quốc tế nhập cảnh nước này từ 3 quốc gia nêu trên cùng các bang Colorado, Hawaii, Minnesota và New York của Mỹ sẽ phải cách ly 14 ngày, trong đó có 3 ngày bắt buộc tại các địa điểm do chính phủ chỉ định.
Dù vậy, không ít chuyên gia cho rằng lệnh hạn chế di chuyển quốc tế khó ngăn được Omicron lây lan. Theo nhà dịch tễ học người Canada John Brownstein, thay vào đó, Mỹ cùng các quốc gia giàu có phải hỗ trợ tiêm phòng COVID-19 cho toàn thế giới.
Nguy cơ mới từ SARS-CoV-2
Nhiều loài động vật - bao gồm sống hoang dã, nuôi nhốt trong sở thú và nuôi trong gia đình - được xác nhận mắc COVID-19, chứng tỏ có sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giữa các loài. Đây là điều hiếm xảy ra đối với hầu hết các virus khác. Ngoài ra, còn có nguy cơ xuất hiện các biến thể SARS-CoV-2 mới sau khi các loài động vật bị lây virus này từ con người.
Hãng tin ANI ngày 5-12 cho biết một nhóm liên ngành tại Trường ĐH Thú y và Khoa học Y sinh (Mỹ) đã phân tích một cách hệ thống những vấn đề nêu trên bằng cách nghiên cứu các dạng đột biến của SARS-CoV-2 trên mèo, chó, chồn và chuột hamster. Kết quả nghiên cứu này được công bố gần đây trên PNAS, tạp chí chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ. Một tác giả nghiên cứu là Erick Gagne, thuộc trường ĐH Pennsylvania (Mỹ), cho biết: "Con người tiếp xúc với nhiều loài động vật khác nhau, khiến SARS-CoV-2 có cơ hội lây sang nhiều loài khác nhau".
Nhóm nghiên cứu tiếp tục tập trung vào các động vật họ mèo, bao gồm hổ, sư tử, báo tuyết..., vì chúng dễ mắc COVID-19 từ người hơn và có thể tạo ra các biến thể virus mới cũng như lây lan sang đồng loại. Hiện chưa có bằng chứng mèo lây ngược COVID-19 cho con người.
Bình luận