Tại một sự kiện mai mối có sự tham gia của hơn 4.000 người độc thân ở miền Đông Trung Quốc vào đầu tháng này, thông tin chi tiết và sở thích hẹn hò của những người tham gia được hiển thị công khai, trong đó nhiều nam giới tìm kiếm phụ nữ không có em trai ruột, theo Jimu News.
Lời giới thiệu của một người đàn ông sinh năm 1990 tại sự kiện ở tỉnh Sơn Đông cho biết anh ta muốn có một người bạn gái có công việc ổn định, có ô tô và sở hữu một căn hộ, và không được có em trai. Một người đàn ông khác, sinh năm 1998, quê Tế Nam, đang tìm kiếm một người vợ tương lai dịu dàng và ân cần, cùng với “tốt hơn là cô ấy không có em trai”.
Trong số các yêu cầu của hàng nghìn ứng viên độc thân tại sự kiện mai mối ở Sơn Đông có hồ sơ của những người đàn ông nói rằng họ muốn một người phụ nữ không có em trai.
Nhiều phụ nữ độc thân cũng nhận thức được ý muốn ngày càng tăng này của những người đàn ông và bắt đầu nói rõ việc họ có hay không có em trai. Bảng thông tin cá nhân của một phụ nữ 27 tuổi cho biết, "mặc dù" cô có một em trai nhưng người này đang là sinh viên của một trường đại học hàng đầu và học hành rất tốt.
“Hơn nữa, tôi sẽ không trở thành một fu di mo”, phần giới thiệu của người phụ nữ cho biết. Đây là một thuật ngữ mới xuất hiện ở Trung Quốc đại lục, có nghĩa đen là “quái vật hỗ trợ em trai” ám chỉ những người phụ nữ làm quá nhiều việc cho em trai của mình.
Nhiều phụ nữ bị cha mẹ buộc phải hỗ trợ tài chính cho anh em trai vì văn hóa truyền thống của Trung Quốc coi trọng nam giới. Zhang Fuhui, chuyên gia tư vấn của Viện Tư vấn Tâm lý Tương lai Sơn Đông, cho biết việc đàn ông khăng khăng bạn đời tương lai không có em trai là điều đáng chú ý. Zhang nói: “Họ có ý tưởng này vì sợ vợ tương lai sẽ chỉ đóng góp cho em trai mà bỏ qua lợi ích của gia đình mới".
Chuyên gia cũng cho biết nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc nuôi dạy con gái phải có trách nhiệm với em trai của họ. “Từ nhỏ, các bậc cha mẹ đã thấm nhuần tư tưởng rằng là chị thì phải giúp đỡ em. Kết quả là, nhiều phụ nữ phải sống cuộc sống hy sinh vì em trai của họ”, Zhang nói.
Sự kiện mai mối ở Sơn Đông làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận trực tuyến ở Trung Quốc sau khi xuất hiện trên tin tức. “Vấn đề không phải là bạn có em trai không, mà là bạn có là fu di mo hay không”, một người nói trên Douyin. “Hiện tượng xã hội biến dạng này bắt nguồn từ một xã hội biến dạng", một người khác bình luận.
“Tôi có một người họ hàng là em trai, cậu ấy đưa ra tiêu chí này khi tìm bạn gái, nói rằng cô ấy không nên có em trai. Thật buồn cười!" - một người khác nói.
Tuy nhiên, một người đàn ông bình luận: “Tôi là con một. Tôi ghen tị với những người có anh chị em ruột. Tôi không phiền nếu bạn gái hoặc vợ của tôi có em trai. Giúp đỡ em trai không phải là một vấn đề lớn".
Bình luận