BSCKI Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3 đưa ra những lợi ích không ngờ nếu như bạn chăm chỉ ăn rau củ hàng ngày với cách chế phù hợp.
1. Axit folic (Vitamin B9)
Theo BSCKI Nguyễn Trần Như Thủy, acid folic có nhiều trong các loại rau như: củ dền, măng tây, bông cải xanh, cải mầm Brussels, rau diếp cá, các loại xà lách… Axit folic là vi chất quan trọng với cơ thể nên được bổ sung đầy đủ trong khẩu phần ăn, đặc biệt với phụ nữ mang thai nhu cầu bổ sung gấp 4 lần người trưởng thành bình thường.
Một số nghiên cứu gần đây chứng minh vitamin B9 tác dụng cải thiện lớn về chức năng bộ nhớ, cải thiện việc giảm thính lực cao hơn theo thời gian so với nhóm giả dược khi về già.
2. Canxi
Canxi có nhiều trong các loại rau màu xanh như rau dền cơm, rau cần ta, rau ngót, rau muống, rau lang, cải bó xôi, đậu rồng, bông cải xanh, cải thìa.
Theo bác sĩ Thuỷ, canxi có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành xương cho trẻ em, củng cố sức khỏe xương cho thai phụ và người cao tuổi. Nhu cầu canxi thay đổi theo từng giai đoạn sống.
Thiếu hụt canxi có thể dẫn đến tình trạng tê chân, mệt mỏi, mất ngủ, dễ bị đau lưng, mỏi vai, đau khớp.
3. Beta-carotene
Beta caroten có nhiều trong các rau như cà rốt, bí đỏ, ớt chuông vàng, khoai lang, rau ngót, rau muống, rau dền.
Beta-carotene khi đi vào cơ thể con người sẽ chuyển hóa thành vitamin A, là loại vitamin giữ vai trò quan trọng với sự phát triển và hoàn thiện các cơ quan của thai nhi như: tim, phổi, gan, thận, xương, mắt, hệ thần kinh trung ương. Vitamin A giúp cơ thể nhanh phục hồi, duy trì chức năng thị lực, hỗ trợ hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng và chuyển hóa chất béo trong cơ thể.
4. Vitamin C
Các loại rau chứa nhiều vitamin C như: bông cải xanh, bông cải trắng, cải thìa, cần tàu, rau chân vịt, cải xoăn, ớt chuông xanh.
Bác sĩ Thuỷ cho biết, vitamin C có vai trò quan trọng trong hình thành các mạch máu, sụn, cơ và collagen trong xương. Vitamin C giúp chống oxy hóa và bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các gốc tự do (gốc tự do là một trong những tác nhân gây bệnh tim, ung thư và các bệnh khác). Vitamin C còn giúp cơ thể hấp thu và lưu trữ sắt. Thiếu hụt vitamin C có thể gây chảy máu, bầm tím, mắc một số bệnh tiêu hóa…
5. Kali
Các loại rau chứa nhiều kali như: bí đỏ, khoai tây, khoai lang, củ dền, cà chua, dưa leo, các loại nấm, các loại rau lá măng tây, rau chân vịt, bông cải xanh.
Kali có vai trò căn bằng chất điện giải trong cơ thể, hỗ trợ trong việc truyền các xung thần kinh, giúp giải phóng năng lượng của carbohydrate, chất béo và protein và giúp ổn định huyết áp. Thiếu kali sẽ gây buồn nôn, nôn, táo bón, một số vấn đề về da, đau đầu, chóng mặt hoặc rối loạn nhịp tim, huyết áp thấp.
6. Chất xơ
Chất xơ có vai trò tiêu hóa tốt thức ăn và giảm táo bón. Ăn rau giúp cho cơ thể giúp giải quyết những tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp.
Khi ăn rau chuyên gia lưu ý không đun nấu kỹ để tránh làm biến đổi của chất dinh dưỡng trong rau củ dưới tác dụng nhiệt. Rau không nên đun nấu lại nhiều lần vì các chất dinh dưỡng sẽ bị hao hụt. Bạn nên ăn xem kẽ ăn rau củ được chế biến với rau sống để bổ sung vitamin phong phú và đa dạng.
Việc ăn rau đúng và đủ sẽ tập thói quen ăn uống lành mạnh giúp duy trì sắc vóc và sức khỏe, ngừa bệnh tật cho tất cả mọi người.
Bình luận