Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm 2022, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện theo tinh thần Nghị quết 29 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, ưu tiên triển khai một số việc.
Thứ nhất, triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cố chất lượng dạy và học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Thứ hai, thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu hụt lên đến hàng chục nghìn người.
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ. Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị kết hợp sử dụng lao động nhất là giữa các doanh nghiệp và các trường đại học.
Thứ tư, hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học quy trở lại đào tạo bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho các năm 2022, 2023.
Bộ trưởng Sơn cũng đánh giá, năm 2021, đánh dấu sự ổn định và đảm bảo về chất lượng giáo dục. Với một năm mà tới 2 đến 3 lần học sinh phải tạm dừng đến trường và phải học trực tuyến, học từ xa, trong khi điều kiện dạy học còn nhiều khó khăn, thì sự ổn định này có thể coi là thành công. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục có một năm để lại dấu ấn tại các kỳ Olympic khu vực và quốc tế, khi 37/37 học sinh dự thi đều có giải, trong đó 12 huy chương Vàng.
Ở bậc đại học, vị trí của các đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc tế được giữ vững cũng là một thành quả đáng ghi nhận. Một kết quả khác cũng cần nhắc tới trong năm qua, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù đây là việc năm nào cũng làm, nhưng trong một năm nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự linh hoạt để thích ứng. Tổ chức thành công 2 đợt của kỳ thi cho thấy nỗ lực không chỉ của ngành giáo dục mà còn của toàn xã hội. Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT sử dụng phương án đặc cách tốt nghiệp cho hơn 2.000 thí sinh vì dịch bệnh không thể dự thi.
"Nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh là cú hích thúc đẩy ngành Giáo dục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong công tác dạy học trực tuyến, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bình luận