Đụng độ trên cao điểm 4.000 m
Cuộc đụng độ gây chết người đầu tiên giữa Trung Quốc và Ấn Độ sau 45 năm bắt đầu khi một đội tuần tra của Ấn Độ chạm trán với quân đội Trung Quốc trên sườn núi hẹp ở độ cao khoảng 4.300m tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả cả 2 nước đều tuyên bố chủ quyền.
Theo thỏa thuận trước đó vài ngày, binh sỹ Trung Quốc phải rút lui khỏi khu vực này. Tuy nhiên, khi đội tuần tra của Ấn Độ tới nơi, họ phát hiện những chiếc lều dã chiến cùng khoảng 100 lính Trung Quốc vẫn đóng tại đây.
Binh sỹ Ấn Độ một mực yêu cầu lính Trung Quốc rời đi và bắt đầu dỡ lều của họ. Lính Trung Quốc bắt đầu phản ứng dữ dội.
Do thỏa thuận song phương năm 1996 quy định 2 bên không được dùng súng khi đụng độ, binh lính 2 bên lao vào ẩu đả tay đôi. Sau đó, một sỹ quan chỉ huy Ấn Độ bị đẩy khỏi sườn núi hẹp và rơi xuống, tử nạn.
Cuộc ẩu đả leo thang khi 2 bên gọi thêm chi viện. Quân tiếp viện của Ấn Độ được điều động tới từ một đồn quân sự cách đó khoảng 4 km. Về phần mình, Trung Quốc cũng gọi thêm quân với số lượng đông đảo hơn đối phương. Họ mặc đồ bảo hộ và mang theo đá, gậy quấn đinh hoặc dây thép gai.
600 binh sỹ 2 bên đối đầu với nhau trong bóng đêm gần 6 giờ đồng hồ. Hầu hết các trường hợp thiệt mạng là những người lính bị rơi xuống vùng nước chảy xiết với nhiệt độ nước dưới 0 độ C. Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ cho biết thi thể của các binh sỹ thiệt mạng qua đời có nhiều thương tích và vết bầm dập trên người.
Trong khi Trung Quốc không cập nhật chi tiết về diễn biến, vũ khí mà 2 bên sử dụng trong cuộc tấn công, giới chức Ấn Độ cáo buộc lính Trung Quốc dùng gậy sắt gắn đinh để đánh đập quân Ấn Độ.
"Họ đánh đập lính chúng tôi bằng gậy sắt quấn dây thép gai hoặc gậy tre gắn đinh. Lính chúng tôi chỉ chống trả bằng tay không", một quan chức cấp cao của quân đội Ấn Độ nói với đài BBC.
Đối đầu thời hiện đại bằng vũ khí Trung cổ?
Mạng xã hội Ấn Độ những ngày qua cũng xôn xao trước bức ảnh BBC đăng tải mà hãng này nói nhận được từ một quan chức cấp cao Ấn Độ phụ trách vấn đề biên giới với Trung Quốc.
BBC cho biết thêm rằng vị quan chức trên khẳng định đây là vũ khí mà Trung Quốc sử dụng trong vụ đụng độ tại biên giới với Ấn Độ hôm 15/6.
“Những cây gậy gắn đinh này được binh sỹ Ấn Độ tại thung lũng Galwan chụp lại. Trung Quốc đã sử dụng chúng để tấn công đội tuần tra của Ấn Độ và giết chết 20 binh sĩ Ấn Độ. Phải lên án sự man rợ này. Đây là côn đồ chứ không phải lính", nhà phân tích quân sự Ấn Độ Ajai Shukla đăng trên Twitter khi chia sẻ lại bức ảnh.
Tuy nhiên, kênh India TV dẫn nguồn tin từ Tổng hành dinh quân đội Ấn Độ nói bức ảnh này là giả, dù không phủ nhận thông tin Trung Quốc dùng gậy sắt quấn đinh để tấn công binh sỹ nước này.
Trong cuộc phỏng vấn với Telegraph, các bác sỹ khám nghiệm tử thi cho các binh sỹ thiệt mạng hôm 16/5 cũng nói rằng các vết thương của họ phù hợp thương tích gây ra bởi các loại vũ khí gắn đinh hoặc dây thép gai.
Ngoài 20 lính chết sau vụ đụng độ, 76 lính Ấn Độ bị thương, trong đó 18 người bị thương nghiêm trọng.
Theo Economic Times, thứ vũ khí mà Trung Quốc sử dụng - gậy gắn đinh hay dây thép gai - tương tự như các vũ khí được dùng trong Thế chiến I, khi mà các bên tham chiến sử dụng các vũ khí thô sơ từ thời trung cổ để tấn công đối phương.
Những vũ khí như vậy, bao gồm gậy gắn mũi nhọn, dây thép gai hoặc mũi dao được thiết kế để gây ra sát thương nghiêm trọng.
Theo các báo cáo, quân đội Trung Quốc từng dùng gậy quấn dây thép gai trong cuộc đụng độ với Ấn Độ hồi tháng 4 ở Hồ Pangong. Nhiều lính Ấn Độ bị thương nặng sau cuộc đối đầu này.
Báo cáo này khẳng định Trung Quốc sử dụng các loại vũ khí này họ tin rằng những cây gậy sát thương mà họ dùng không hề vi phạm thỏa thuận không được dùng súng.
Theo tờ Medium, trong cuộc đối đầu hồi tháng 4, binh sỹ Ấn Độ đã hết sức ngạc nhiên với loại vũ khí kỳ quái mà Trung Quốc sử dụng.
Sau thương vong lớn hồi đầu tuần, Ấn Độ được cho là đang trang bị các bộ "giáp" chống bạo động, được gia cố bằng vật liệu polycarbonate cho các binh sỹ bảo vệ họ trước các cuộc tấn công bằng đá hay vũ khí sắc nhọn.
Lô hàng đầu tiên với 500 bộ được vận chuyển tới thị trấn Leh, vùng Ladakh hôm 18/6, trước khi được chuyển tới tay các binh sỹ tuần tra dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Bình luận