Bên cạnh những điển hình thành công trong chuyển đổi số, vẫn còn tồn tại không ít khó khăn để các doanh nghiệp phải bước qua, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững trong tương lai.
Sự cần thiết chuyển đổi sang nhà máy thông minh
Nhà máy thông minh (Smart Factory) với yếu tố cốt lõi là tận dụng các đột phá công nghệ số như Internet Vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI)…, áp dụng vào sản xuất, không chỉ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn tối ưu về kinh phí, lợi nhuận, phòng ngừa những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp.
Nhà máy thông minh đánh dấu bước nhảy vọt từ nhà máy tự động hóa truyền thống 3.0 sang nhà máy 4.0 nơi hệ thống máy móc, cảm biến, dữ liệu, con người… được kết nối Internet, đồng bộ với nhau qua hệ thống để đưa ra các quyết định sản xuất hiệu quả.
Với những tiềm năng mang lại, thị trường nhà máy thông minh trên toàn cầu ước đạt 153,7 tỷ USD vào năm 2019 và con số này được dự báo sẽ tăng đạt mức 244,8 tỷ USD vào năm 2024.
Theo một nghiên cứu của Hãng Tư vấn Deloitte (Hoa Kỳ), việc ứng dụng nhà máy thông minh đã giúp tăng trung bình 12% năng suất lao động của công nhân, 11% hiệu suất nhà máy và 10% tổng sản phẩm đầu ra.
Hãng Nghiên cứu tư vấn kinh tế Frontier Economics (Anh) cũng cho biết các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp tăng trưởng lợi nhuận tới 38% cho ngành sản xuất vào năm 2035.
Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc được đánh giá là những lĩnh vực có tính đa dạng về sản phẩm, có điều kiện thuận lợi để những nhà máy thông minh được ứng dụng và phát huy những đặc tính ưu việt của chúng, đây lại là những lĩnh vực có thế mạnh tại Việt Nam.
Cũng theo một nghiên cứu của Tập đoàn Ericsson dự báo, hơn 2/3 nhà sản xuất toàn cầu sẽ di chuyển tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025, trong đó Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn.
Có thể nói, cơ hội để Việt Nam phát triển đang rất nhiều, tuy nhiên việc nắm bắt để thành công được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn của từng doanh nghiệp, từng quyết sách của các cơ quan bộ ngành trong việc tận dụng số hóa, chuyển đổi sản xuất thông minh, nhà máy thông minh trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh cao như hiện nay, với cơ chế tự sàng lọc và lựa chọn, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, phải cạnh tranh với những tập đoàn lớn không chỉ tại thị trường quốc tế mà ngay trong thị trường nội địa. Vì vậy, phát triển nhà máy thông minh là xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam hiện nay.
Để khuyến khích các doanh nghiệp Việt phát triển theo xu hướng nhà máy thông minh, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực vào lĩnh vực chuyển đổi số này, góp phần thực hiện thành công chủ chương chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số quốc gia.
Nhiều dự án, chương trình hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ cũng đã được triển khai, ký kết thời gian vừa qua.
Trong số đó, phải kể Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh, hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam vào tháng 2/2022 với mục tiêu hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh trong 02 năm (2022 – 2023).
Tính đến cuối năm 2022, Samsung đã phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ đào tạo 51 chuyên gia về lĩnh vực nhà máy thông minh tại Việt Nam và tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 26 doanh nghiệp trên cả nước (14 doanh nghiệp phía Bắc, 12 doanh nghiệp phía Nam). Trong năm 2023, Dự án sẽ tiếp tục được triển khai cho 24 doanh nghiệp phía Bắc và phía Nam.
Những trái ngọt trong phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam
Là một trong 7 nhà máy thông minh của Tập đoàn General Electric trên toàn cầu, nhà máy GE Hải Phòng hiện cũng là một trong những nhà máy thông minh hàng đầu tại Việt Nam. Nhà máy thông minh đã giúp cho GE Hải Phòng tiết kiệm tới 30% thời gian hoàn tất đơn hàng, giảm lượng hàng tồn kho tới 20%, nâng cao năng suất thêm 15% và hiệu suất tổng thể tăng 25%.
Tại GE Hải Phòng, có hàng nghìn cảm biến công nghệ cao tại mọi ngóc ngách, giúp thu thập các dữ liệu theo thời gian thực, chuyển thông tin đến các phần mềm để tổng hợp và đưa ra các đề xuất tối ưu hoạt động, loại bỏ tối đa lao động thủ công của con người trong khâu trung gian.
Không chỉ vậy, dựa trên những báo cáo được tổng hợp từ hệ thống phòng điều khiển trung tâm với dữ liệu chi tiết đến từng cánh tay robot tại nhà máy, các kỹ sư cũng dễ dàng nắm bắt được tình hình sản xuất, phối hợp cùng các bộ phận để triển khai sản xuất linh hoạt, kịp thời, tối ưu.
Hệ thống phân tích cho biết máy nào đang hoạt động tốt, máy nào ở tình trạng sản phẩm bị chậm, cũng như nguyên nhân là do đâu (đang chờ vật tư, đang bảo trì….) cũng như gợi ý giải pháp phù hợp nhất.
Không chỉ vậy, với việc áp dụng nhà máy thông minh, số liệu về lượng dự trữ của hàng nghìn mã linh kiện cũng được tự động cập nhật và tải lên hệ thống toàn cầu của Tập đoàn General Electric, các nhân viên từ bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có thể truy cập, phân tích dữ liệu để ra quyết định phù hợp, đảm bảo nhu cầu vật tư tại GE Hải Phòng luôn được đáp ứng kịp thời và chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn không bị gián đoạn.
Câu chuyện tại nhà máy Takako Việt Nam (KCN VSIP I tỉnh Bình Dương) cũng là minh chứng cho thấy ưu thế vượt trội của việc ứng dụng các thành tựu chuyển đổi số, áp dụng nhà máy thông minh vào sản xuất.
Bằng việc kết nối các máy móc, thiết bị, các công đoạn sản xuất, cùng các bộ phận khác bằng công nghệ số, sử dụng trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật (IoT) làm nền tảng chính để điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất, năng suất lao động tại công ty đã được cải thiện 2,5 lần so với trước.
“Tại nhà máy, các hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm chú trọng. Năm 2017, một nhóm kỹ sư của công ty đã nghiên cứu và phát triển thành công dây chuyền tự động hóa, có khả năng nâng cao năng suất gấp đôi nhưng giảm 15/16 lao động so với dây chuyền cũ.
Thành quả nghiên cứu này đã được Takako Việt Nam ứng dụng trực tiếp hoạt động sản xuất của nhà máy và được tập đoàn mẹ mua lại, đưa vào sử dụng tại 86 nhà máy trên khắp thế giới”, ông Lê Duy Nhất Luận - Giám đốc sản xuất Công ty Takako Việt Nam chia sẻ, đồng thời khẳng định sản xuất và tăng trưởng bền vững dựa vào chuyển đổi số đang là xu hướng của nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Để tận dụng tối đa tiềm năng sẵn có, đồng thời gia tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực mà mình phát triển, nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam cũng đang tìm cách “rẽ sóng” để chuyển đổi sang nhà máy thông minh. Đó là câu chuyện của HHP Global – một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số của ngành sản xuất giấy tại Việt Nam.
Tháng 5/2023 vừa qua, HHP GLOBAL ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Công nghệ ITG (ITG Technology), để chính thức triển khai Dự án Nhà máy thông minh 3S iFACTORY, tuân theo tiêu chuẩn quốc tế ISA 95 của Hiệp hội Tự động hóa Hoa Kỳ và linh hoạt triển khai dựa trên tình hình cụ thể tại doanh nghiệp.
Đích thân Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tiến Vinh lĩnh trọng trách Giám đốc Dự án Nhà máy thông minh 3S iFACTORY tại Nhà máy giấy HHP Paper (Nhà máy Giấy Hoàng Hà) ở Hải Phòng. Lộ trình triển khai mô hình quản lý nhà máy thông minh tại đây đã, đang được triển khai gồm 3 bước: Số hóa; Ứng dụng nâng cao, và Chuyển đổi số toàn diện.
Theo đó, bước số hóa sẽ cơ bản hoàn thành ngay trong năm 2023. HHP GLOBAL sẽ sử dụng 3S ERP làm nền tảng để số hóa toàn bộ các hoạt động về chiến lược, quản trị mua hàng, bán hàng, kế toán, nhân sự…
Sang năm 2024, HHP GLOBAL sẽ gấp rút triển khai đồng bộ gần như tất cả ứng dụng của nhà máy thông minh. Đến năm 2025, cả hệ thống vận hành sẽ chuyển đổi số toàn diện, thay đổi toàn bộ quy trình hoạt động từ phương thức thủ công sang hệ thống điện tử, tự động hóa; công tác quản lý chuyển từ giải quyết sự vụ sang quản lý chủ động và theo thời gian thực, việc quản trị, điều hành ra quyết định dựa trên chỉ số KPI.
Lãnh đạo HHP GLOBAL khẳng định, nhà máy thông minh sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng tại các thị trường quốc tế. Bởi nhà máy thông minh sẽ kiểm soát tốt quá trình sản xuất, giảm chi phí, giá thành sản phẩm, kiểm soát tốt nguồn năng lượng và phát thải, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Rào cản và thách thức buộc phải vượt qua để “hóa rồng”
Tiềm năng là rất lớn, thành tựu khoa học công nghệ để áp dụng vào xây dựng nhà máy thông minh có nhiều, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn gặp phải những khó khăn, thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi.
Trên thực tế, có một số vấn đề có thể được coi là rào cản cho sự phát triển của các giải pháp nhà máy thông minh như các quy định nghiêm ngặt về yêu cầu sử dụng năng lượng hay sự thiếu hụt nguồn lực lao động về cả số lượng và chất lượng do sự già hóa của lực lượng lao động có tay nghề hiện tại khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề tự động hóa các quy trình vận hành trong nhà máy nhằm giải quyết các vấn đề về nguồn lực.
Bên cạnh đó, các nhà máy thông minh thường xuyên phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng và thiếu đi nhân sự có đủ trình độ, hạ tầng CNTT để sẵn sàng đối phó với những đợt tấn công đó.
Theo một cuộc khảo sát với sự tham gia của 500 chuyên gia CNTT tại Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản đã cho thấy khoảng 78% cho rằng công nghệ là thách thức bảo mật lớn nhất, 68% là từ con người và 67% từ quy trình thực hiện. Tuy nhiên chưa đến 50% số người tham gia khảo sát cho biết họ đang thực hiện các biện pháp kỹ thuật để cải thiện an ninh mạng tại nhà máy của mình.
Bình luận