• Zalo

Xóm nghĩa địa giữa lòng thành phố

VideoThứ Ba, 28/08/2012 10:24:00 +07:00Google News

Đến xóm nghĩa địa ở khu phố 4, phường 15, quận 8 (TP.HCM), thoạt đầu, nhiều người không thể phân biệt được đâu là nhà, đâu là mộ.

Đến xóm nghĩa địa (còn có tên gọi khác là xóm gò mả) ở khu phố 4, phường 15, quận 8 (TP.HCM), thoạt đầu, nhiều người không thể phân biệt được đâu là nhà, đâu là mộ.
Xóm nghĩa địa tồn tại từ khi nào cũng chẳng ai biết. Chỉ biết qua lời kể của bà con lối xóm rằng: Ở đây dân nhập cư tứ xứ, quận 4 có, quận 2 có, dân miền Tây cũng có, cứ cất nhà ở tạm vậy thôi. Có bà Tư, cố cụ ở đây cũng đã lâu rồi, bà ấy đã ở đây gần bốn chục năm.
Những căn nhà tạm của người dân nơi đây
Đến xóm nghĩa địa, ít ai có thể phân biệt được đâu là nhà, đâu là mộ. Mộ và nhà nằm xen lẫn nhau, mộ ở trước nhà, sau nhà, thậm chí ngay trong nhà hay trên nền nhà.
 
Những nấm mộ nằm xen kẽ trong sân nhà

Hàng ngày, bất kể ban đêm hay ban ngày, người dân nơi đây đã quen với việc sống chung với "người âm". Giặt giũ, phơi phóng, nấu nướng bên cạnh hay trên các nấm mộ. Thậm chí trẻ em coi những nấm mộ như sân sinh hoạt chung: ăn uống và vui đùa ngay trên các nấm mộ.

Những ngôi nhà tạm được dựng lên từ những mái tôn, ván gỗ chỉ chừng 25-30m2. Khi được hỏi, anh Long, một người dân nơi đây cho biết:  "Chứ biết sao giờ chú, cơm không đủ ăn lấy đâu mà cất nhà đàng hoàng. Đi làm cả ngày tối về có chỗ chui ra chui vô là tốt lắm rồi".

 
Cảnh người dân sinh hoạt bên các nấm mộ

Tuy vậy cuộc sống hiện tại của người dân xóm gò mả đã đỡ hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Khu phố 4, phường 15, quận 8 cùng người dân đã tu bổ được khu vực nền đất quanh nhà, quanh mộ. Cô Nguyễn Thị Mai, một người dân trong xóm chia sẻ với chúng tôi:  "Những năm trước đây lầy lội lắm, gần đây dân mỗi người đóng góp một ít, phường cho một ít mới làm được cái nền xi măng như bây giờ đấy. Sống cùng các nấm mộ nên quen, chứ lúc trước nhà báo, khách tới chơi đều thấy ớn vì mộ dưới chân mà nền đất cứ nhầy nhụa, có người còn mắc ói vì cái mùi lạ nữa".

Những đứa trẻ xóm gò mả

Những em nhỏ được sinh ra và lớn lên nơi xóm gò mả có lẽ đã quên đi nỗi sợ hãi khi "ở cùng người chết". Người dân nơi đây chia sẻ: "Nhìn tụi nhỏ phải đi kiếm ăn hàng ngày tôi cũng cũng buồn lắm, nhưng biết sao bây giờ? Nghèo quá mà, phải phụ gia đình kiếm sống thôi".

Những đứa trẻ ở xóm Gò Mả
Khuôn mặt đen xạm của hai bé gái sống tại đây

Có lẽ phần vì không được đi học để thầy cô rèn dũa từng cái chữ, từng cách cư xử, giao tiếp; phần vì các em ra đời quá sớm, cạnh tranh từng tờ vé số, từng bãi rác với các dân "anh chị" khác và cũng phần vì ba mẹ các em chỉ cần biết: "ngày hôm nay mày kiếm được bao nhiêu tiền? có từng này thôi à? Tiền đâu mà mua gạo?..." (Những âm thanh vang vọng từ một nhà dân trong xóm). Vậy nên, khi tiếp xúc với chúng tôi các em không được ngoan hiền, lễ phép như bao đứa trẻ được dạy bảo khác. Các em trả lời chúng tôi những câu từ cụt lủn, mà người lớn nào nghe cũng cảm thấy đáng buồn:

- "Em còn đi học không?

   Không!

- Sao em lại không đi học?

  Không có tiền!

- Ba mẹ em làm gì?

  Bán hủ tiếu".

 

Có bé được đi học như bé Trúc Tiền (10 tuổi) thì đã 3 năm rồi em vẫn còn học lớp 1. Lý do đơn giản là ba mẹ em đi làm tối ngày, em thì trốn học phơi nắng, nhởn nhơ cùng đám bạn trong xóm. Không ai quan tâm đến việc học, việc lên lớp của em.

Bé Trúc Tiền là một trong số ít trẻ con ở xóm nghĩa địa được đến trường nhưng 3 năm rồi em vẫn chưa học xong lớp 1.
Trẻ em chơi đùa trên các nấm mộ

Còn các anh chị lớn hơn một chút thì phần đa là học ít, nhưng nhậu nhẹt, chơi bời thì có hạng. Chiều chiều, trên các ngôi mộ, từng tốp thanh niên choai choai "giải trí" bằng cách dựng bàn nhậu trên những nấm mộ. Người nằm, kẻ ngồi ngả ngớn lên thành mộ. Cũng có người chăm chỉ làm phụ hồ, xe ôm, hoặc đi làm mướn… kiếm đồng nào xào đồng đó.

Không ít người bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào tệ nạn xã hội. Trường hợp năm 2009, công an phường 15 đã triệt phá một đường dây mua bán ma tuý tại khu phố 4. Hai vợ chồng bị bắt, bỏ lại ba đứa con nheo nhóc đi làm phụ hồ, bán vé số. Cái vòng luẩn quẩn nghèo khó ấy lại bắt đầu ở thế hệ mới...

Xem Clip:

 

Theo Khám Phá 

Bình luận
vtcnews.vn