• Zalo

Xem nữ sinh Đan Mạch quỳ gối chăm bệnh nhân, có ai thấy xấu hổ?

Bạn đọcThứ Sáu, 23/09/2016 16:14:00 +07:00Google News

Hình ảnh hai cô gái xinh đẹp quỳ gối ở hành lang bệnh viện, nâng niu đôi chân bại liệt và xoa bóp đều đặn khiến những người xung quanh xúc động.

Sau khi VTC News đăng bài viết Nữ sinh Đan Mạch xinh đẹp quỳ gối nâng niu bệnh nhân nhí ở Bạch Mai, tôi đã đọc rất kỹ và thực sự xúc động, khâm phục trước cử chỉ “như từ mẫu” của hai nữ sinh thực tập người ngoại quốc.

1

Hai nữ sinh Đan Mạch xinh đẹp đang quỳ gối, xoa bóp cho bệnh nhân nhỏ tuổi. Ảnh Dương Nhung

Đó là hình ảnh 2 “cô Tây” xinh đẹp đều đặn mỗi sáng đến chăm sóc một bệnh nhân bị bại liệt. Bằng tình yêu thương dành cho người bệnh, bằng y đức với nghề, hai cô gái đã kiên trì chữa trị cho em bé từ bại liệt nằm một chỗ nay đã có thể một mình di chuyển.

Hình ảnh hai cô gái xinh đẹp quỳ gối ở hành lang bệnh viện, nâng niu đôi chân bại liệt và xoa bóp đều đặn khiến những người xung quanh xúc động. Dù khoảng cách rào cản ngôn ngữ nhưng họ sử dụng công cụ từ điển trên điện thoại để cố gắng giao tiếp, trò chuyện, an ủi người bệnh.

Video: Nữ sinh Đan Mạch xinh đẹp quỳ gối nâng niu bệnh nhân nhí ở Bạch Mai

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai khẳng định việc xoa bóp, thể dục và vui chơi cùng có tác dụng quan trọng trong việc điều trị bệnh cho trẻ. Nhưng thực tế, có bao nhiêu y bác sỹ sẵn sàng làm điều này?

2(1)

 Độc giả nêu quan điểm trước hành động của nữ sinh nước ngoài. Ảnh Dương Nhung 

Nếu tất cả các “từ mẫu” đều yêu thương, nâng niu bệnh nhân thì đã không có những vụ việc thương tâm như bác sĩ chẩn đoán nhầm khiến bệnh nhân phải cắt chân ở TP.HCM, vụ mất con do bác sĩ thờ ơ, hay vụ bác sĩ mổ nhầm chân do không đọc bệnh án ở Hà Nội...

 Sau khi bài báo được đăng tải, trên mạng xã hội, nhiều người đọc đã bày tỏ quan điểm trước cách yêu thương bệnh nhân của hai nữ sinh ngoại quốc khi đến thực tập tại bệnh viện Bạch Mai.

Độc giả Từ Hồng đã thẳng thắn bình luận: “Mình hãy học hỏi thái độ cư xử của người ta”, độc giả Vinh Hoàng: “Đó là đạo đức con người”...

Không ít bệnh nhân phản ánh rằng, khi đến khám bệnh tại nhiều bệnh viện Việt Nam, hiện tượng bác sĩ vừa khám vừa buôn chuyện với đồng nghiệp và đôi khi còn nghe điện thoại mà không hề trả lời những thắc mắc của người bệnh vẫn còn nhiều.

Nhiều bệnh nhân còn bị bác sĩ quát mắng khi cố hỏi về tình trạng bệnh. Những hành động trên khiến khoảng cách giữa người bệnh và lương y trở nên xa cách.

3(1)

Nhiều sinh viên thực tập Việt Nam xem hai “cô Tây” chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện. Ảnh Dương Nhung 

Nhiều người từng nói, bác sĩ chính là tác giả cuộc đời, là người có quyền định đoạt một số phận nào đó có được tồn tại trên cõi đời này hay không. Nhưng đôi khi, một chẩn đoán sai lầm, một phút thờ ơ, một thái độ lạnh lùng sẽ hủy hoại một kiếp người hoặc mang lại tật nguyền, đau đớn suốt đời cho một ai đó; hoặc ít nhất nó cũng làm tổn thương tình cảm của bệnh nhân dành cho chính các y bác sỹ.

Jeanne H.Nielsen và Adriana Agnieszka Funke là hai nữ sinh thực tập đến từ đất nước Đan Mạch xa xôi. Khi đến bệnh viện Bạch Mai, họ thể hiện sự yêu thương bệnh nhân bằng cách quỳ gối xuống, ôm lấy đôi chân người bệnh như một báu vật và xoa bóp nhẹ nhàng.

Với vốn tiếng Việt ít ỏi, hai cô gái liên tục động viên “cố lên”, “đau không?”, “mệt không?" Nhiều người làm trong ngành y phải tự đặt ra câu hỏi: Tại sao hai cô gái chỉ mới đến thực tập 20 ngày nhưng đã chiếm được tình cảm của người bệnh như vậy?

Họ đã quỳ xuống trước một bệnh nhân nhí, ôm lấy đôi chân để xoa bóp, kiểm tra. Đôi khi, chỉ những cử chỉ, câu nói đơn giản sẽ như một liều thuốc tiếp thêm nhiều sức mạnh cho người bệnh cố gắng.

Cũng trong thời gian đó, cũng ở hành lang bệnh viện đó, rất nhiều sinh viên Việt Nam đến thực tập nhưng họ chỉ đứng nhìn tò mò và xem hai “cô Tây” chăm sóc các bệnh nhân nhí.

Đôi khi chỉ là một hành động trấn an, một câu hỏi thăm thân tình, một nụ cười hiền hậu trao cho người bệnh lại cứu rỗi được bệnh nhân, cứu họ thoát hỏi bàn tay tử thần. Thiết nghĩ, hơn cả tài năng, đạo đức, lương tâm của bác sĩ nhiều khi lại là liều thuốc kỳ diệu đối với người bệnh. Sự thận trọng trong nghề nghiệp chính là cách tôn trọng bệnh nhân.

Thử hỏi, khi đọc bài báo trên, có y bác sỹ nào tự vấn lương tâm mình rằng đã làm làm tròn trách nhiệm? Đã có ai cảm thấy xấu hổ vì mình đã đối xử với bệnh nhân không phải như "từ mẫu”? Đã có ai cảm thấy mình không xứng đáng đứng trong đội ngũ lương y chữa bệnh cho người dân?...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Hải Long
Bình luận
vtcnews.vn