Telegraph cho biết, không quân Nga đang thích ứng với tình hình mới, thả 11 quả bom lượn vào đêm 24/3. Đây được cho là động thái thích ứng của không quân Nga sau khi suy giảm số lượng tên lửa hành trình.
Những quả bom lượn được gắn thêm "cánh" để tăng thêm tầm hoạt động, bay thấp và đủ xa để thoát khỏi một số hệ thống phòng không kiểm soát bằng radar của Ukraine.
Bom lượn của Nga đã gây chú ý sau khi một chiến cơ nước này vô tình thả một quả xuống thành phố biên giới Belgorod, gây hư hại cho một tòa nhà và làm 3 người bị thương.
Theo phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ihnat, bom lượn tạo ra mối đe dọa rất nghiêm trọng. Với việc áp dụng công nghệ lượn, tầm hoạt động của loại bom này được tăng lên.
"Hiện tại, quân Nga đang sử dụng các chiến thuật trên không để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu dọc biên giới, trên tiền tuyến và bờ biển. Tại tất cả các khu vực này, đối phương đã tăng cường sử dụng bom lượn trong 1 tháng qua", người phát ngôn Yuriy Ihnat cho hay.
Các quan chức Ukraine ước tính, lực lượng của Nga thả ít nhất 20 quả bom lượn mỗi ngày trên chiến trường.
Trong bối cảnh Ukraine có thể thực hiện cuộc phản công mùa xuân, các nhà phân tích ở Kiev và phương Tây bắt đầu cho rằng việc Nga sử dụng loại vũ khí mới có thể khiến Kiev phải thay đổi kế hoạch tác chiến vào phút chót.
Điểm nhấn bom lượn của Nga chính là việc quả bom này có gắn thêm cánh và hệ thống điều hướng cho phép thiết lập đường bay tới mục tiêu. Trước đây, những quả bom thả từ trên không FAB-500 cũ thời Liên Xô tương đối thô sơ và đơn giản. Tuy nhiên, bom lượn như UPAB‐1500B‐E đã được thiết kế lại, bổ sung một số đặc điểm.
Bom lượn có cánh này rẻ hơn và dễ sản xuất hơn so với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Đây là vũ khí mà Nga lựa chọn trong bối cảnh phương Tây cho rằng Moskva đang cạn kiệt vũ khí chính xác công nghệ cao.
Thông số kỹ thuật và khả năng của mỗi loại bom lượn khác nhau. Một số loại có phạm vi hoạt động lên tới 120km và bắn trúng mục tiêu trong bán kính 10m. Các chuyên gia cho rằng loại bom lượn được Nga sử dụng có tầm hoạt động từ 50 - 70km.
Vũ khí trên cho phép các phi công Nga có khả năng sử dụng không lực hiệu quả để hỗ trợ các chiến dịch mặt đất, điều mà trước đó họ gặp khó khăn.
Các thông tin tình báo mà Ukraine cho hay,hầu hết các cuộc tấn công bằng bom lượn đều ở khoảng cách từ 40 - 50 km so với lãnh thổ Nga. Khi đó, máy bay chiến đấu của Nga có thể quay đầu để tránh bay vào phạm vi phòng không của Kiev.
Ukraine chỉ có số lượng ít hệ thống vũ khí tầm trung và tầm xa để đối phó với các cuộc không kích. Hầu hết hệ thống phòng không tầm ngắn của Ukraine bố trí trên tiền tuyến trong khi các hệ thống tên lửa tầm xa hơn nằm cách xa tiền tuyến để bảo vệ các thành phố và giữ cho chúng nằm ngoài tầm bắn của pháo binh và UAV Nga.
Phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ihnat cho rằng, Ukraine có thể đánh chặn tên lửa đất đối không S-300 song việc chặn những quả bom lượn này lại là một vấn đề.
Theo chuyên gia quân sự phương Tây, bom lượn phản hồi với radar ít hơn so với vũ khí tầm xa thông thường, khiến Ukraine khó theo dấu. Radar không phải lúc nào cũng phát hiện được các vật thể bay ở độ cao thấp và kích thước bé nhỏ của bom lượn khiến chúng khó nhìn thấy trên radar hơn.
Bên cạnh đó, kỹ thuật chống radar và gây nhiễu điện tử mà Nga triển khai cũng hạn chế khả năng nhắm trúng mục tiêu của các lực lượng Ukraine. Câu hỏi được quan tâm giờ đây là liệu Ukraine có nên di chuyển các hệ thống phòng không khỏi các trung tâm thành phố để hỗ trợ cuộc phản công sắp tới hay không.
Ukraine cũng tính tới sử dụng hệ thống Patriot hoặc các tên lửa phòng không để đối phó với bom lượn. Thế nhưng, các hệ thống tên lửa đất đối không này thường được đặt tại những vị trí cách xa chiến trường để tránh bị Nga không kích.
Bình luận