Thị trường chứng khoán điều chỉnh gần đây gây ra những biến động bất ngờ về thứ hạng của các doanh nghiệp có quy mô lớn nhất sàn chứng khoán. Đợt suy giảm của cổ phiếu ngân hàng đã khiến vị trí của nhóm này bị lung lay, trong khi vị thế của các tập đoàn sản xuất đang được củng cố.
Diễn biến đáng chú ý nhất là Vingroup vừa lấy lại vị thế dẫn đầu giá trị vốn hóa niêm yết từ Vietcombank. Cổ phiếu VIC tăng nhẹ hôm qua lên 107.500 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa tập đoàn tư nhân này đạt hơn 363.600 tỷ đồng.
Vingroup kinh doanh khả quan
Mới đây Vingroup báo cáo kết quả kinh doanh khả quan. Doanh thu thuần hợp nhất nửa đầu năm đạt 61.770 tỷ đồng, tăng 59% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế bán niên ghi nhận 6.403 tỷ đồng, tăng 4,6% cùng kỳ năm trước.
Trong đó mảng chuyển nhượng bất động sản vẫn là nguồn thu chính của Vingroup, chiếm 61% tổng doanh thu và cũng đóng góp lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn khi các mảng du lịch, sản xuất vẫn thua lỗ.
Vingroup đang đẩy mạnh mục tiêu phát triển Vinfast. Tập đoàn đang dồn nhiều nguồn lực cho hoạt động sản xuất xe và chuẩn bị ra mắt thị trường toàn cầu hai mẫu ô tô điện thông minh VF e35 và VF e36 vào năm 2022.
Hoạt động y tế cũng gây chú ý khi Vingroup đang xây nhà máy sản xuất vaccine và mới đây đã chính thức nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 với Công ty Acturus (Mỹ). Dự kiến lô vaccine đầu tiên sẽ xuất xưởng đầu năm 2022.
Ngược lại, nhóm ngân hàng - dẫn đầu là Vietcombank - đang chịu đợt điều chỉnh mạnh về thị giá sau thông tin giảm lãi suất và kết quả kinh doanh dưới kỳ vọng. Thị giá VCB giảm gần 17% từ đầu tháng 7 đến nay xuống 97.000 đồng/cổ phiếu, khiến vốn hóa ngân hàng này chỉ còn gần 360.000 tỷ đồng.
Vietcombank báo cáo lợi nhuận bán niên 13.021 tỷ, tăng 22% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn 7% so với ước tính ban đầu. Thậm chí lợi nhuận quý II của ngân hàng này còn giảm 16% so với cùng kỳ năm trước do tăng trích chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Đà giảm còn diễn ra ở hầu hết ngân hàng khác như Techcombank, BIDV và VietinBank khiến vị thế vốn hóa của nhóm này bị tụt lại phía sau.
Chủ tịch Masan có thêm 6.000 tỷ đồng
Trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng bị điều chỉnh, một số doanh nghiệp khác lại tăng vị thế nhờ hưởng lợi từ kết quả kinh doanh. Đáng chú ý nhất là Masan Group khi giá cổ phiếu MSN tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 136.200 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu này đã tăng gần 55% so với thời điểm đầu năm.
Nhờ sự tăng tốc đó, giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn cũng nhanh chóng leo lên gần 160.800 tỷ đồng. Masan Group chính thức trở thành công ty đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng vốn hóa trên sàn HoSE, đẩy Novaland ra khỏi danh sách này.
Các mảng kinh doanh của Masan đang có triển vọng rất sáng sủa để hỗ trợ cho đà tăng giá. Doanh thu thuần hợp nhất nửa đầu năm đạt 41.196 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty đạt 979 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với mức 117 tỷ của nửa đầu năm ngoái.
Ngành hàng tiêu dùng với các sản phẩm như mì, xúc xích, bia, gia vị... tăng trưởng doanh thu 112% so với cùng kỳ. Mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm của Vincommerce giảm 9% doanh thu do đóng cửa nhiều điểm bán hàng nhưng hiệu quả kinh doanh tiếp tục được cải thiện khi EBITDA tăng lên mức 2,2%.
Mảng thịt và thức ăn chăn nuôi của Masan MeatLife tăng trưởng 42% về doanh thu. Mảng khai khoáng của Masan High-Tech Materials thậm chí tăng tới 138% về doanh thu khi nhu cầu mua sắm vật liệu công nghiệp công nghệ cao hồi phục và tác động từ việc hợp nhất HCS.
Với đà tăng của MSN, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang được hưởng lợi lớn nhất khi tài sản tăng lên hơn 34.500 tỷ đồng. Tài sản ông chủ Masan tăng gần 6.000 tỷ đồng kể từ đầu tháng 7 đến nay. Nhờ đó, ông Quang vượt qua chủ tịch Novaland để trở thành người giàu thứ 4 trên sàn chứng khoán.
Một cá nhân khác cũng được hưởng từ là Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh khi tài sản của ông tăng hơn 5.800 tỷ trong tháng vừa qua, đạt trên 35.400 tỷ đồng. Như vậy, ông Hùng Anh hiện là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán.
Bộ đôi doanh nhân này hưởng lợi chủ yếu nhờ giá cổ phiếu MSN tăng mạnh, trong khi cổ phiếu ngân hàng TCB chỉ giảm nhẹ 3,6%. Hai cá nhân này sở hữu chung công ty Masan và công ty Xây dựng Hoa Hướng Dương, là những cổ đông lớn nhất tại Masan Group.
Ngoài Masan Group, bảng xếp hạng vốn hóa còn ghi nhận sự vươn lên của PV Gas - một tổng công ty đầu ngành khai thác khí. Cổ phiếu GAS đang tăng mạnh mẽ lên 93.500 đồng/cổ phiếu giúp giá trị vốn hóa đạt gần 179.000 tỷ đồng và vươn lên vị trí thứ 6 về quy mô thị trường vốn.
Nhờ giá dầu diễn biến tích cực, PV Gas báo cáo doanh thu thuần nửa đầu năm tăng 23% đạt 40.272 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế tăng gần 5% lên 4.359 tỷ đồng và hoàn thành 62% kế hoạch cả năm.
Bình luận