Hơn 11 triệu người Anh theo dõi cuộc phỏng vấn của nữ hoàng truyền thông Oprah Winfrey với Hoàng tử Harry và vợ Meghan Markle.
Các thông tin được tiết lộ trong cuộc phỏng vấn gây chấn động, làm dấy lên các vấn đề nhạy cảm về phân biệt chủng tộc, làm rung chuyển Hoàng gia Anh, đảo lộn Khối thịnh vượng chung và bộc lộ sự chia rẽ thế hệ rõ rệt đối với tương lai của chế độ quân chủ Anh.
Nhưng giới chính trị Anh cố gắng giữ mình tránh xa rắc rối này.
Tuần này, các phóng viên hai lần mới Thủ tướng Anh Boris Johnson tham gia phỏng vấn để nói về chủ đề đang được thảo luận nhiều nhất ở Anh. Nhưng ông đều từ chối.
Phố Downing cũng né tránh, không đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan tới cuộc phỏng vấn.
Theo Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học London, thông thường liên quan tới một chấn động như vậy, các chính trị có thể nêu quan điểm để nâng tên tuổi của mình.
"Nhưng đối với chính phủ hoặc phe đối lập nói chung, có lẽ sẽ tốt hơn nếu đứng ngoài với sự kiện lần này", Tim cho hay.
Keir Starmer, lãnh đạo của Công đảng đối lập đưa ra phản ứng nhưng thận trọng, có lẽ do lo ngại về việc bị cuốn vào một cuộc chiến văn hóa hoặc sự phản đối từ các cử tri mà ông muốn giành lại từ phe bảo thủ.
Starmer chỉ nói các vấn đề được nêu trong cuộc phỏng vấn cần được xem xét một cách "rất, rất nghiêm túc” vì chúng là “những cáo buộc liên quan đến chủng tộc và sức khỏe tâm thần”.
Hiện tại, các tuyên bố của ông Johnson liên quan tới cuộc phỏng vấn đề chỉ dừng lại ở "sự ngưỡng mộ cao nhất đối với Nữ hoàng và vai trò đoàn kết của bà đang có đối với nước Anh”.
"Đối với tất cả các vấn đề khác liên quan tới gia đình Hoàng gia, tôi đã dành một thời gian dài để không bình luận về các vấn đề của gia đình Hoàng gia và tôi vẫn định làm vậy", ông nói hôm 8/3.
Trong cuộc phỏng vấn của mình, Nữ công tước xứ Sussex Meghan Markle tâm sự, "có người Hoàng gia" lo ngại về nước da của con cô sẽ sẫm màu đến thế nào khi được sinh ra, khiến cậu bé có thể không được nhận danh vị hoàng tử. Meghan và chồng nói không tiết lộ danh tính vì "sẽ tổn hại đến người này".
Việc úp mở về danh tính của "người này" là một động lực khiến các chính trị gia cẩn thận. Nếu đó là một thành viên cấp cao của gia đình hoàng gia, nó có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn.
Công chúng Anh đang bị chia rẽ. Trong khi các cuộc thăm dò dư luận hiện tại cho thấy đa số theo phe quân chủ, những người trẻ tuổi lại đứng về Harry và Meghan.
Nhiều thành viên trong Đảng Bảo thủ của ông Johnson có lẽ sẽ ủng hộ Điện Buckingham. Zac Goldsmith - một trong những đồng minh của ông Johnson viết trên Twitter hôm 8/3 rằng Harry đang làm gia đình mình tan nát.
Theo Giáo sư Bale, trong khi những người Anh ủng hộ chế độ quân chủ có phần lớn tuổi, các cử tri bảo thủ và ủng hộ Brexit cho rằng Hoàng gia Anh cần thay đổi trong thời đại mới.
“Có một số người sẽ muốn đồng hóa điều này vào các cuộc chiến văn hóa rộng lớn hơn và biến Harry và Meghan trở thành biểu tượng của sự đúng đắn về chính trị và văn hóa thức tỉnh. Nhưng tôi nghĩ Đảng Bảo thủ sẽ không đứng về phía nào bởi họ cần lá phiếu của những người trẻ vốn có quan điểm mạnh mẽ về sắc tộc và chủng tộc", ông Bale nói.
Đối với Johnson, bất cứ điều gì liên quan đến chủng tộc cũng rất phức tạp do các phát ngôn gây tranh cãi trước đây của ông liên quan tới vấn đề này trong quá khứ.
Nói rộng hơn, ông Bale cho biết cuộc phỏng vấn và phản ứng dữ dội sau đó từ một số quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung là minh chứng cho các dự báo trước đó về ảnh hưởng toàn cầu của Anh thời hậu Brexit.
Bình luận