Thấp thỏm chờ giải tỏa
Nhiều lần đến gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM), chúng tôi cảm nhận được sự lo lắng, bồn chồn về một tương lai bất định khi đề cập đến chuyện an cư.
Ông Nguyễn Đức Phú (ngụ hẻm 243 Nguyễn Trãi) bộc bạch: “Nghe phong thanh thông tin khu Mả Lạng này sẽ giải tỏa đã nhiều năm rồi nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Nếu giải tỏa, tôi chọn nhận tiền để mua căn nhà rộng rãi hơn, nhà cho ra nhà chứ không muốn chui rúc mãi trong “bao diêm” như thế này nữa”.
Bà Nguyễn Thị Diệu (55 tuổi) tâm sự, đã sống trong sự thấp thỏm, chờ đợi rất lâu mỗi khi địa phương đưa nhà đầu tư đến khảo sát. Nhưng họ đến rồi lại đi. Dù sống chật chội, khó khăn nhưng bà Diệu cũng như các chủ căn hộ siêu nhỏ đều không muốn chuyển chỗ ở. “Nếu giải tỏa thì tôi vẫn mong được ở lại khu vực này vì dễ buôn bán. Đi nơi mới mà không làm ăn gì thì không biết cuộc sống về già sẽ ra sao” - bà Diệu nói.
Năm 2000, khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh đã được TP.HCM phê duyệt chủ trương di dời khu dân cư này để chỉnh trang đô thị. Nhưng tới nay đã hơn 20 năm, người dân vẫn sống trong nỗi thấp thỏm, chờ đợi. Cụ thể, TP.HCM giao Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau đó công ty này đã không thể thực hiện. Đến năm 2006, TP.HCM đã có chủ trương giao cho Tập đoàn Bitexco đầu tư, nhằm biến khu vực này thành một khu phức hợp hiện đại nhưng dự án này cũng không thực hiện được sau nhiều năm. Đầu năm 2023, dự án bị chính quyền TP.HCM thu hồi. Đầu tháng 3/2024, UBND Quận 1 đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì mời gọi đầu tư dự án ở khu Mả Lạng. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay thành phố đang thực hiện thủ tục đấu thầu mới và sở này sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm triển khai công tác đấu thầu, đưa vào đầu tư, chỉnh trang khu vực này.
Sống lâu trong cái chật hẹp, mệt mỏi trăm bề, thế nhưng bà Lan (ngụ đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) vẫn không dám sửa sang căn nhà 5m2 để có thể ở cho thoải mái hơn. “Thông tin giải tỏa vẫn cứ râm ran và không có sự quyết định. Bây giờ nếu vay mượn ngân hàng cả trăm triệu để sửa nhà, chẳng may bị giải tỏa lấy tiền đâu trả nợ” - bà Lan nói.
Trong khi đó, nhiều người dân ở khu chợ Gà, chợ Gạo (Quận 1) đều nói rằng, họ chưa quyết định sẽ đi đâu, nhận bồi thường hay ở lại chờ phân nơi ở mới nếu khu vực này giải tỏa.
“Nếu bồi thường thì chúng tôi mong đủ tiền để mua nhà, còn nếu phân ở chung cư thì phải đủ chỗ cho các thành viên, không để tình trạng phải “ăn chia ca, ngủ xếp cá mòi” như hiện nay nữa” - bà Hoa (cư dân chợ Gà) tâm sự.
Những suy tính, lo toan của người dân xóm “hộp diêm” cứ mãi dở dang theo các dự án nghìn tỷ được “treo” từ năm này qua năm khác.
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt (ngụ đường Cống Quỳnh, Quận 1) đang sống cùng 5 thành viên trong căn nhà chưa đến 10m2, có gác tạm cho biết, không quá bất ngờ với thông tin giải toả. Điều ông quan tâm nhất là các chính sách an cư mà người dân được hưởng khi thực hiện di dời.
“Tôi trông chờ thành phố sớm thực hiện di dời với chính sách đền bù thoả đáng để người dân ổn định cuộc sống. Có đủ tiền tôi sẽ về khu vực vùng ven sinh sống để con cái thoát cảnh tù túng, tối tăm trong ngôi nhà siêu nhỏ đang ở” - ông Kiệt chia sẻ.
Mời gọi nhà đầu tư
Mới đây, ông Dương Anh Đức, Bí thư Quận ủy Quận 1 cho biết, đây là khu vực trung tâm của TP.HCM, luôn hướng đến hình ảnh đô thị văn minh, hiện đại và người dân có điều kiện sống tốt. Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử để lại và hoàn cảnh thực tiễn, môi trường sống tại một số nơi còn chưa như mong đợi, người dân có điều kiện sống còn khó khăn.
Đơn cử như khu vực chợ Gà, chợ Gạo (phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1) là một trong những nơi người dân phải chịu cảnh sống chật chội, thậm chí có gia đình phải chia ca để ngủ luân phiên.
“Tại khu vực chợ Gà, chợ Gạo, nhiều gia đình phải chia sẻ chung nhà vệ sinh, có nhà sử dụng tầng trệt để buôn bán, làm ăn còn tầng trên cơi nới để luân phiên nhau ngủ. Nhiều thời kỳ lãnh đạo quận đã đau đáu về việc này. Mong mỏi của chính quyền Quận là cải tạo, chỉnh trang khu vực này để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt cho người dân” - ông Đức bày tỏ.
Nói về tiềm năng của khu vực Chợ Gà, Chợ Gạo, Kiến trúc sư Khương Văn Mười cho rằng, diện mạo nơi đây chắc chắn có sự thay đổi trong tương lai. Ngoài việc nằm tại mặt tiền trục đường chính, gần các khu động lực phát triển, nơi này sẽ có 4 tuyến đường sắt đô thị đi qua.
“Nằm ở Quận 1, gần mặt sông, các trục giao thông quan trọng, rất hiếm có nơi nào nhiều lợi thế như vậy. Ở góc độ chuyên môn, tôi thấy cả một viễn cảnh tươi sáng ở đó, chỉ mong sao sớm thành hiện thực. Nhưng bài toán ở đây vẫn là kinh tế, gắn với hiệu quả cho doanh nghiệp” - ông Mười phân tích.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia nhận định, các dự án liên quan đến khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh; chợ Gà, chợ Gạo; khu Bàn Cờ quận 3… có vị trí thuận lợi, xung quanh có nhiều nút giao thông quan trọng. Tuy nhiên, để thuyết phục các doanh nghiệp đầu tư, cần có một định hướng chi tiết, trong đó nhấn mạnh bài toán kinh tế, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích cộng đồng và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần thực hiện điều tra xã hội học, lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với dự án này.
“Nhà siêu nhỏ được hình thành một phần do việc chỉnh trang, mở rộng đường, một phần do người sở hữu nhà không đủ điều kiện kinh tế để chọn nơi ở khác. Về lâu dài, cần giải tỏa những căn nhà kiểu này để đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn cháy nổ và chất lượng sống của cư dân. Tuy nhiên, việc di dời cần tính đến sinh kế của người dân” - ông Trần Minh Kha, Hội Kiến trúc sư TP.HCM nói.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM đối với các căn nhà có diện tích nhỏ hơn 15m2 sẽ không được cấp phép xây dựng và chỉ được phép cải tạo dựa trên hiện trạng có sẵn. Phần lớn những căn nhà này đều có nhiều người sinh sống với nhiều thế hệ. Về mặt quản lý nhà nước chính quyền chỉ hỗ trợ về công tác cấp số nhà, tiện ích điện, nước… Hiện nay TP.HCM chưa có chính sách hỗ trợ các gia đình sống tại các căn nhà diện tích nhỏ hơn quy định.
Bình luận