Huyện Cư Kuin cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 19 km, chỉ mới được thành lập được 17 năm (năm 2007), có 8 đơn vị hành chính cấp xã và 102 thôn, buôn với 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 30,48%.
Thôn, buôn Cư Kuin sau thời gian gặp biến cố cách đây hơn một năm, nhà nhà tấp nập lên nương rẫy, trẻ nhỏ tung tăng đến trường, người già thảnh thơi bên ly cà phê buổi sớm... Những âu lo đã đổi thay bằng tâm trạng háo hức, vui tươi.
Trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) - 2 địa điểm bị phá hoại ngày 11/6/2023 nay đã mang diện mạo mới, rất đông người dân đến làm giấy tờ thủ tục hành chính, mọi hoạt động đều diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Trong vụ bạo động, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu Nguyễn Văn Dũng hy sinh, ông Nguyễn Năng Tuấn được chuyển từ Phòng Kinh tế huyện về xã đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND xã.
Ông Nguyễn Năng Tuấn chia sẻ, mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng cán bộ và bà con các dân tộc trong xã đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng xã Ea Tiêu phát triển.
Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con trong các thôn, buôn từng bước được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tình hình an ninh chính trị ổn định, các tổ chức trong hệ thống chính trị được củng cố kiện toàn và đi vào hoạt động có nền nếp.
Theo chia sẻ của vị Chủ tịch xã, Ea Tiêu có 21 thôn, buôn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 40%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách toàn xã Ea Tiêu đạt đạt 110,29% so với kế hoạch chỉ tiêu huyện giao, toàn diện tích đất ở xã tăng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt trên 96%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,1 - 0,3%.
Dọc tuyến đường nối trung tâm xã về các thôn, buôn tại Ea Tiêu, cuộc sống đã trở lại bình thường. Các em nhỏ vui vẻ đạp xe đến trường, người lớn tất bật lên nương rẫy. Hàng quán tấp nập, các tuyến đường đông đúc người, xe, người dân hăng hái lên nương rẫy... trong những căn nhà gỗ thoang thoảng mùi thơm của lúa mới và rượu ghè, những nụ cười đã an vui trở lại.
Theo các già làng, ở nơi địa hình khá hiểm trở, nếu ngày xưa đồng bào sống du canh du cư, việc đi lại chủ yếu dùng voi và đi bộ, tính khoảng cách bằng ngày đường, thì ngày nay, cuộc sống đã ổn định. Người đi xa lâu năm, khi quay lại hẳn phải ngạc nhiên vì cảnh quan đã đổi thay toàn bộ.
Hiện tại kinh tế chủ đạo của huyện vẫn là cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, cao su, điều. Người dân tự chủ đầu tư cho vườn cây của mình. Lượng di dân có kế hoạch hay tự do hiện đã dừng lại. Người dân tích cực khai hoang, phục hóa đất đai, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho gia đình.
Là địa phương trẻ, năng động của tỉnh, thời gian qua, huyện Cư Kuin được quan tâm đầu tư hệ thống đường - điện - trường - trạm, nhà văn hóa cộng đồng đến tận thôn, buôn.
Huyện Cư Kuin đã bình yên trở lại, hòa nhịp phát triển chung của toàn tỉnh Đắk Lắk, dần hình thành dáng dấp của đô thị trẻ năng động, văn minh, giàu bản sắc. Sức sống mới với bạt ngàn cà phê, hồ tiêu, với những trang trại quy mô lớn cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang là những tiền đề thuận lợi để huyện tiếp tục vươn lên, tạo điều kiện cho Nhân dân an tâm lao động sản xuất, chung tay xây dựng buôn làng bình yên, phát triển. Diện mạo nông thôn “thay da đổi thịt” và ngày càng khởi sắc.
Mùa mưa bão năm nay, mẹ và hai con của Nguyễn Thị Thảo (Thôn 1A, xã Cư Êwi, Cư Kuin) không phải nơm nớp lo lắng, không phải tất bật tay xách nách mang đi ở nhờ nhà hàng xóm như những năm trước, vì mẹ con chị đã có ngôi nhà đại đoàn kết mới khang trang, vững chắc. Nhìn trẻ nhỏ ngây thơ hồn nhiên vui đùa bên cạnh căn nhà còn thơm mùi sơn mới khiến chúng tôi cũng vui lây.
Với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đất sản xuất như chị Thảo, giấc mơ về căn nhà thật quá xa vời. Chồng chị mất sớm bỏ lại chị cùng hai đứa con thơ. Chị gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc, một mình bươn chải tại Bình Dương kiếm tiền, gửi về nuôi con. Mẹ chị tuổi cao sức yếu thường xuyên đau bệnh liên miên, chăm hai cháu nhỏ trong căn nhà dột nát, tạm bợ. Gặp những ngày hè nắng nóng bức hay những ngày mưa bão, mọi người trong nhà chỉ biết động viên nhau cố gắng cùng vượt qua.
Cùng tâm trạng như gia đình chị Thảo, các thành viên trong gia đình anh Nay Long (Buôn Dang, xã Ea H’Leo, huyện Ea H’leo) mấy ngày nay luôn rộn ràng tiếng nô đùa, tiếng cười không ngớt trong ngôi nhà tình nghĩa khang trang gia đình anh cũng vừa được tặng từ Đề án xây nhà cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở.
Anh Nay Long xúc động chia sẻ: Trước đây, gia đình khó khăn, phải sống trong căn nhà lụp xụp. Trời nắng thì quá nóng, trời mưa thì dột. Anh đi làm thuê mà không đủ ăn. “Cái khó bó cái khôn”, anh nhẹ dạ cả tin nghe theo lời bọn xấu vượt biên sang Thái Lan. Sang đó, phải chịu cảnh khổ cực, nên cuối năm 2016, anh tìm đường về lại buôn làng. Khi trở về, anh lo sợ sẽ bị xử phạt nhưng gia đình anh đã được cán bộ chính quyền quan tâm, động viên xây tặng căn nhà mới này.
“Từ nay, tôi yên tâm lo làm ăn ruộng rẫy, chăn nuôi heo gà, không nghe theo lời bọn xấu nữa, không vượt biên nữa. Tôi sẽ cố gắng làm ăn cho con cái học hành và phát triển gia đình, góp sức phát triển buôn làng”, anh Nay Long chia sẻ.
Không chỉ lan tỏa niềm vui trong các buôn làng, thôn, xã của mình, trong thời gian qua, rất nhiều hộ dân từ khắp nơi trong tỉnh Đắk Lắk đã viết thư tay gửi đến Bộ Công an, tỉnh Đắk Lắk, Công an tỉnh, chính quyền và Công an các huyện bày tỏ tình cảm đặc biệt, sự vui mừng, hạnh phúc, tin tưởng và sự cảm ơn chân thành nhất vì đã được cán bộ, lãnh đạo các cấp quan tâm xây tặng cho những căn nhà mới.
Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an về việc huy động đầu tư xây dựng 1.200 căn nhà, mỗi căn trị giá 80 triệu đồng cho gia đình khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo Đảng ủy Công an tỉnh tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh… triển khai nội dung trên. Việc làm này được sự đồng thuận cao của Nhân dân và chính quyền địa phương.
Đề án của Bộ Công an về hỗ trợ xây dựng 1.200 căn nhà ở cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như chiếc phao cứu sinh cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và nhận được sự tham gia, ủng hộ tích cực của xã hội. Từ đây, những hộ nghèo đã có nơi ở ổn định, an tâm lao động sản xuất, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.
Tại xã Ea Ktur cũng đã hoàn thành 19 căn nhà tình nghĩa thuộc Đề án hỗ trợ xây dựng 1.200 căn nhà ở cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh của Bộ Công an.
Đúng dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/2024, tiến tới Kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/2024), 1.200 căn nhà tình nghĩa đã hoàn thành.
Theo ông Y Thuyết Arul - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ktur, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ban hành nhiều nghị quyết hợp lòng dân.
Đặc biệt, trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo xã đặc biệt quan tâm phát triển đời sống hộ dân tộc thiểu số qua các chương trình, hoạt động như: tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các mô hình sản xuất hiệu quả, hỗ trợ giống cây giống, con giống và chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
Năm 2023, từ các nguồn hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Quỹ Vì người nghèo huyện Cư Kuin cùng sự hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cư Kuin cũng đã hỗ trợ xây dựng 26 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 1,372 tỷ đồng; mức hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà.
Trong đó, điển hình như gia đình ông Vũ Cường Khanh (thôn 2, xã Ea Ktur) thuộc diện hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở của xã. Gia đình không có đất sản xuất, bản thân ông mắc bệnh hiểm nghèo nhiều năm nay, vợ ốm đau không lao động được, hai con còn nhỏ. Nhiều năm nay gia đình ông ở trong căn nhà gỗ chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng.
Đầu năm 2023, được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo, cùng với số tiền đối ứng, gia đình ông Khanh đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang diện tích 82 m2, tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.
Kinh tế của xã trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng đáng kể, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, thời gian qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhiều ngôi nhà đại đoàn kết thơm mùi vôi mới đã được hình thành. Nhiều con đường nối dài các thôn/buôn, vào tận rẫy của người dân đã và đang được bê tông hóa ở huyện Cư Kuin.
Các chương trình, đề án, chính sách dân tộc được thực hiện công khai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và thụ hưởng. Năm 2024, huyện Cư Kuin chú trọng thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới: Giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của các vùng, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa…
Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng cho biết, thời kỳ mới giải phóng, đất nước vừa thống nhất, hầu hết bà con còn thiếu đói, mù chữ, bệnh tật không có thuốc chữa, không được chăm sóc y tế đầy đủ. Đã vậy, các thế lực thù địch còn thường xuyên kích động, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, dụ dỗ bà con đi theo chúng, làm những việc xấu, vi phạm pháp luật, gây tổn hại tới khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngày nay, đất nước, quê hương, buôn làng đã khởi sắc từng ngày, đời sống người dân nâng cao. “Đảng và Nhà nước ta đã ngày càng quan tâm chăm lo phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Tây Nguyên. Nhờ đó, cuộc sống người dân vùng cao ngày càng phát triển, no ấm. Chưa bao giờ quê hương lại giàu đẹp, khang trang như lúc này. Bà con mình bây giờ không còn gia đình nào phải chạy vạy từng bữa ăn. Cuộc sống ấm no, đầy đủ… Bây giờ chỉ mong mọi người lo lao động sản xuất cho giỏi mà làm giàu thôi!...”, bà Trần Thị Lương (SN 1942, ở xã Ea Ktur) tự hào khi nói về sự đổi thay mạnh mẽ của quê hương.
Rạng sáng 11/6/2023, một nhóm đối tượng có vũ trang đã tấn công vào trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur (Cư Kuin, Đắk Lắk) làm 9 người chết, 2 người bị thương, nhiều tài sản bị đốt phá.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, các lực lượng chức năng nhanh chóng xử lý vụ việc, ổn định tình hình. Các đối tượng tham gia vụ khủng bố bị bắt giữ, điều tra và xét xử công khai.
Lực lượng Công an cũng thu thập được các tài liệu, chứng cứ chứng minh vụ án xảy ra còn do có sự hậu thuẫn, chỉ đạo từ một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài, thậm chí cử đối tượng từ nước ngoài xâm nhập trái phép về Việt Nam để dàn dựng, chỉ đạo vụ tấn công khủng bố.
Vụ khủng bố là hoạt động có chủ đích, tính toán, nằm trong loạt âm mưu, hoạt động của tổ chức phản động Fulro lưu vong nhằm thành lập “Nhà nước Đề Ga”, gây bất ổn về an ninh trật tự tại tỉnh Đắk Lắk nói riêng và địa bàn Tây Nguyên nói chung.
Bình luận