Cụ thể, ông chủ Tesla viết trên Twitter hôm 15/7: "Mỹ luôn lên án những kẻ sử dụng bom chùm là xấu xa, nhưng giờ lại gửi loại vũ khí này để sử dụng. Quyết định này sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp. Số phận thích sự trớ trêu, nhưng ghét sự đạo đức giả".
Trước đó hôm 7/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Washington quyết định gửi bom chùm cho Ukraine, bất chấp sự phản đối từ Liên hợp quốc.
Kiev đã ca ngợi lô viện trợ là có "tác động tâm lý - cảm xúc" đáng kể đối với quân đội Nga. Trong khi đó, một số tổ chức nhân quyền đã kêu gọi Mỹ chấm dứt việc sử dụng bom chùm trong cuộc xung đột ở Ukraine và yêu cầu Washington từ chối lời kêu gọi của Kiev về việc cung cấp thêm các loại vũ khí bị cấm.
Theo các tổ chức này, mối nguy hiểm từ bom chùm không hề bị phóng đại - loại vũ khí này có thể bắn ra hàng trăm quả đạn con trên một khu vực có diện tích bằng hai sân bóng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những phần tử chưa nổ sẽ tạo ra rủi ro nghiêm trọng và nguy hiểm lâu dài cho dân thường trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc. Bởi vậy, việc sử dụng loại vũ khí này gần như là một tội ác chiến tranh cho dù phục vụ mục đích nào đi nữa.
Một trong những lý do mà Lầu Năm Góc viện dẫn nhằm giải thích cho việc cung cấp vũ khí đạn dược cải tiến thông thường lưỡng dụng (DPICM) cho Ukraine là do Mỹ đang thiếu đạn pháo 155 mm thông thường để gửi tới Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, trong trường hợp Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Kiev, lực lượng Nga sẽ buộc phải sử dụng loại vũ khí tương tự để chống lại lực lượng vũ trang Ukraine.
Ông cũng nói thêm rằng Nga đã kiềm chế sử dụng vũ khí như vậy trong chiến dịch quân sự đặc biệt bởi nhận thức được mối đe dọa của nó đối với dân thường. Theo ông Shoigu, việc cung cấp bom chùm của Mỹ sẽ chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài.
Công ước về bom, đạn chùm có hiệu lực vào tháng 8/2010, với các bên ký kết cam kết rằng “không bao giờ sử dụng, phát triển, sản xuất hoặc chuyển giao các loại bom, đạn bị cấm hoặc hỗ trợ; không khuyến khích và xúi giục bất kỳ bên nào thực hiện các điều trên trong bất kỳ trường hợp nào”.
Cho đến nay, công ước đã được phê chuẩn bởi 111 nước - gồm hầu hết các quốc gia thành viên NATO. Mỹ không nằm trong số những nước tham gia ban hành lệnh cấm loại đạn dược này nhưng vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu nó với tỷ lệ hơn 1%.
Bình luận