Ngày 7/7, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên tiếng chỉ trích việc sử dụng bom chùm sau khi Mỹ thông báo chuẩn bị cung cấp loại đạn pháo này cho Ukraine.
“Tổng thư ký Antonio Guterres ủng hộ Công ước về bom, đạn chùm đã được thông qua 15 năm trước. Ông ấy muốn các quốc gia tuân thủ điều khoản của công ước đó”, phát ngôn viên Farhan Haq của Tổng thư ký nói với truyền thông tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York.
Ông Haq kết luận: “Bởi vậy, tất nhiên, ông ấy không muốn tiếp tục sử dụng bom, đạn chùm trên chiến trường”.
Trước đó, có thông tin cho rằng Mỹ có thể thông qua việc cung cấp bom chùm cho Ukraine ngay trong tuần này. Nhà Trắng sau đó đã xác nhận rằng bom chùm sẽ được đưa vào lô hàng cung cấp quân sự mới nhất cho Ukraine.
Kiev đã ca ngợi lô viện trợ là có "tác động tâm lý-cảm xúc" đáng kể đối với quân đội Nga. Trong khi đó, một số tổ chức nhân quyền đã kêu gọi Mỹ chấm dứt việc sử dụng bom chùm trong cuộc xung đột ở Ukraine và yêu cầu Washington từ chối lời kêu gọi của Kiev về việc cung cấp thêm các loại vũ khí bị cấm.
Theo các tổ chức này, mối nguy hiểm từ bom chùm không hề bị phóng đại – loại vũ khí này có thể bắn ra hàng trăm quả đạn con trên một khu vực có diện tích bằng hai sân bóng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, những phần tử chưa nổ sẽ tạo ra rủi ro nghiêm trọng và nguy hiểm lâu dài cho dân thường trong nhiều năm sau khi xung đột kết thúc. Bởi vậy, việc sử dụng loại vũ khí này gần như là một tội ác chiến tranh cho dù phục vụ mục đích nào đi nữa.
Một trong những lý do mà Lầu Năm Góc viện dẫn nhằm giải thích cho việc cung cấp vũ khí đạn dược cải tiến thông thường lưỡng dụng (DPICM) cho Ukraine là do Mỹ đang thiếu đạn pháo 155mm thông thường để gửi tới Kiev.
Ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho biết, bom chùm sẽ tạm thời đóng vai trò là “cầu nối” cho đến khi Mỹ và các đồng minh có thể tăng cường sản xuất đạn pháo 155mm thông thường để viện trợ cho Ukraine.
Công ước về bom, đạn chùm có hiệu lực vào tháng 8/2010, với các bên ký kết cam kết rằng “không bao giờ sử dụng, phát triển, sản xuất hoặc chuyển giao các loại bom, đạn bị cấm hoặc hỗ trợ; không khuyến khích và xúi giục bất kỳ bên nào thực hiện các điều trên trong bất kỳ trường hợp nào”.
Cho đến nay, công ước đã được phê chuẩn bởi 111 nước - bao gồm hầu hết các quốc gia thành viên NATO. Mỹ không nằm trong số những nước tham gia ban hành lệnh cấm loại đạn dược này nhưng vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu nó với tỷ lệ hơn 1%.
Bình luận