• Zalo

Từ King's Cup đến 'trận đấu tỷ USD' Việt Nam và Thái Lan

Thể thaoThứ Bảy, 15/06/2019 14:32:00 +07:00Google News

Bóng đá Việt Nam đã thắng bóng đá Thái Lan trên sân cỏ nhưng bên ngoài sân cỏ thì vẫn còn nhiều điều ta chưa thể thắng họ.

Tại Chang Arena, ban tổ chức King’s Cup dựng lên 2 hàng rào. Lối đi ở giữa là dành cho xe bus chở đội bóng. Các cầu thủ xuống xe, đi vào phòng thay đồ trong sự chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ.

Nhóm Ultras Thái Lan đã có mặt 2 bên hàng rào từ vài tiếng trước trận đấu với ĐT Việt Nam. Họ hát khỏe đến độ, trong phòng họp báo cũng nghe văng vẳng đoạn điệp khúc: “We are Thailand, we sing Thailand, oh oh oh…” Việc chờ đón các cầu thủ con cưng đủ hấp dẫn để họ đến sân từ sớm và tạo ra bầu không khí phấn khích.

Tan trận, ĐT Thái Lan thua 0-1. Trời đổ mưa ở Buriram. Những cổ động viên trung thành vẫn đứng 2 bên hàng rào để chờ các cầu thủ ra xe bus. Đáp lại, Theerathon Bunmathan và đồng đội đi dọc hàng rào để tặng chữ ký, chụp ảnh selfie với người hâm mộ trước khi lên xe về khách sạn.

Ban tổ chức không quên tạo ra một khu vực riêng để giới truyền thông tác nghiệp thuận lợi, ghi lại những hình ảnh xúc động lòng người dù ĐT Thái Lan thua cay đắng trước ĐT Việt Nam.

Hai hàng rào hay đúng hơn là không gian giao lưu giữa cầu thủ và người hâm mộ, ngay trước và sau trận đấu như tại Chang Arena là điều xa lạ ở các sân vận động Việt Nam.

Ở Mỹ Đình, Hàng Đẫy, mới nhất là Việt Trì, người ta thường tận dụng chính xe bus chở đội bóng làm hàng rào. Khoảng 10 bảo vệ đứng ngăn các cổ động viên trước cửa xe và 2-3 người kèm các cầu thủ lên xe.

Các phóng viên cố gắng tác nghiệp khi đứng chen chúc trong đám đông người hâm mộ đang “phát cuồng” vì Quang Hải, Công Phượng, Tiến Dũng…

Kết quả, chẳng mấy cổ động viên xin được chữ ký hay chụp hình cùng các ngôi sao. Còn giới truyền thông làm ra những sản phẩm kiểu “Fan cuồng quây kín xe bus ĐT Việt Nam” hay “Dàn sao U23 Việt Nam vất vả chiều lòng người hâm mộ”.

Đây là một trong những ví dụ khiến đề tài bên lề King’s Cup trở thành mảng nội dung hấp dẫn với truyền thông và người hâm mộ Việt Nam. Mảng này, người Thái có nhiều thứ mà ta chưa có.

Cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến HLV Park Hang Seo đưa ra phát biểu: “Chúng ta chưa phải ở đỉnh cao, Thái Lan vẫn là đối thủ mạnh. Trong thời gian tới, vẫn phải có sự cạnh tranh để làm thế nào bóng đá Thái Lan và Việt Nam cùng phát triển”.

bóng đá Việt Nam đã thắng bóng đá Thái Lan trên sân cỏ nhưng bên ngoài sân cỏ thì vẫn còn nhiều điều ta chưa thể thắng họ.

1 12

 

Ba năm trước, chương trình “Ấn tượng thể thao 7 ngày” từng sang Bangkok làm một số đặc biệt về thể thao Thái Lan, đưa ra khắc họa sắc sảo về giải VĐQG bóng chuyền nữ và Thai League.

Những gian hàng bán áo đấu là một nét vẽ trong bức tranh chuyên nghiệp của những đội bóng Thái Lan.

Trước đó vài tháng, K-Research đưa ra ước tính rằng thị trường trang phục thể thao ở Thái Lan sẽ đạt doanh số 15 tỷ Baht (tương đương 478 triệu USD) vào năm 2020, đồng thời thúc giục các thương hiệu sản xuất đồ thể thao của Thái Lan hãy tận dụng lợi thế về giá cả, lấy việc tài trợ cho các hoạt động thể thao của các ĐTQG và địa phương làm mũi nhọn marketing để cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu, ở thị trường có hơn 16 triệu người luyện tập thể thao và tăng nhanh mỗi năm.

Giờ thì mọi chuyện diễn ra đúng như dự báo của Kasikorn-Research. 6/8 đội bóng chuyền nữ ở giải VĐQG Thái Lan, 13/16 đội bóng Thai League đang được tài trợ trang phục bởi những thương hiệu nội địa. FBT, Grand Sport và Warrix nối tiếp nhau trở thành nhà tài trợ trang phục của ĐT Thái Lan trong gần 10 năm qua. Ở King’s Cup vừa rồi, Warrix và Grand Sport cũng là 2 trong số 11 nhà tài trợ của giải đấu.

Những thương hiệu trong nước như Warrix, Grand Sport, FBT, Ari hay Mawin vừa mang đến cho các đội bóng Thái Lan những mẫu áo đấu đẹp đẽ, vừa đa dạng hóa lựa chọn cho người hâm mộ, với những sản phẩm hợp thị hiếu, vừa túi tiền người Thái.

Bên ngoài Chang Arena, hình ảnh Chanathip Songkrasin, Charyl Chappuis, Pansa Hemviboon nổi bật giữa biển người, mời gọi các cổ động viên đến với gian hàng của Warrix – Nhà tài trợ áo đấu của ĐT Thái Lan.

Người hâm mộ có thể mua “áo xịn” của ĐT Thái Lan với giá khoảng 1000 baht (tương đương 800 nghìn đồng), mẫu áo bớt đi một vài chi tiết nhưng in logo ĐT Thái Lan với giá khoảng 400 baht (tương đương 300 nghìn đồng) thậm chí có cả mẫu khuyến mãi với giá khoảng 200 baht (tương đương 150 nghìn đồng).

Cách đó hơn chục mét, ở gian hàng Grand Sport - Nhà tài trợ cũ của ĐT Thái Lan, một giáo viên thể dục có thể tìm thấy mọi thứ cần thiết để xây dựng đội bóng trường mình từ giày, bóng, găng đến cọc tiêu, cầu môn và gieo hy vọng sản sinh ra những Chanathip Songkrasin, Charyl Chappuis, Pansa Hemviboon mới.

Thai Lan vs Viet Nam

 

Những thương hiệu thể thao Thái Lan cũng đang trên đường chinh phục thị trường Đông Nam Á, bằng việc tài trợ cho các ĐTQG và sự kiện thể thao trong khu vực.

Grand Sport trở thành nhà tài trợ trang phục của ĐT Việt Nam từ năm 2014 và từng suýt thay thế Động Lực tài trợ bóng đấu cho V-League 2016. Không biết, việc cạnh tranh với Grand Sport có ảnh hưởng ra sao đến Động Lực. Nhưng bắt đầu từ năm 2016, trái bóng Động Lực luôn thay đổi thiết kế mỗi mùa giải V-League.

Trước đó, suốt từ SEA Games 2003, Động Lực gắn liền với hình ảnh trái bóng trắng có họa tiết cánh sao xanh.

Grand Sport cũng liên tục đưa ra những mẫu bóng mới trong những năm qua. Sản phẩm của họ có cơ duyên đồng hành cùng ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 và đánh bại ĐT Thái Lan ở King’s Cup 2019, với tư cách trái bóng của giải đấu.

Ba ngày sau khi trái bóng Grand Sport bay vào lưới ĐT Thái Lan từ cú đánh đầu của Anh Đức, trái bóng Grand Sport lại được Việt Hưng, Tiến Linh găm vào lưới U23 Myanmar – Đội bóng có nhà tài trợ trang phục là Warrix giống như ĐT Thái Lan.

Trong khi đó, 2 đội bóng láng giềng của ĐT Việt Nam là ĐT Campuchia và ĐT Lào đang được tài trợ trang phục bởi FBT, đồng thương của Grand Sport và Warrix.

Mà ngành hàng sản xuất thể thao Thái Lan đâu chỉ có “áo xịn” từ những thương hiệu uy tín. Những mẫu “áo nhái” MU, Liverpool, Barca, Real Madrid…đến từ xứ Chùa Vàng đang là lựa chọn ưa thích của người chơi bóng phong trào Việt Nam vì trông y như thật.

Đằng sau những chiếc áo bóng đá Thái Lan là một ngành sản xuất thể thao đủ khả năng ứng biến với nhiều phân khúc thị trường.

2 3

 

“Đó là một phần của chiến dịch marketing mà, nó rất có ích.” – Nattaya, đại diện của gian hàng Warrix tại Chang Arena trả lời bình thản khi được hỏi vì sao thương hiệu này đặt tên 2 mẫu áo đấu mà họ sản xuất cho ĐT Thái Lan theo tên 2 chiến binh huyền thoại “Chayanuparb” và “Prabtrichak”.

Marketing là một phần tất yếu của kinh doanh. Kinh doanh thể thao chẳng phải ngoại lệ. Chỉ có điều, hình bóng của lực lượng marketing thể thao ở Việt Nam vẫn đang như “bóng chim tăm cá”.

Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam – VBA có lẽ là nơi hội tụ nhiều nhân sự trẻ trung năng động nhất nhì làng thể thao Việt Nam. VBA đang nổi lên như một hình mẫu cho việc tổ chức các giải đấu thể thao mang tính giải trí cao ở Việt Nam.

Nhưng VBA cũng đang “khát” nhân sự để tham gia hệ thống vận hành các đội bóng, trong bối cảnh ngành kinh doanh thể thao vẫn là điều khá mới mẻ ở Việt Nam.

“Rất khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội dành cho các bạn trẻ. Một đội bóng, một câu lạc bộ thể thao cũng vận hành y như một công ty, có đủ các phòng nhân sự, marketing, tài chính, sales…Nếu bạn nào vừa yêu thích kinh doanh, vừa đam mê thể thao thì rất phù hợp.” – Ông chủ đội bóng rổ Danang Dragons Lê Đăng Khoa, chia sẻ trong một chương trình truyền hình hồi năm ngoái.

Việc thiếu hụt những nhân sự trẻ trung, tài năng đằng sau hậu trường, đặc biệt trong lĩnh vực marketing, tổ chức sự kiện là một nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam phụ thuộc vào những chiến công khơi dậy hào khí dân tộc để kéo khán giả đến sân, thay vì thừa hưởng thành quả từ những kế hoạch thu hút khách hàng mang tính đột phá.

Ngặt nỗi, khi thầy trò HLV Park Hang Seo liên tiếp lập chiến công thì những người làm bóng đá Việt Nam lại tỏ ra bị động trước lượng khán giả đến sân ngày một đông. Cứ nhìn hình ảnh anh bảo vệ vất vả “giải cứu” Quang Hải và các đồng đội giữa rừng người hâm mộ là rõ.

VTC News - Quang Hai 4

 

“Nghịch lý là Văn Đức và Công Phượng chạy càng nhanh, thì chúng ta đang đi chậm trong việc khai thác các bước chạy của họ cho hiệu quả.” – Nhà báo Đức Hoàng đặt ra vấn đề trên VNExpress hồi cuối năm ngoái.

Việc thiếu vắng những doanh nghiệp mạnh mẽ trong ngành công nghiệp thể thao là một phần nguyên nhân của vấn đề nêu trên.

Thời điểm bài viết được đăng trên VNExpress, một triển lãm thể thao quy mô được tổ chức tại Hà Nội có sự tham gia của gần 120 doanh nghiệp với khoảng 5000 sản phẩm. Triển lãm được tài trợ bởi một doanh nghiệp Pháp, phần lớn các nhà sản xuất đến từ nước ngoài và các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất hiện trong vai trò nhà phân phối.

Trong bức tranh công nghiệp thể thao Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ là mảng màu lớn. Với họ, việc nhập khẩu và phân phối sản phẩm là lựa chọn an toàn, tiện lợi hơn so với phương án gây dựng một doanh nghiệp sản xuất.

“Nếu cần sản phẩm giá rẻ hãy tìm đến các mặt hàng Trung Quốc, nếu cần các sản phẩm chất lượng cao hãy tìm đến các mặt hàng Thái Lan. Ở đó, có rất nhiều lựa chọn cho các nhà phân phối.” – Nghiêm Ngọc, một chủ doanh nghiệp kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ tập luyện boxing đưa ra lý giải.

VTC News - Cong Phuong 5

 

Trong thị trường găng boxing đang nở rộ ở Việt Nam, nhờ sự phát triển của phong trào tập gym và võ thực chiến, những thương hiệu Thái Lan như Fairtex, Twins hay Top King làm nên định nghĩa về dòng sản phẩm “đắt xắt ra miếng”. Những Jduanl, Wolon, Wesing của Trung Quốc là đại diện tiêu biểu cho phân khúc giá rẻ.

Khoảng trống giá cả ở giữa, doanh nghiệp của Nghiêm Ngọc đang cố gắng khai thác bằng việc sản xuất dòng sản phẩm riêng mang những dấu ấn Việt trên những đôi găng, sau khi xây dựng nguồn vốn từ việc kinh doanh mặt hàng Thái Lan và Trung Quốc.

Nghiêm Ngọc đưa ra lựa chọn này do nhận thấy “thị trường nhiều cơ hội nhưng ít người làm”.

Ông chủ start-up thể thao là một cổ động viên đặc biệt của Công Phượng mỗi khi ĐT Việt Nam thi đấu. Bởi Phượng là một khách hàng đã mua găng do Ngọc sản xuất. Đó là niềm tự hào nho nhỏ của Nghiêm Ngọc khi nói về thành công bước đầu, trên con đường theo đuổi giấc mơ xây dựng một doanh nghiệp thể thao mạnh.

Con đường mà Nghiêm Ngọc và doanh nghiệp của mình đang đi, phần nào giống với chỉ dẫn mà Kasikorn-Research đưa ra cho các thương hiệu thể thao Thái Lan từ hơn 3 năm trước.

Những chỉ dẫn như vậy là điều hiếm có khó tìm khi nhắc đến ngành công nghiệp thể thao Việt Nam.

Những kiến nghị rằng “thể thao Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng chưa thể phát triển như mong muốn cần phải thay đổi tư duy cách làm” là điều dễ thấy hơn. Còn sự vận động ngoài thị trường cụ thể ra sao, hình như chủ yếu dựa vào khả năng tự nhận thức của các doanh nghiệp.

3 6

 

Cách đây ít lâu, tờ Nikkei (Nhật Bản) đăng bài viết về tham vọng nâng cao nguồn thu từ các hoạt động liên quan đến thể thao của Thái Lan, đặc biệt là những sự kiện thể thao gắn liền với du lịch. Theo chia sẻ của ông Pongpanu Svetarundra, Thư ký thường trực Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, doanh thu liên quan đến thể thao của Thái Lan (tính cả du lịch và mua sắm) là 6,37 tỷ USD/năm.

Tác giả bài viết dẫn lời ông Pongpanu Svetarundra về hiệu ứng mà khách du lịch có thể mang tới khi đến Buriram theo dõi cuộc đua Moto GP: “Họ sẽ ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn khoảng 50% so với du khách thông thường”.

Ngoài Moto GP, người Thái còn kỳ vọng nhiều từ golf, marathons, đua xe đạp và Muay Thai.

Trường đua Moto GP Buriram ở ngay gần Chang Arena và khán giả Việt Nam trở thành minh chứng sống động cho hiệu ứng trên khi sang Thái Lan xem King’s Cup.

Phần lớn các cổ động viên đã nhuộm đỏ một góc khán đài Chang Arena đi theo tour của các công ty du lịch. Họ không chỉ đến Buriram để xem bóng đá, mà còn tới Bangkok và những thành phố biển như Pattaya hay Phuket để tham quan.

Những người đi tự túc sẽ sang Bangkok, nghỉ lại 1 đêm và hôm sau đi Buriram, quay lại Bangkok rồi trở về Việt Nam, giống như hành trình di chuyển của thầy trò HLV Park Hang Seo.

Dòng người từ Việt Nam sang Thái Lan xem King’s Cup là minh chứng rõ nét về nhu cầu và mức độ chịu chi của khách hàng Việt dành cho các hoạt động liên quan đến thể thao.

Người Thái đã nhanh tay chớp cơ hội để khai thác sự chịu chi ấy bằng giải đấu ngắn ngày ở Chang Arena. Sự nhanh nhạy ấy không đơn thuần là việc đọ sức giữa 2 nền bóng đá, mà còn là thành quả của một chiến lược thể thao – du lịch rõ ràng.

VTC News - Vietnam vs Thai Lan -01 8

Năm 2020, Thái Lan sẽ tổ chức chặng đua cuối cùng trong bản hợp đồng 3 năm với MotoGP còn Việt Nam sẽ tổ chức chặng đua F1 đầu tiên.

Chúng ta sẽ tận thu nguồn lợi từ một sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới như chặng đua F1 ra sao? Khi việc tưởng chừng đơn giản như tạo ra 1 khu vực thuận tiện cho người hâm mộ xin chữ ký cầu thủ hay diễu hành xe bus 2 tầng vẫn chưa làm ổn thỏa.

Khi nền công nghiệp thể thao còn chưa hoàn thiện hình hài, các nhà tổ chức thiếu hụt nhân sự, việc xây dựng những doanh nghiệp thể thao mạnh đang giống như một giấc mơ.

Khi dấu ấn từ việc kết hợp giữa thể thao và du lịch vẫn là gam màu nhàn nhạt.

Gam màu ấy không thể nhạt mãi, trong bối cảnh du lịch đang được kỳ vọng trở thành mũi nhọn của ngành kinh tế, thu về 45 tỷ USD trong 7 năm tới còn thể thao đang là nguồn cảm hứng của cả dân tộc.

Trong khi những sự kiện thể thao lớn do Việt Nam đăng cai như chặng đua xe F1 đầu tiên hay SEA Games 2021 đang đến gần.

Và nếu người Thái không đột nhiên từ bỏ tham vọng nâng cao nguồn thu từ các hoạt động thể thao kết hợp du lịch mua sắm, thì rồi sẽ đến thời điểm thể thao – du lịch Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt với bộ đôi của Thái Lan trong “trận đấu tỷ USD” giữa đôi bên?

VTC News - Vietnam vs Thai Lan -03 10

 

Kim Bách/VOV
Bình luận
vtcnews.vn