• Zalo

Tốt nghiệp THPT 2012: Đề Sử khơi dậy lòng yêu nước

Giáo dụcChủ Nhật, 03/06/2012 05:28:00 +07:00Google News

(VTC News)- Chuyên gia cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT 2012 môn Lịch sử đã khơi dậy được tinh thần yêu nước.

(VTC News)- Các thí  sinh đều thở phào nhẹ nhõm vì đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử đều ra vào các phần kiến thức cơ bản.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tại trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Tại địa điểm thi trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội), sau khi kết thúc thời gian thi môn Lịch sử, các thí sinh đều ra khỏi trường thi với tâm trạng hồ hởi vì đề thi tương đối cơ bản.

Thí sinh Bảo Đạt (trường THPT Phạm Hồng Thái, Ba Đình, Hà Nội) cho biết đề thi năm nay tương đối dài. “Câu 1 do được ôn luyện nhiều lần nên em cũng hoàn thành được hết các ý.

Câu 2 khi bàn về hiệp định Paris nhưng mới đầu em lại viết nhầm sang hiệp định Giơ Ne Vơ. Câu 3 tuy không “trúng tủ” nhưng em vẫn có thể làm được một nửa vì vận dụng các kiến thức xã hội đã học được qua sách báo tivi. Em dự kiến được khoảng 7 điểm”.


Cũng cùng quan điểm này, Lê Trang (trường THPT Nguyễn Trãi) cho rằng đề thi năm nay ra rất cơ bản do nằm vào những phần được các thầy cô ôn luyện nhiều lần. Trang cũng như nhiều bạn khác dự đoán sẽ được từ 7 điểm trở lên với đề Sử năm nay.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, chiều nay, Hà Nội có 70.834 thí sinh THPT dự thi, đạt tỷ  lệ 99,71%; GDTX có 4037 thí sinh dự thi, đạt 97,96%. Tình hình các hội đồng coi thi bình thường. Không có biên bản vi phạm quy chế của cả giám thị và thí sinh. Có một thí sinh THPT của trường Hữu Nghị 80 bị tai nạn giao thông phải bỏ thi.

Đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm 2012 

Tại TP.HCM, trong ngày thi thứ 2 đã phát hiện 1 thí sinh (TS) hệ bổ túc sử dụng tài liệu môn Địa. TS này đã bị đình chỉ thi ngay lập tức khi phát hiện.

 

Theo ông Lê Hồng Sơn – GĐ Sở GD&ĐT TP.HCM, trong ngày thi thứ 2, ở hệ THPT, TP.HCM có 74 TS vắng môn thi Địa và 76 TS vắng môn Lịch sử. Tương tự, hệ bổ túc THPT, có đến 224 vắng ở môn Địa và 233 TS vắng ở môn Lịch sử.

 

Cũng trong ngày thi thứ 2, TP.HCM đã phát hiện TS đầu tiên sử dụng tài liệu khi đang làm bài. Đây là TS của Trung tâm GDTX quận Tân Bình, thi tại trường THCS Đồng Khởi (quận Tân Phú) vào môn thi Địa (buổi sáng).

 

Ngay sau khi bị phát hiện có sử dụng tài liệu trong khi đang làm bài, TS này đã bị các giám thị lâp biên bản, đình chỉ thi ngay lập tức.


Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định, ngày thi thứ 2 tại TP.HCM đã qua đi thật an toàn, nghiêm túc, đúng qui chế và không có bất cứ sự cố nào đáng tiếc xảy ra, kể cả các sự cố về giao thông đối với các TS.

 

Giao thông trong ngày hôm nay (3/6) vẫn tiếp tục được CSGT TP.HCM đảm bảo ở mức cao nhất, không xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông khiến cho TS đến trường thi muộn.

 

Các TS ở điểm thi THPT Marie Curie vui vẻ trao đổi với nhau sau giờ làm bài thi môn Sử (Ảnh: N.D) 
Đối với môn thi Lịch sử vào chiều 3/6, tâm trạng của hầu hết các thí sinh tại TP.HCM đều vui vẻ, nét mặt rạng ngời khi rời khỏi các hội đồng thi. Có mặt tại hội đồng thi THPT Marie Curie (Q.3) vào đúng giờ kết thúc môn thi, VTC News nhận thật rất nhiều TS ra khỏi cổng trường thi cười đùa, vui sướng vì mình làm bài thi rất tốt.

 

TS Lê Thị Thu Huyền (HS trường Nguyễn Thị Diệu, Q.3) đã thở phào: “Thật nhẹ nhõm. Đề thi thật thoải mái. Xong môn Sử xem như là em đã vượt qua tốt kì thi tốt nghiệp’.

 

Cũng có chung nhận xét như Huyền, Nguyễn Văn Tâm – TS khác của trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận cũng đã dự đoán: “Em nghĩ em có thể đạt được điểm 8 vì đề thi như vậy là quá dễ so với các HS có sức học bình thường nhất”.

Tại Đà Nẵng: Kết thúc buổi thi môn Địa lý với tâm lý căng thẳng vì khối lượng yêu cầu nhiều vào buổi sáng thì chiều 3/6, thí sinh tiếp tục “căng” với môn Sử.

Kết thúc buổi thi môn Lịch sử vào chiều 3/6, hầu hết các thí sinh tại các hội đồng thi trên địa bàn TP Đà Nẵng đều lo lắng với kết quả làm bài. Theo nhiều thí sinh, đề Lịch sử năm nay không quá khó nhưng nhiều và dài nên nhiều thí sinh chỉ làm “đủ qua”, thậm chí nhiều thí sinh “ôm tủ” nên “trật”. 
Sau môn Địa lý, thí sinh tại Đà Nẵng tiếp tục "căng" với môn lịch sử 

“Đơn cử như câu “Trình bày nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam”, hầu hết các thí sinh đều chú ý đến diễn biến, còn nguyên nhân và ý nghĩa thì chỉ xem qua nên khó đạt điểm cao”, một thí sinh nam cho biết.
Kết thúc ngày thi thứ 2, tình hình an ninh trật tự tại các hội đồng thi trên địa bàn TP Đà Nẵng diễn ra khá tốt. Không có hiện tượng ném phao thi và không có trường hợp thí sinh, giáo viên vi phạm quy chế. Tính đến cuối ngày 3/6, toàn hội đồng thi TP Đà Nẵng có 19 thí sinh THPT và 16 thí sinh hệ GDTX vắng thi.

Tại Huế, theo ghi nhận của PV, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng khá phấn khởi vì hoàn thành khá tốt bài làm. Nhiều thí sinh nhận xét đề thi dễ và không quá phức tạp. Lúc này sự lo lắng trên khuôn mặt của nhiều phụ huynh được giảm đi.


Trao đổi với PV, thí sinh Nguyễn Hà Châu, lớp 12/7 Trường THPT Quốc Học Huế, vui mừng: “Chiều nay em làm bài tốt, đáp ứng khoảng 80-85% nội dung bài làm. Theo quan sát của em thì đa phần các bạn trong phòng làm bài khá tốt và trật tự”.


Tại hội đồng Trường Tiểu học Quang Trung, nhiều thí sinh dự thi môn lịch sử chiều nay cũng có chung nhận định với số nhiều thí sinh tại hội đồng Trường Cao đẳng Sư phạm Huế đề thi không quá phức tạp so với những gì mà thí sinh lo lắng trước đó.


Bên cạnh những thí sinh hoàn thành tốt bài thi, thì đâu đó vẫn còn không ít thí sinh chọn lựa phương pháp học tủ. Nhưng vì học tủ nên không ít thí sinh bị tủ đè khi không làm tốt được phần thi của mình.

Vào sáng ngày mai (4/6), các TS sẽ tiếp tục thi môn Toán với thời gian làm bài là 150 phút.

 

Chia sẻ với VTC News, PGS.TS Đặng Thanh Toán (Khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết đề thi tốt nghiệp THPT môn Lịch Sử năm nay ra vào phần kiến thức cơ bản, đúng trọng tâm và phù hợp với trình độ của học sinh.

Bên cạnh đó, thang điểm đưa ra là Lịch sử Việt Nam 7 điểm; Lịch sử thế giới 3 điểm là phù hợp để học sinh có được kết quả cao nhất.

Câu 1 và câu 2 của phần lịch sử Việt Nam ra hoàn toàn vào kiến thức cơ bản và chắc chắn sẽ được các thầy cô giáo nhấn mạnh nhiều lần.

Nội dung câu 3a có phần thứ hai đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phân tích và tổng hợp dựa trên cả kiến thức xã hội. Vì vậy, thí sinh nào có tư duy phân tích thì sẽ có điểm cao hơn các thí sinh khác ở câu hỏi này.

Nội dung câu 3b ra tương đối bất ngờ với các thí sinh khi nói về chiến lược phát triển kinh tế của nhóm năm nước sáng lập ASEAN sau khi giành được độc lập đến năm 2000. Nội dung này thường ít được các thầy cô chú trọng trong quá trình ôn tập vì vậy dự đoán sẽ có ít thí sinh lựa chọn câu 3b trong phần bài làm của mình.

Nhận xét bao quát về ý nghĩa đề thi thì thấy rằng đề thi ra đã khơi dậy được tinh thần yêu nước, ham thích học tập môn lịch sử đối với các thí sinh thông qua câu 1 và câu 2 rất cơ bản của lịch sử Việt Nam. Nội dung về Cách mạng tháng Tám và hiệp định Pari sẽ được các thầy cô giáo ở trường phổ thông nhấn mạnh rất nhiều lần.

Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng trong điều kiện nước ta đang phát triển kinh tế mạnh mẽ như hiện nay thì 3 điểm ở phần lịch sử thế giới cũng ra vào những nội dung hết sức hợp lý.

Qua sự tìm hiểu và phân tích nguyên nhân phát triển của nền kinh tế Mỹ và chiến lược phát triển kinh tế của nhóm 5 nước sáng lập Asean sẽ là những bài học hết sức có giá trị cho Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế hiện nay.

Đối với đề thi này, phần lớn các thí sinh sẽ có thể đạt 6-7 điểm một cách dễ dàng. Những thí sinh có khả năng phân tích sẽ có thể đạt điểm cao hơn.

Phạm Thịnh - Việt Dũng -Bửu Lân- Sơn Nguyễn

Bình luận
vtcnews.vn