Anh Phan Quốc Dũng (SN 1995) đang là cán bộ hiện trường của dự án phát triển toàn diện chuỗi giá trị Tre Việt Nam. Anh từng là thủ khoa kép Đại học Lâm Nghiệp năm 2018.
Yêu rừng từ thuở nhỏ
Ngày còn nhỏ, Phan Quốc Dũng đam mê và cuốn hút với những chương trình truyền hình về rừng, thế giới động thực vật. Càng đào sâu, anh càng thấy vấn đề về lâm nghiệp hay tài nguyên thiên nhiên nói chung ở Việt Nam chưa được quan tâm nhiều, và đây cũng là vấn đề lớn ở các quốc gia. Anh quyết tâm theo học ngôi trường cách xa trung tâm Hà Nội với ngành học được cho là chưa bao giờ "mặn mà” với giới trẻ.
Năm 2013, Phan Quốc Dũng trở thành thủ khoa đầu vào khối A, ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên, Đại học Lâm nghiệp. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, anh còn là thủ khoa tốt nghiệp với GPA 3,87/4,00.
Là lớp trưởng và chủ nhiệm của câu lạc bộ tiếng Anh, anh cũng thử sức và trúng tuyển tham gia các chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn và tình nguyện liên quan đến ngành học. Tháng 12/2017, anh vinh dự là một trong 16 đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia chương trình Giao lưu thanh niên ASEAN - Hàn Quốc tại Siem Reap (Campuchia).
Dù dành nhiều thời gian tìm hiểu về núi rừng và thiên nhiên của Việt Nam nhưng anh khá “sốc” bởi độ khó của kiến thức ngành khi bắt đầu nghiên cứu. Cái khó đầu tiên là ngoại ngữ, do chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tiếp theo là việc phải thuộc tên khoa học của rất nhiều loài cây, loài động vật, tiếp cận với kiến thức chuyên ngành.
Nếu phải chọn lại, tôi vẫn không thay đổi quyết định năm đó. Núi rừng là tình yêu, là cuộc sống, hơn hết là cách tôi cống hiến ra sao".
Phan Quốc Dũng
Ước mơ thành hiện thực
Ra trường, Phan Quốc Dũng nhận được công việc trợ lý giám đốc tại Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình).
Luôn ấp ủ giấc mơ du học thạc sĩ, với mong muốn đến các nước phát triển để học tập và nâng cao khả năng nghiên cứu sâu hơn về lâm nghiệp Việt Nam, thủ khoa kép đại học Lâm Nghiệp bắt đầu tìm hiểu về học bổng liên quan đến ngành học của mình.
Anh Dũng lựa chọn học bổng Erasmus Mundus do Liên minh châu Âu tài trợ và trúng tuyển ngành Quản lý rừng nhiệt đới bền vững với mức hỗ trợ toàn phần gần 50.000 Euro (hơn 1,3 tỷ đồng).
Với học bổng này, 9X gốc Hà Nội được chọn hai trong năm đại học của các quốc gia Đức, Đan Mạch, Anh, Pháp và Italy. Anh quyết định năm đầu học tại Đại học Công nghệ Dresden của Đức và thời gian còn lại học tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch).
Năm đầu tiên học tại Đức, anh tập trung kiến thức về mảng kỹ thuật trong các hoạt động quản lý và bảo vệ rừng. Sau đó, anh qua Đan Mạch để học xã hội, vai trò của nhà quản lý, cán bộ lâm nghiệp và những người dân bản địa trong việc bảo vệ và phát triển rừng.
Tháng 1 và tháng 3 2021, anh Dũng lần lượt nhận được bằng thạc sĩ chuyên ngành "Rừng nhiệt đới" (thiên về kỹ thuật) và "Rừng và sinh kế" (thiên về xã hội) từ hai trường ở Đức và Đan Mạch.
Kỷ niệm khó quên nhất với anh là khi bảo vệ luận án thạc sĩ trong bối cảnh dịch COVID-19 ở châu Âu nhiều diễn biến phức tạp. "Mọi thứ như đóng sập với tôi", anh Dũng nói. Theo quy định của chương trình học bổng, anh phải làm nghiên cứu ở một nước thứ ba, tức không phải Đan Mạch hay Việt Nam.
Việc liên hệ với giáo sư hay tổ chức một nước thứ ba rất khó khăn mà thời gian còn lại không nhiều. Anh Dũng đành nhắn tình hình cho một số anh chị và được khuyên viết thư đề xuất cho nghiên cứu tại Việt Nam do dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn thế giới. May mắn anh được hội đồng học bổng chấp thuận và bảo vệ thành công luận án với số điểm 10/12.
Trở về với rừng
Hiện Quốc Dũng làm việc cho một dự án về phát triển rừng tre tại Thanh Hóa và Nghệ An, với công việc chính là hỗ trợ bà con khu vực dự án. “Tôi luôn đưa những kiến thức tân tiến nhất đến cộng đồng, hướng dẫn bà con khai thác, chăm sóc như thế nào thì rừng tre sẽ phát triển tốt và không suy giảm chất lượng trong thời gian dài”, anh Dũng nói.
Công việc của anh giống như việc mang khoa học vào đời sống của bà con, kết hợp những kinh nghiệm bản địa lâu đời để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho việc trồng, chăm sóc và khai thác rừng.
Lịch làm hàng ngày của anh không cố định, phụ thuộc vào sự phân công. Khi thì ở bản để gặp mặt bà con, ngày lại cùng mọi người lên rừng để làm việc. Người dân cũng bận những công việc đồng áng, nên lịch trình của anh khá linh hoạt. Nhiều khi trời mưa vẫn đi rừng vì đã lên kế hoạch trước. Dù khó di chuyển và hơi vất vả nhưng ai cũng cố gắng vì kết quả chung.
“Đi rừng sợ nhất là vắt và rắn. Rắn thì độc, còn vắt thì hút máu dữ lắm", anh Dũng nói. Nhờ được trải nghiệm và đi rừng thực tế, Dũng có nhiều kinh nghiệm cho bản thân như vùng rừng nào, mùa nào, thời tiết nào nhiều vắt, rắn; hay khi đi vào rừng thì cần đi cùng vài thanh niên hoặc các bác lớn tuổi trong làng để yên tâm hơn.
Với anh Dũng, công việc tuy có phần vất vả nhưng kết quả từ những công việc là điều khiến anh và đồng nghiệp vui mừng. Đơn cử như việc trước đây người dân khai thác và bán cây với mức giá khá thấp, phần nhiều do họ không biết cách chăm sóc và khai thác đúng cách, cũng như không có các kỹ năng đàm phán với bên thu mua. Tuy nhiên khi người dân nhận sự hỗ trợ của dự án, hướng dẫn của các chuyên gia, cây phát triển tốt hơn, khai thác được nhiều hơn và giá trị cũng tăng lên. Nghe người dân kể về sự thay đổi tích cực đó mà anh và đồng nghiệp ai cũng mừng, cũng hạnh phúc.
Chọn về rừng thay vì ở thành phố là quyết định hoàn toàn đúng với anh Dũng. 9x luôn cảm nhận được những giá trị tích cực mà công việc đem lại. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, anh dần nhận ra rằng, rừng vàng không vô hạn và biển bạc cũng không còn nhiều. Anh Dũng cho rằng, chính suy nghĩ thơ ơ khiến nguồn tài nguyên trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng ngày càng cạn kiệt.
Anh cũng chia sẻ, việc chọn về với rừng giúp bản thân cảm thấy thoải mái và cơ thể cân bằng. Mỗi khi xong việc, ngồi giữa đại ngàn hít no bụng luồng không khí trong lành, lắng nghe tiếng xào xạc của cây lá, tiếng líu lo của các loài chim mà thấy trong lòng 9x nhẹ nhõm và thanh thản.
"Không phải tự nhiên mà rất nhiều nhiều các bạn trẻ ngày nay đang cố gắng “đi trốn” nhiều hơn. Trở về với thiên nhiên, với rừng, với biển là một trong những hành trình tìm lại an yên”, anh Dũng nói.
Bình luận