Liên quan tới dự thảo tinh giản biên chế mới được Bộ Nội vụ công bố rộng rãi, lấy ý kiến người dân, các Bộ, ngành, địa phương, ông Hồ Quốc Phi – người từng là công chức và hiện đang công tác ở một đơn vị kinh tế tư nhân đã có bài viết chia sẻ quan điểm của mình.
Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của cựu công chức này:
Ngay sau khi Bộ Nội vụ công bố Dự thảo "tinh giản biên chế 100.000 người, cần đến 8.000 tỷ đồng và thời gian kéo dài 6 năm" đã dấy lên cuộc "bình loạn" sôi nổi trên tất cả các diễn đàn, báo chí, trong các cuộc "trà dư tửu hậu", chính thức có, công khai có, "chém gió" có...
Tại sao vậy? Bởi đó là vấn đề nóng và khi bình luận vấn đề trên, có mấy ai có đủ thông tin liên quan để có sự đánh giá thấu đáo? Ví dụ: Số lượng công chức hiện nay bao nhiêu?
Việc tinh giản 100.000 biên chế đang gây tranh cãi (Ảnh minh họa: Internet)
"Nếu đem 100.000 biên chế cần giảm để so với 2,7 triệu công chức, viên chức trong bộ máy hành chính thì chưa phải là lớn!”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nói.
Báo VOV đăng: "Tổng biên chế công chức năm 2012 của các cơ quan, tổ chức hành chính và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công chức cấp xã) là 281.692 người.
Tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2013 của các cơ quan, tổ chức hành chính và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và công chức cấp xã) là 281.714 biên chế.
Trong đó, 111.687 biên chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện có 161.950 biên chế. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm 1.077 biên chế...".
Vậy, số lượng công chức hiện tại của ta là bao nhiêu? 400.000? 2,7 triệu?, 281.692? Hay 681.714 người? Ai, cơ quan nào công bố chính thức con số thực? Hay cứ tiếp tục vẫn là màn sương mù!
Mỗi người chỉ nên có một thân phận
Ngay vấn đề 5 đối tượng cần tinh giản đợt này cũng cần được bàn bạc, làm rõ: (Bỏ qua đối tượng 1 và 2).
Theo ông Hồ Quốc Phi, đã là công chức thì không thể là doanh nhân(Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet)
Thứ tư là người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, nay doanh nghiệp đó không còn phần vốn nhà nước nhưng không bố trí được vào vị trí công tác mới.
Thứ năm là những cán bộ, công chức được luân chuyển sang giữ các chức danh chủ chốt, được tuyển dụng hoặc được điều động thuộc biên chế được giao trong các hội có tính chất đặc thù, nay thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại hoặc không đáp ứng yêu cầu chuyên môn…
Chẳng nhẽ các vị này được hưởng 2 lương hay sao? Vừa là công chức (hưởng lương chức vụ) lại hưởng lương "khủng" của doanh nghiệp?
Mỗi người chỉ nên có một thân phận, đã là công chức thì không thể là doanh nhân; hoặc các thành viên các Hiệp hội ngành nghề không nên là công chức.
Tất cả các bình luận đều thiếu thông tin, nên vẫn bình luận theo kiểu “Thầy bói xem voi”. Với tư cách là công dân, cũng đã từng là công chức (nay về hưu), cũng đi được vài nước trên thế giới, cũng đọc được vài ba cuốn sách, tôi xin thử “bói voi” thế này:
Với kiểu cách này "Bình mới - rượu cũ", thì càng tinh giản, đội ngũ công chức càng phình to:
Lịch sử phát triển của đội ngũ công chức trong mấy chục năm qua đã chứng minh điều đó. Hãy lấy ví dụ Bộ Công Thương ngày nay để minh họa: Bộ Công Thương ngày nay là kết quả của việc sáp nhập các Bộ: Công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, điện than, ngoại thương, nội thương, vật tư, thương nghiệp, thương mại...
Kết quả là những tưởng sẽ trả lại nhiều đất đai, trụ sở, nhà làm việc cho Tổng Cục công sản, nhưng các trụ sở hầu như vẫn được sử dụng như cũ; thâm chí cơi nới, xây thêm... để có chỗ cho đội ngũ công chức ngồi!
Nếu xét đến đội ngũ công chức tại các tỉnh, huyện, xã, phường đến thôn thì đội ngũ công chức ngày càng phát triển. Các cuộc điều tra tại các tỉnh năm qua được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nói lên tình trạng đó. (Thanh Hóa có 500 cán bộ trong một xã)
Như vậy, việc tinh giản 100.000 biên chế là việc làm bất khả thi, nếu chỉ theo sách cũ, trong cơ chế xin - cho thời nay.
Cứ thí điểm ở 1 Bộ nào đó trước
Hãy bắt đầu từ việc tinh giản lãnh đạo các Bộ?
Ai cũng biết, cán bộ công chức là người làm thuê cho nhân dân, được nhân dân trả lương. Thay mặt nhân dân quản lý việc bổ nhiệm, tuyển dụng, đánh giá, bãi nhiệm... là Quốc hội. Nhưng Quốc hội chỉ bổ nhiệm các chức vụ cấp cao trong Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ, thành lập Chính phủ, trình Quốc hội phê chuẩn và chịu trách nhiệm trước nhân dân (đại diện là Quốc hội) về ê kíp làm việc của mình.
Quốc hội phải là người giám sát chặt chẽ việc cấp ngân sách một cách sát sao cho Chính phủ, đồng thời giám sát kết quả công việc được giao. Nghĩa là giao cho Chính phủ một ngân sách cố định, nếu muốn tinh giản biên chế thì ngân sách sẽ cắt giảm tương ứng.
Chính phủ phải căn cứ vào ngân sách để nuôi bộ máy công chức tương ứng. Thủ tướng sẽ giao ngân sách cho các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh để tổ chức bộ máy của mình. Với ngân sách được cấp hữu hạn, ai làm tốt/xấu sẽ rõ ràng.
Nếu đánh giá năng lực cán bộ các cấp theo theo chế độ Huấn luyện viên trưởng bóng đá chuyên nghiệp, ai giỏi thì được tiếp tục, kém thì xuống. Lãnh đạo giỏi sẽ chọn những người giỏi vào ê kíp làm việc, không cần số đông.
Về tinh giản cơ học: Các đơn vị trung ương cần gương mẫu chấp hành các văn bản hiện hành: Ví dụ: Quy định: Bộ A: 1 bộ trưởng và 3 thứ trưởng, vậy hà cớ gì Bộ A lại có đến 6-7 thứ trưởng. Hay tỉnh B: quy định 1 Chủ tịch và 3 phó Chủ tịch...
Cứ chiểu quy định mà thi hành, thì hết cơ hội xin cho và giảm được lượng cán bộ, đặc biệt là giảm được ngân sách và tăng năng lực cán bộ. Các đơn vị cấp dưới như Tổng cục, cục, vụ, viện, Sở, phòng... đều được định biên chặt chẽ, sẽ triệt tiêu được cơ chế xin cho.
Bộ Nội vụ cứ làm thí điểm tại một bộ nào đó, định biên cụ thể từ Lãnh đạo bộ, đến các cục, vụ viện. Bộ thì giao Bộ trưởng chịu trách nhiệm, các đơn vị thì người đứng đầu chịu trách nhiệm... Tự khắc họ biết phải làm gì để hoàn thành nhiệm vụ, hoặc nhường cho người khác có năng lực thay thế.
Bình luận