Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận số 2099/BC-TTCP ngày 2/12/2020 gửi Thủ tướng để báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) và việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.
Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra loạt mánh khoé của Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Công ty TNHH quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) trong thương vụ thâu tóm đất công tại dự án nói trên.
4 lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 2010, sau khi được TP.HCM giao dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh với diện tích hơn 6.200m2 theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần, Vinafood 2 lập tức liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại.
Trong thời gian hợp tác, Vinafood 2 đã 4 lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1647/VPCP-KTN ngày 15/9/2015 (giai đoạn từ sau ngày 15/9/2105 đến ngày 29/1/2016). Cụ thể:
Lần thứ nhất: Vinafood 2 không thực hiện lập lại phương án sắp xếp lại 4 cơ sở nhà, đất (số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh) theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và trình Thủ trướng quyết định.
Lần thứ hai: Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo Vinafood 2 trong việc lựa chọn đối tác đảm bảo đủ năng lực thực hiện dự án tại dự án bất động sản số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh.
Thế nhưng, Vinafood 2 lại tự ý liên kết hợp tác với Công ty Việt Hân, không lập thủ tục liên kết, góp vốn trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Lần thứ ba: Mặc dù UBND TP.HCM, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu Vinafood 2 phải xây dựng phương án thoái vốn góp tại Công ty Việt Hân Sài Gòn theo quy định, thế nhưng Vinafood 2 không thực hiện.
Trái lại, ngày 25/11/2015 Vinafood 2 lại thực hiện chuyển nhượng 4 cơ sở nhà, đất nói trên cho Công ty Việt Hân Sài Gòn. Đại diện Công ty Việt Hân Sài Gòn đã dùng chính số tiền góp vốn điều lệ trong công ty để mua 4 cơ sở nhà, đất là tài sản do Vinafood 2 đang được giao quản lý để thực hiện dự án theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng.
Sau khi bán xong 4 cơ sở nhà đất, nhận đủ tiền đất từ Công ty Việt Hân, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà đất tại 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh nhằm khắc phục thua lỗ trong hoạt động kinh doanh.
Lần thứ tư: Vinafood 2 không thông báo cho UBND Quận 1 (TP.HCM) biết việc đã chuyển nhượng toàn bộ 20% góp vốn của Công ty tại Công ty Việt Hân Sài Gòn là 160 tỷ đồng cho Công ty Việt Hân. Vinafood 2 đã không thực hiện lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời 34 hộ dân đang sinh sống tại 3 cơ sở nhà 33 Nguyễn Du và 34-36 Chu Mạnh Trinh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên danh nghĩa của Vinafood 2, nhưng bản chất là để phục vụ cho Công ty Việt Hân. Việc này là sai thẩm quyền, sai về nội dung, hình thức, đối tượng và trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 9405/VPCP-KTTH ngày 7/11/2013 và Văn bản số 1647/VPCP-V.I ngày 15/9/2015...
Lập dự án khống, thế chấp Giấy CNQSDĐ trái luật
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số BB971073 kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo hơn 7 nghìn tỷ đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho 7 công ty khác hơn 6 nghìn tỷ đồng bằng cách lập dự án khống.
7 công ty này gồm: Công ty Cổ phàn Bạch Minh Long, Công ty Cổ phần Supreme Power, Công ty Cổ phần Đầu tư Thuận Nha, Công ty Cổ phần Clover Peak, Công ty Cổ phần Đầu tư Thanh Man, Công ty Cổ phần Đầu tư Song Phú.
Theo đó, Công ty Việt Hân Sài Gòn lập hồ sơ dự án đầu tư khống đối với 4 cơ sở nhà đất nói trên, lấy tên là The Golmark Premium Tower để các công ty này ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn với chi nhánh của một ngân hàng và được giải ngân ngay.
Khi các khoản vay và lãi trả cuối kỳ này đến hạn sẽ được chuyển sang chi nhánh ngân hàng khác để giải ngân và cho vay mới. Phương thức này được lặp đi lặp lại nhiều lần, số tiền vay lần sau lớn hơn lần trước.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, dự án trên không tồn tại, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, việc thế chấp Giấy CNQSDĐ vay ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng nói trên vi phạm các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng đối với khách hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chính sách tín dụng, Quy trình lõi cấp tín dụng, Quy chế phán quyết cấp tín dụng của Ngân hàng thương mại cổ phần.
Bình luận