Quan điểm trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9.
Phiên họp nhằm xem xét, cho ý kiến, thông qua với 3 dự án luật, gồm: Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 2 đề nghị dự án luật là: Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Về đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng, các đại biểu tập trung thảo luận về nội dung đề xuất chính sách liên quan tới tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Theo Thủ tướng, mục tiêu là xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, truyền thông đa phương tiện phục vụ đắc lực, hiệu quả lợi ích quốc gia, dân tộc; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí.
Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí; xây dựng cơ chế, chính sách để bảo đảm cho các cơ quan báo chí hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao trong công tác thông tin tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
"Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, có thêm nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng cho các cơ quan báo chí và người hoạt động báo chí; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phù hợp", Thủ tướng nêu rõ.
Về nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, Thủ tướng nhấn mạnh cần bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý và phát triển hoạt động báo chí; sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Bên cạnh đó cần thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng chuyển đổi số báo chí và giữ vững bản chất, phát huy vai trò báo chí cách mạng; hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo việc hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi). Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật.
Bộ trưởng Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình Quốc hội trong năm 2025.
Kết luận chung phiên họp, Thủ tướng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật, trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động được các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho đất nước trong giai đoạn mới.
Thủ tướng lưu ý, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, khuyến khích người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng các dự án luật cần cố gắng chuẩn bị, trình trong thời gian ngắn nhất có thể, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn; nỗ lực, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong thực tiễn và trình bày, lập luận thuyết phục, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.
Đồng thời, xây dựng quy định phải rõ ràng nhưng không quá cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Vẫn theo yêu cầu của Thủ tướng, phải cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật.
Bình luận