Sáng 14/11, bên lề kỳ họp Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm đã có trao đổi thêm xung quanh vấn đề quân đội làm kinh tế được đưa vào dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).
- Việc quân đội vẫn duy trì làm kinh tế trong thời điểm hiện nay cần được hiểu như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế trong phát triển kinh tế, xã hội là bất di, bất dịch và tất cả các dự án lớn của quốc gia đều phải kết hợp kinh tế - quốc phòng.
Như báo chí cũng đã thông tin về đề án đổi mới doanh nghiệp và đề án cổ phần hóa của quân đội.
Theo đó, trong tổng số 88 doanh nghiệp của quân đội sau khi thực hiện các đề án chỉ còn 17 doanh nghiệp có vốn nhà nước, số còn lại sẽ tập trung củng cố và đơn vị nào có điều kiện phát triển tốt sẽ tiến hành cổ phần, đối với doanh nghiệp yếu kém, không làm được thì giải tán.
Đây là quan điểm rất rõ ràng của quân đội nhằm củng cố đội ngũ thực sự phục vụ kinh tế quốc phòng.
Đối với các doanh nghiệp chỉ có yếu tố làm kinh tế đơn thuần, không có yếu tố quốc phòng thì dứt khoát phải cho ra ngoài.
Với các đoàn kinh tế quốc phòng, hiện nay Bộ Quốc phòng đang tập trung củng cố như Binh đoàn 15, Binh đoàn 16, các đoàn kinh tế quốc phòng ở các quân khu...
Trong đó, sẽ bỏ chức năng doanh nghiệp và chỉ lấy chức năng là đoàn kinh tế quốc phòng phục vụ chính quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế.
Còn với các doanh nghiệp lớn của Bộ như Tập đoàn Viettel, các xưởng đóng tàu..., đó là sự sống còn của quân đội, góp phần lớn cho phát triển kinh tế xã hội, đất nước thì cần phát huy.
Như tôi đã nói, cái gì không phù hợp, không theo quy luật xã hội phải loại ra và rõ ràng, các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của quân đội dứt khoát phải giải thể.
Video: Quân đội có nên làm kinh tế?
- Việt Nam là một trong số ít nước vẫn còn giữ quân đội kết hợp làm kinh tế. Vậy, cần phải làm thế nào để vừa đạt hiệu quả và đảm bảo đúng chức năng của quân đội?
Hiện nay, kinh tế công nghiệp là một động lực và để phát triển thế hệ mới về công nghiệp quốc phòng, với tiềm lực của đất nước như chúng ta mà không kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế sẽ rất khó.
Nếu cứ dựa hẳn vào nhà nước sẽ không gánh nổi mà phải tự làm ra kinh tế để phát triển cho quốc phòng.
- Trước đó, ông đã cho rằng quân đội không nên làm kinh tế tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23/6/2017. Vậy phải hiểu phát ngôn lúc đó như thế nào, thưa ông?
Mọi người hiểu phát biểu lúc đó không đúng. Tôi nói là quân đội không làm kinh tế đơn thuần, ví dụ, làm kinh tế mà vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của quân đội là bỏ.
Việc bỏ làm kinh tế đơn thuần của quân đội phải nói nghiêm túc và Bộ Quốc phòng đã thực hiện rất nghiêm túc việc này.
Cụ thể, Bộ đã chấn chỉnh một số doanh nghiệp ở TP.HCM, một số doanh nghiệp làm ăn vi phạm pháp luật, quy định của quân đội và xử nghiêm túc, cương quyết giải thể.
Tôi khẳng định, quan điểm quốc phòng gắn với kinh tế là xuyên suốt từ khi thành lập quân đội đến nay và Bộ Quốc phòng đang tập trung giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại.
Chúng ta không những cần duy trì quân đội làm kinh tế mà còn phải đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, chất lượng ngày càng tốt và tính đến tính chất hiện đại.
Bình luận